Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sân khấu công lập sẽ đi đến đâu? Khi việc “ủ ấm” sẽ không còn

Thứ Hai 04/06/2018 | 09:44 GMT+7

VH- Mặc dù chính sách xã hội hóa đã là xu hướng chung không thể đảo ngược đối với lĩnh vực sân khấu vốn vẫn được “ủ ấm” trong cơ chế bao cấp hàng nhiều thập niên, nhưng lộ trình cắt giảm từng phần ngân sách cấp cho các đơn vị sân khấu công lập để chuyển dịch dần tới đích xã hội hóa hoàn toàn vẫn còn rất nhiều khó khăn, gian nan.

 “Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” của Liên đoàn Xiếc VN, tác phẩm đặt hàng của Bộ VHTTDL, chương trình được trẻ em hào hứng đón nhận

 Để không bị quá phụ thuộc vào nguồn ngân sách, lại có thể giúp tập thể nghệ sĩ chủ động, có điều kiện để luyện tập, biểu diễn và có nguồn thu nhập, lãnh đạo những đơn vị sân khấu công lập đã có sự năng động riêng. Thời kỳ này, xã hội hóa được thực hiện dưới hình thức đơn vị đứng ra đảm bảo về mặt pháp nhân để các nghệ sĩ tự tổ chức gom người, lựa chọn kịch bản, tìm nguồn kinh phí để dàn dựng vở. Nhà hát giữ vai trò thẩm định vở, nếu đạt yêu cầu về nội dung và chất lượng nghệ thuật thì sẽ đứng ra xin giấy phép biểu diễn.

Vẫn còn nặng tính tự phát

Nhà hát Tuổi Trẻ đã đi đầu trong phương thức hoạt động này và được báo giới cổ vũ khá nhiệt thành. Một số nghệ sĩ lập nhóm riêng và “ăn theo” các dịp lễ tết trong năm, tiêu biểu là nhóm nghệ sĩ Xuân Bắc - Tự Long năm nào cũng ra được những tác phẩm dành cho thiếu nhi vào dịp hè. Rồi các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch VN bằng kinh nghiệm, quan hệ riêng, dựa vào sự hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất và sự ưu tiên nhân lực của đơn vị mà dàn dựng tác phẩm, bán vé… nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, Rằm Trung thu… Gần đây nhất, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng có vở Tôi đẹp, tôi có quyền được thực hiện theo cung cách tự đầu tư đã có lãi...

Nhưng về cơ bản, những hoạt động này hoàn toàn mang tính chất tự phát, chưa có kế hoạch hoạt động dài lâu. Hoặc ban đầu cũng có ý định hoạt động thường niên, song do lượng vé bán chưa đủ yêu cầu tối thiểu nên cũng nhanh chóng tự thụt lùi.

Các đơn vị khác như Nhà hát Cải lương VN chừng gần chục năm trước có hai nhóm nghệ sĩ hoạt động theo kiểu đàn ca tài tử tăng thêm rất nhiều phần giao lưu với công chúng, rồi chào mời các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng cần tới hoạt động này. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Trần Quang Khải, Phó trưởng đoàn 1 Nhà hát Cải lương VN, hoạt động này vẫn chưa thật ổn định. Nhà hát Cải lương Hà Nội có những chương trình như Golden Bell kết hợp với Công ty du lịch Tầm nhìn Việt, rồi chương trình rất có ý nghĩa Tiếng đàn giọng ca giữa lòng thủ đô… cố gắng để duy trì song hiện tại, vì lý do sửa chữa rạp nên bao công sức của nghệ sĩ lại bị… ngắt quãng.

Nhà hát Kịch VN vốn có thành tích khá tốt trong lĩnh vực xã hội hóa khi kêu gọi được những “Mạnh Thường Quân” để đưa kịch Việt ra nước ngoài, đưa những vở diễn đến với bà con vùng sâu vùng xa, rồi có những dự án với các doanh nghiệp dựng tác phẩm, biểu diễn theo kế hoạch với số buổi nhất định, hay như dựa vào kinh phí từ cá nhân, dựng vở riêng cho đoàn thanh niên khai thác… nhưng gần đây cũng có phần lắng lại.

Nhà hát Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị khá thành công trong việc kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, qua dự án “Chắp cánh niềm tin”, Ngân hàng SHB đã tài trợ biểu diễn gần 500 suất diễn miễn phí cho lớp khán giả trẻ, đặc biệt là cho học sinh sinh viên. Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1.6.2018 Vietjet và Nhà hát Tuổi Trẻ công bố chuỗi chương trình “Bay lên những ước mơ” mang nghệ thuật đến với trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình được triển khai rộng rãi, dành tặng cho hơn 12.000 trẻ em, học sinh tại các trường học, địa phương trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, đồng thời tặng các phần quà thiết thực hỗ trợ cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm nghị lực, vững tin vào tương lai. Song để biến địa điểm Nhà hát thành địa chỉ đỏ đèn thường xuyên thì cũng là việc rất khó khăn.

 “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Nhà hát Tuổi Trẻ, tác phẩm đặt hàng của Bộ VHTTDL được trao HCV Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018

Có lẽ còn lâu mới dứt được “bầu sữa”

Với chủ trương xã hội hóa các đơn vị sân khấu công lập, Bộ VHTTDL đã cố gắng đưa ra lộ trình phù hợp. Hiểu một cách đơn giản, ban đầu, kinh phí của các đơn vị sân khấu sẽ bị cắt giảm dần dần, thay thế bằng việc Nhà nước đặt hàng tác phẩm theo yêu cầu riêng về nội dung, về nghệ thuật đối với các đơn vị. Hằng năm, sẽ có những tác phẩm sân khấu được ra mắt sau một quá trình khá dài: Bộ (hoặc Sở) VHTTDL sẽ đặt hàng, duyệt kịch bản, đầu tư kinh phí dựng vở... Nhiều tác phẩm hay, được đánh giá cao đã thực thi theo đúng yêu cầu này.

NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho rằng: “Việc “đặt hàng” này đã tạo cho chúng tôi nguồn kinh phí để có thể đầu tư xây dựng những tiết mục, chương trình quy mô, hấp dẫn. Nếu chương trình và tiết mục của chúng tôi không mới sẽ không được chấp nhận. Ví dụ như tiết mục xiếc Đu bay mà chúng tôi gửi Trường Trung cấp NT Xiếc VN đào tạo từ học sinh cho đến khi ra trường được Liên đoàn Xiếc VN tiếp nhận cả ê kíp diễn viên tham gia tiết mục, số tiền chi phí bỏ ra lên tới tiền tỷ. Không có Nhà nước đặt hàng thì sẽ khó mà có được những tiết mục tập thể có quy mô lớn về chất lượng và nghệ thuật như vậy”.

Không thể phủ nhận vai trò khá tích cực của việc đặt hàng đối với các đơn vị nghệ thuật khi được khơi gợi từ những đơn vị chủ quản. Đặc biệt có ý nghĩa hơn là với các đơn vị xã hội hóa ở TP.HCM. Sân khấu kịch Hồng Vân được đầu tư cho tác phẩm về Tết Mậu Thân Châu về hợp phố (kịch bản Trần Văn Hưng, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc). Trước đó, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng được đầu tư vở Dấu xưa viết về Bác Hồ (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc)….

Tuy nhiên, nhìn tổng quát, công tác xã hội hóa các đơn vị sân khấu công lập cũng chưa có bước tiến đáng kể. Theo đạo diễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, kinh phí cho các hoạt động của đơn vị không nhiều, thường đủ để trang trải lương cho cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát. Việc đặt hàng của đơn vị chủ quản sẽ được bắt đầu bằng việc duyệt kịch bản, khác với trước đây, Nhà hát chủ động trong công tác lựa chọn kịch bản, dàn dựng rồi Cục NTBD sẽ làm công tác duyệt vở. Có vẻ như, việc cắt giảm 30% kinh phí để rồi số kinh phí này sẽ được đưa vào đặt hàng cũng mới chỉ là một cách làm để giúp các đơn vị duy trì được hoạt động cần thiết, để góp phần giữ chân các nghệ sĩ...

  Sân khấu xã hội hóa ở miền Bắc, cụ thể là ở Hà Nội hiện vẫn còn rất khó khăn, gian nan, đặc biệt là với những đơn vị kịch hát truyền thống như Tuồng, Chèo. Sân khấu của Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN vẫn tiếp tục bù lỗ để gắng gỏi tạo địa chỉ văn hóa từ khá nhiều năm nay nhưng đôi lúc thiếu vắng người xem đến nao lòng...

 CAO NGỌC

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top