Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hành trình “dụ” trẻ đọc sách

Thứ Hai 07/08/2017 | 10:28 GMT+7

VH- Từ năm 2008, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã rất quan tâm đến việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ và tìm đọc rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước để tìm ra cách thức hiệu quả nhất cho phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thực tiễn giảng dạy, chị nhận ra rằng, đọc sách là một trong những con đường tốt nhất để trang bị kiến thức, phát triển ngôn ngữ, không những thế còn có tác dụng rất tích cực tới tư duy, cảm xúc, năng lực sáng tạo, thậm chí bồi đắp tâm hồn, nhân cách, giá trị sống cho trẻ. Từ đó, chị bắt đầu xác định đây sẽ là con đường mà mình cần phải theo đuổi lâu dài.
Cùng với các cộng sự, năm 2015 TS Ngọc Minh bắt tay vào xây dựng dự án “Sách ơi mở ra” với mục đích kết nối được các nguồn lực khác nhau trong xã hội để có thể dần tạo nên một cộng đồng trẻ em biết cách đọc sách thông minh trong tương lai. Và chỉ sau hơn hai năm hoạt động, dự án “Sách ơi mở ra” đã có gần 1.000 học sinh tham gia các lớp học kỹ năng đọc sách; tổ chức được gần 70 sự kiện về văn hóa đọc; xây dựng được 2 thư viện cộng đồng cho trẻ em Hà Nội (tại Cầu Giấy và Hà Đông) với 400 thành viên thường xuyên tới đọc và mượn sách; tặng 3 tủ sách dành cho trẻ em ở Văn Bán và Cẩm Khê (Phú Thọ), Chương Mỹ (Hà Nội); tập huấn cho gần 1.000 giáo viên, cán bộ thư viện, cán bộ phòng giáo dục thuộc các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Giang, Hậu Giang, Kiên Giang về việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; tập huấn cho hơn 100 cán bộ thư viện toàn quốc về mô hình thư viện công cộng dành cho thiếu nhi... Các sự kiện cộng đồng trong khuôn khổ dự án đã thu hút hàng nghìn người tham gia...
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, khi có ý định xây dựng một mô hình phát triển văn hóa đọc, chị cũng tìm hiểu và tham khảo rất nhiều mô hình đã có và đặt ra một số câu hỏi cho mình: Làm thế nào để đứa trẻ có hứng thú với việc đọc, có thói quen đọc sách và đặc biệt là có kĩ năng đọc sách hiệu quả. Trẻ con chỉ có thể đọc sách khi chúng cảm thấy thực sự tò mò và hứng thú. Và chúng rất cần có một cộng đồng để chia sẻ niềm vui ấy, để niềm vui được nhân rộng, lan tỏa thành một thứ cảm hứng mạnh mẽ. Quan trọng hơn, chúng chỉ có thể thấy hứng thú trong việc đọc, khai thác hết những giá trị của sách khi chúng biết cách đọc sách hiệu quả, khi nhờ đọc sách, chúng biết phát huy tối đa khả năng tư duy, ngôn ngữ, khả năng tương tác của mình. Bằng việc lần lượt trả lời các câu hỏi đó, mô hình hoạt động của “Sách ơi mở ra” dần được hình thành.

 Bước đầu các em tập làm việc theo nhóm thông qua việc đọc và thảo luận từ sách


Vậy là hàng loạt các chuỗi hệ thống chương trình rèn luyện kỹ năng đọc bài bản cho trẻ từ mầm non cho đến hết lớp 9 ra đời, giúp trẻ em phát triển kĩ năng đọc toàn diện, trở thành “Người đọc thông minh”, bao gồm 3 cấp độ đọc: Đọc vui, sân chơi sáng tạo giúp trẻ bước vào thế giới của sách. Đọc hiểu, trang bị các chiến lược đọc hiệu quả, xây dựng tri thức nền, phát triển kĩ năng ngôn ngữ- tư duy- xã hội. Đọc phân tích, trang bị các chiến lược đọc phân tích, thúc đẩy năng lực tư duy phê phán, sáng tạo.
Để tiếp tục truyền cho con ngọn lửa đam mê đọc sách, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, dự án “Sách ơi mở ra” tiếp tục hoạt động theo ba hướng tiếp cận, một là dạy kỹ năng đọc cho học sinh; hai là đào tạo phương pháp dạy học mới, hiệu quả cho các giáo viên trong và ngoài dự án và ba là xây dựng, phát triển mô hình thư viện như là một trung tâm kết nối. Đồng thời, phối hợp với các nhà sách, nhà xuất bản, trung tâm văn hóa Pháp, Đức… tổ chức các sự kiện giới thiệu sách, để chia sẻ những cuốn sách hay tới cộng đồng bạn đọc nhỏ tuổi ở Hà Nội. Tổ chức những buổi hội thảo dành cho phụ huynh nhằm tạo ra một không gian để phụ huynh có điều kiện chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong việc dạy con của mình với chuyên gia của dự án, nâng cao kiến thức, hiểu biết để có những phương pháp giáo dục tốt nhất cho con. 
Thanh Ngọc

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top