Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Để thơ không còn phải chịu số phận oan uổng

Thứ Sáu 27/09/2019 | 09:35 GMT+7

VHO- “Lịch sử của dân tộc Việt Nam có thể nói gắn liền với lịch sử thi ca và người Việt vốn yêu thơ. Bởi vậy chúng tôi đang làm một việc là tái sinh, phục dựng lại nghi lễ thơ ca mà trước đây ta đã có…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ như vậy khi nói về dự án tôn vinh thơ ca và đưa thơ đến với độc giả.

Không gian thơ được trang hoàng với các tác phẩm nghệ thuật

Sáng 25.9, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức giao lưu và toạ đàm với tên gọi “Xứ - thơ Trần Lê Khánh”. Theo Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đây là chương trình mở màn cho dự án dựng lại nghi lễ của thơ ca: “Chúng ta đã có Ngày Thơ được tổ chức như một ngày hội, nhưng việc đọc thơ của từng tác giả rất ít. Cho nên chúng tôi thấy cần phục hồi trở lại”.

Trước hết, bởi điều kiện về tài chính, thời gian, chương trình sẽ diễn ra định kỳ mỗi quý một lần, 1 năm có khả năng tổ chức 4 buổi đọc thơ lớn, chọn tác giả từ Bắc đến Nam, từ trẻ tới già. Trong mỗi chương trình, một tác giả hoặc một nhóm tác giả sẽ được mời đến đọc thơ, trong không gian trang hoàng thật đẹp, để tôn vinh người đọc, tôn vinh nhà thơ. Cho dù thơ đó dài hay ngắn, hay hoặc chưa hay, có thể người này cảm nhận được, người khác chưa cảm nhận được, nhưng quan trọng nhất là nhà thơ, và người yêu thi ca đến đó, cùng ngồi xuống trong một tinh thần tốt đẹp nhất, nhân ái nhất.

Nơi đọc thơ như một thánh đường, những vần thơ được khán giả chờ đón... là những mong muốn của những người tổ chức. Trong buổi mở màn, hội trường của trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã đầy ắp và rộn ràng, bởi có sự tham gia của đông đảo những người yêu thơ, từ độc giả tới những người đang sáng tác đã có tên tuổi trong làng văn hay còn ít được biết tới. Bên ngoài tọa đàm là những bức tranh in gắn với những vẫn thơ được trưng bày, và cuối buổi, những người yêu thơ có thể mang tranh về nhà...

Tuy nhiên, chương trình sẽ dành cho những thế hệ trẻ là chính, bởi các nhà thơ thế hệ trước như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Trần Đăng Khoa... đã quá nổi tiếng. “Chúng tôi không đi lại những con đường mòn, bởi đời sống luôn thay đổi, chuyển động, đầy bất ngờ, và thơ ca hãy sáng tạo, văn học nghệ thuật cũng phải mang tinh thần đó. Đã đến lúc, cần hướng về những người trẻ, giới thiệu giọng thơ đương đại, để thấy rằng, trong thời đại đứng trước muôn vàn thách thức về đức hạnh thì những người trẻ, thái độ sống của họ ra sao trong một bài thơ, cái mà họ muốn nói với bạn đọc điều gì trong một bài thơ, nếu họ tuyệt vọng, chúng ta sẽ tuyệt vọng, nếu họ khát vọng, chúng ta sẽ khát vọng, bởi vì họ là thế hệ tiếp tục và là ông chủ chính của đất nước này. Những người ở thế hệ như tôi có quyền được lùi lại, hưởng thụ, lắng nghe và lo âu...”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Giọng thơ đầu tiên được giới thiệu là Trần Lê Khánh, một gương mặt còn ít người biết đến, nhưng ban tổ chức hy vọng, dần dần sẽ có nhiều người đọc thơ anh bởi sự mới mẻ, tinh thần và tư duy khác biệt trong đó. Xuất thân từ nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca chỉ từ năm 2015, Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ Lục Bát Múa trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Có thể nói Trần Lê Khánh khá có duyên với thể thơ lục bát truyền thống, và anh biết tạo ra sự khác biệt bằng mỗi bài 2 câu độc lập trong một tập thơ liên hoàn như bản trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản. Tác giả Trần Lê Khánh chia sẻ: “Tôi chỉ muốn những bài thơ viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác. Tôi cũng không nghĩ mình là một nhà kinh tế hay một nhà thơ, mà không là gì cả. Tôi chỉ đang trên hành trình đi tìm cái tôi của mình”.

Đọc thơ Trần Lê Khánh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định: “Thi sĩ Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng những xa vắng trùng khơi. Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy... Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…”. 

 MINH HÀ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top