Phim tài liệu Trại Davis: Nét độc đáo của đối ngoại quân sự Việt Nam

VH- Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có nhiều câu chuyện cảm động nhưng có lẽ ít người biết đến cuộc đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta tại Trại Davis. Với bộ phim tài liệu Trại Davis, Điện ảnh QĐND một lần nữa khẳng định thế mạnh ở một dòng phim lâu nay vẫn được đánh giá là kén cả người làm và người xem.

Để bộ phim mang một góc nhìn mới, khác với những tác phẩm cùng đề tài trước đây, đại tá, NSND Lưu Quỳ, đạo diễn phim đã trăn trở, chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết. Phim tài liệu Trại Davis hoàn thành được đánh giá mang tính nghệ thuật cao, giàu chất nhân văn, kịp thời phục vụ công chúng trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc.

Phim tài liệu Trại Davis: Nét độc đáo của đối ngoại quân sự Việt Nam - Anh 1

823 ngày đêm ở Trại Davis

Phim tài liệu Trại Davis của Điện ảnh QĐND một lần nữa trả lời cho câu hỏi: Làm sao hai phái đoàn quân sự của ta ở Trại Davis nằm ngay trong sào huyệt địch có thể hoàn thành nhiệm vụ? Trong “ốc đảo cách mạng”- Trại Davis, các cán bộ, chiến sĩ của ta đã đấu trí, đấu lý căng thẳng, quyết liệt với địch suốt 823 ngày đêm cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trại Davis, những thước phim tài liệu đã mang đến cho người xem cơ hội nhìn lại một phần quá khứ, lịch sử bi hùng của dân tộc, với những hy sinh, mất mát nhưng tràn ngập cảm xúc tự hào.

Sản xuất năm 2018, Trại Davis tái hiện lại cuộc đấu trí, đấu lý căng thẳng giữa hai đoàn đại biểu quân sự của Việt Nam DCCH và đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với đoàn quân sự Mỹ và đoàn quân sự Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhằm thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam. Sống, chiến đấu hiên ngang ngay trong lòng địch, hai đoàn đại biểu không ngại hy sinh gian khổ, nêu cao tinh thần kiên quyết tiến công, buộc Mỹ - Thiệu phải thực thi Hiệp định Paris. Việc hình thành Trại Davis nằm ngay trong lòng địch cũng được đánh giá là một trong những nét độc đáo của đối ngoại quân sự Việt Nam.

Theo đại tá, NSND Lưu Quỳ, với mong muốn để người xem có thể hiểu được về một “mũi tiến công” vô cùng đặc biệt, với những cán bộ chiến sĩ kiên cường “chiến đấu” ngay trong lòng địch, Ban giám đốc Điện ảnh QĐND đã quyết định thực hiện bộ phim này. Hiệp định Paris ký ngày 27.1.1973, ngày 28.1.1973, hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta đến Sài Gòn từ 3 hướng. Mặc âm mưu chống phá hiệp định của địch, ta đã vượt qua những phá hoại từ ngay ngày đầu để công khai gặp nhau trong vòng vây của địch, tạo thành “ốc đảo cách mạng” đấu tranh với địch bằng mũi tiến công ngoại giao quân sự, góp phần vào chiến thắng 30.4.1975.

Trại Davis có điều kiện cơ sở vật chất và vị trí hoạt động khó tương thích với yêu cầu, nhiệm vụ của bất cứ phái đoàn ngoại giao nào. Những ngôi nhà thấp, nhỏ, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, không có cây xanh, xung quanh là các lớp hàng rào thép gai, hệ thống hào, hàng chục trạm gác, nhiều trại lính dù, đơn vị biệt động của địch. Không khí căng thẳng đến từng giây. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, cán bộ, chiến sĩ của ta đã đấu tranh không nhượng bộ, với mục tiêu và động lực nhằm nhanh chóng thống nhất nước nhà.

Trong thời gian này, nhiều cán bộ làm công tác báo chí trong và ngoài quân đội ở hai miền Nam - Bắc được tuyển chọn đã vào trại Davis. Ngay trong sào huyệt của địch, Ban thông tấn báo chí đã trợ giúp đắc lực cho phái đoàn của ta trên mặt trận ngoại giao. Nhiều phóng viên nước ngoài đã nhận rõ thiện chí hòa bình, hòa hợp và tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta.

Các cán bộ, chiến sĩ trong trại Davis luôn khéo léo, quyết liệt chiến đấu với địch, quyết tâm bám trụ, giữ vững trụ sở đại diện của lực lượng cách mạng đến ngày cuối của cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh kẻ thù tìm cách cô lập cán bộ, chiến sĩ của ta ở trại Davis, hai đoàn đại biểu quân sự vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo ấn tượng tốt đẹp.

Tìm lại những tài liệu cũ, gặp gỡ những nhân chứng, sự cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ của ê kíp làm phim đã thể hiện rõ nét trong từng thước phim thấm đẫm giá trị lịch sử. Bởi vậy mà dù hơn 40 năm đã qua nhưng 823 ngày đêm đấu tranh kiên cường trong sào huyệt địch ngày ấy vẫn là bài học lịch sử sâu sắc cho mãi mãi sau này.

Phim tài liệu Trại Davis: Nét độc đáo của đối ngoại quân sự Việt Nam - Anh 2

Những thông điệp trường tồn

Lịch sử càng lùi xa, những nhân chứng ngày càng ít dần đi nhưng trại Davis cùng những giá trị của nó lại càng cần được lưu lại. Ê kíp phim Trại Davis của Điện ảnh QĐND mang nhiều trăn trở khi trước đây đã có nhiều bộ phim tài liệu khác đề cập đến sự kiện lịch sử này. Họ xem đó như một thách thức, nhưng cũng là động lực để thực hiện một tác phẩm mới, với khao khát làm nên một bộ phim dấu ấn.

Điện ảnh QĐND cũng từng có phóng viên đến tác nghiệp tại trại Davis nên có nhiều thước phim, hình ảnh tư liệu quý được lưu trữ. Để đáp ứng yêu cầu mang một màu sắc, góc nhìn mới mẻ, đạo diễn, NSND Lưu Quỳ đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng các tư liệu lịch sử, dành nhiều thời gian gặp gỡ các nhân chứng - những người đều đã ở độ tuổi xưa nay hiếm. Thật may mắn, các nhân chứng đều tâm đắc và nhiệt tình giúp đỡ đoàn phim.

“Có những nhân chứng đã hơn 90 tuổi. Chúng tôi đã thuyết phục họ giúp đỡ để sau này sẽ không mất đi những tư liệu quý giá, ít người được biết. Trong tác phẩm này, khán giả sẽ có cơ hội được chứng kiến một số hình ảnh mới lạ về 823 ngày đêm tại trại Davis, lần đầu tiên được công bố”, theo ê kíp làm phim.

Một thành tố quan trọng làm nên thành công của phim chính là những tư liệu hình ảnh về 823 ngày đêm đã được các phóng viên của Điện ảnh QĐND ghi lại tại thực địa. Một phần tư liệu đó đã được sử dụng để thực hiện một bộ phim về Trại Davis, một phần quý giá khác được lưu giữ cẩn thận để giờ đây, đạo diễn Lưu Quỳ được tiếp xúc, tìm hiểu, chọn lọc và đưa vào bộ phim mới của mình. 

 NHÃ QUYÊN

Ý kiến bạn đọc