Vì sao doanh nghiệp kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?

T.D

VHO - Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) tổ chức ngày 7.5, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nêu kiến nghị về việc bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì cho rằng việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINPA, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu từ khi có hiệu lực đến nay đã được sửa đổi bởi các Nghị định 08/2018, Nghị định 95/2021, Nghị định 80/2023. Trong thời gian gần 10 năm thực hiện, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu kinh tế xã hội và tiêu dùng của người dân.

Vì sao doanh nghiệp kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu? - ảnh 1

Duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều quy định cần sửa đổi để đáp ứng tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Đơn cử như cơ cấu nguồn xăng dầu trong nước đã đáp ứng được 70%, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến xăng dầu được ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Quản lý ngoại thương… dẫn tới một số quy định điều hành thị trường xăng dầu có nhiều thay đổi…

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm nhận định, thời gian qua, Quỹ Bình ổn gần như không cần trích chi sử dụng và thị trường vẫn diễn ra bình thường. Do vậy, việc duy trì quỹ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

"Trong khi duy trì quỹ, doanh nghiệp rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh, kiểm tra. Như với Petrolimex, một năm thực hiện 11 triệu m3/tấn, số lượng rất lớn, kể cả dùng máy tính cũng có độ chênh lệch. Chỉ cần sai lệch nhỏ thì bị quy là sai phạm. Rất khổ", ông Trần Ngọc Năm nói.

Từ thực tế đó, đại diện Petrolimex kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn. Đối với trường hợp vẫn giữ Quỹ Bình ổn để ổn định vĩ mô, ông Trần Ngọc Năm kiến nghị không để quỹ ở doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải giữ quỹ.

"Sai phạm vừa rồi của các đầu mối là do quản lý quỹ, nhưng khi thực hiện giữ quỹ thì thủ tục phải đơn giản. Tiền trích nộp thì nộp vào ngay, chi ra cũng cần chi ngay. Đừng đưa ra các hàng rào kỹ thuật để rồi nộp vào rồi lấy ra khó. Chúng tôi thiên về hướng ủng hộ bỏ quỹ”, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex nói.

Đại diện Petrolimex cũng cho rằng, cần xem lại cách tính giá cơ sở cũng như bổ sung quy định trích, chi Quỹ Bình ổn trong công thức giá; quy định tính dự trữ bình quân 30 ngày dựa trên sản lượng của năm trước chưa hợp lý; cần xem lại việc tăng dự trữ từ 20 ngày lên 30 ngày; quy định cho phép được ký hợp đồng với 3 đại lý là quy định rất rủi ro... Bởi theo ông Trần Ngọc Năm, những quy định này, sẽ là vấn đề rất lớn với các doanh nghiệp, bản thân Petrolimex dù có tiềm lực cũng không thể dễ dàng thực hiện.

Đồng tình với quan điểm này, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOil cũng cho rằng, hiện đang có rất nhiều nghị định, thông tư khác ràng buộc doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu chỉ nên đưa ra các danh mục vấn đề để quản lý.

Về vấn đề dự trữ, ông Cao Hoài Dương cho rằng, dự trữ 30 ngày, 50 ngày là trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước cần bỏ tiền ra, không thể đổ lên vai của doanh nghiệp. Trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà nước là thuế.

Cùng với đó, Chủ tịch HĐQT PVOil cũng lưu ý xăng dầu là lĩnh vực nhạy cảm với các đơn vị thanh tra, do đó, không nên thanh tra quá nhiều, một năm doanh nghiệp phải đón nhiều đoàn thanh tra, rất mệt mỏi cho doanh nghiệp.

Về Quỹ Bình ổn xăng dầu, Chủ tịch HĐQT PVOil cũng cho rằng, cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và xem lại cách tính toán giá cơ sở.

Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết trong Luật Giá có quy định về 4 loại hình BOG và mặt hàng xăng dầu thuộc 1 trong 4 loại hình này. Do vậy, ngay cả khi không nêu quỹ BOG trong Nghị định, thì quản lý giá xăng dầu vẫn phải duy trì quỹ BOG theo Luật Giá.

Tại Dự thảo lần 2 về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương quy định trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức chẳng hạn là 120 USD/thùng trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng quỹ BOG xăng dầu theo quy định tại Luật Giá. Bộ Công Thương xin ý kiến các tổ chức, cá nhân về mức giá xăng dầu thế giới cụ thể để đáp dụng biện pháp bình ổn giá.