Sân ga ký ức

SƯƠNG NGUYỆT MINH

VHO - Không biết từ đâu, từ lúc nào cái sân ga tàu hỏa, mà phải là ga xép, cứ ám ảnh tôi mãi, cứ nghĩ hoài về nó? Ga xép thì rõ ràng là nhỏ bé, vắng vẻ, đìu hiu, cũng như phận người vậy, mà là phận người phụ nữ. Mong manh. Côi cút. Thời chiến thì cái quạnh vắng ấy biến mất, sân ga trở thành nơi tập kết hàng hóa, vũ khí đạn dược và binh sĩ vào chiến trường; là túi đạn bom Mỹ trút xuống. Sân ga cũng là nơi đưa tiễn người đi, đón người trở về. Có người đi từ sân ga, rồi đi mãi. Sân ga là chốn chia ly…

Sân ga ký ức - ảnh 1

 Đoàn quân Nam tiến xuất phát từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Ảnh tư liệu

Một xã hội thu nhỏ…

Cuối năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam đang đến hồi căng thẳng, ác liệt. Ở lán dã chiến bên sông Vàm Cỏ Đông, tôi cứ nhìn về phương Bắc xa xôi, chẳng biết đến bao giờ mới hết tiếng súng để về với mẹ. Nỗi nhớ nhà ập đến, bỗng nhiên tôi bắt gặp bài thơ Sân ga chiều em đi của Xuân Quỳnh trong mớ sách báo quân bưu chuyển đến từ hậu cứ: “Sân ga chiều em đi/Bàn tay da diết nắm/Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc”. Nghĩ thương đôi tình nhân chia tay ở sân ga, tàu chưa chuyển bánh mà đã thấy kẻ Bắc người Nam, rồi lại nghĩ, may mình chưa bị dồn vào tình cảnh ấy, và nếu xảy ra thì mình sẽ như thế nào?

Sau này, có lần tôi trở về nhà bằng tàu hỏa, xuống sân ga bất chợt nhìn thấy anh bạn cùng nhập ngũ, ra quân trước, mặc quân phục bạc màu đứng thổi sáo, lúc thì bài Tiếng đàn Ta Lư, lúc thì Chiếc khăn piêu...

Sau đó, người vợ ngồi bên ngâm bài thơ Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bình, có những câu man mác: “Có lần tôi thấy một người yêu/ Tiễn một người yêu một buổi chiều/Ở một ga nào xa vắng lắm/Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu”. Người đang yêu chia tay ở sân ga, cầm tay nhau, bóng đổ xiêu xiêu, thời gian chiều tà như đứng lại. Chị lại ngâm những câu rung cảm nỗi niềm xót xa: “Có lần tôi thấy một bà già/Đưa tiễn con đi trấn ải xa/ Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng/ Lưng còng đổ bóng xuống sân ga”.

Cuộc chia ly không hẹn ngày về, lòng người mẹ nặng trĩu, bắt đầu một nỗi còm cõi hiu hắt chờ đợi con đi trấn ải. Tôi nhận ra bạn, bạn nhận ra tôi. Một chút xót xa, một chút bẽ bàng, một trời chia sẻ…

Tôi cũng nhận ra sân ga có đủ các hạng người, cứ như một xã hội thu nhỏ, nhưng chủ yếu là của người nghèo, có cả người vừa đi qua cuộc chiến gian khổ, hy sinh ở trận mạc, lại gian nan, lam lũ trong đời thường.

Cũng may, bẵng đi 5 năm sau, đất nước thay đổi, kinh tế khá dần lên, vợ chồng bạn tôi trở thành chủ trang trại, nhưng câu chuyện thổi sáo, đọc thơ của Nguyễn Bính ở sân ga thì cứ kể mãi trong những lần gặp nhau kỷ niệm ngày nhập ngũ.

Sau này, đọc Những người lính của làng của Nguyễn Quang Thiều, tôi càng tự tin với nhận thức của mình về cái sân ga quá nhiều ám ảnh: “Em rón rén đi quanh từng khẩu súng/Tay chạm vào, tay vội vụt ra ngay/Rồi em hát một câu gì chẳng rõ/Phía biển đêm tiếng sóng nấc thầm”.

Tứ thơ của Nguyễn Quang Thiều rất lạ, ông vẽ ra hình ảnh một cô gái đi biển trở về thì nhà cả tan tác: “Chỉ mt hố bom thù/Nhng mnh vi vn còn ngm lửa/Lửa chùng chình gặp máu bết chưa khô”. Từ đó, “… em không về nhà na/Em lang thang trong khóc trong cưi/Trí nhớ em như mt bu nước sóng/ Để bây giờ ngang dc gió u… u…”. Hình ảnh ấy ghim vào lòng người lính chờ ở sân ga trước lúc lên tàu ra trận. Tôi tin rằng, các anh sẽ mang hình ảnh đau thương ấy vào trận đánh.

… Một thân phận con người mang tên “ký ức”

Nhà tôi ở gần ga Gành, cái ga xép xập xệ ngày thường vốn vắng vẻ, rất ít khách lên xuống, nhưng khi bắt đầu chiến tranh phá hoại của Mỹ thì nó tấp nập, ồn ào, có lúc gấp gáp, ầm ĩ, thê lương. Thường hàng hóa gồm gạo, lương khô, cá khô, thịt hộp, súng đạn, thuốc men… được tập kết ở các kho trong hang đá hoặc nhà dân quanh vùng, rồi theo hợp đồng đến ngày đến giờ xe nhà binh chở đến ga.

Thanh niên xung phong, dân quân cũng ập đến bốc vác lên tàu, chở vào chiến trường. Tàu đến vội. Hàng đến nhanh. Bốc xếp cũng nhanh. Và tàu rời đi cũng rất nhanh. Thế nhưng cũng không tránh khỏi bom Mỹ táng xuống. Tàu cháy, hàng cháy. Lửa rừng rực. Khói đen cuồn cuộn. Bao nhiêu người lao vào cứu tàu, cứu hàng…

Mặt mũi đen nhẻm vì khói, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Có đận máy bay Mỹ quay lại thả bom đúng lúc người ta đang cứu tàu cứu hàng. Cả vùng quê sợ hãi, ảm đạm, buồn thương. Nhưng sau đó hàng hóa vũ khí vẫn đến, tàu vẫn đợi và đi như không bao giờ chịu dừng, không bao giờ chịu khuất phục.

Nhưng, có lẽ ám ảnh nhất là các cuộc chuyển quân vào chiến trường miền Nam. Thường thì bộ đội đóng quân trong nhà dân ở Yên Thành, Bình Sơn, Thượng Phường hoặc tận Rịa, Nho Quan…, bất chợt xâm xẩm tối hoặc nửa đêm có còi báo động đơn vị hành quân. Hành quân bộ hoặc ô tô chở đến ga.

Con tàu đang chờ sẵn trước đó rỗng không, bỗng nhiên đầy nhóc bộ đội, người đứng trên sàn chỗ lên xuống, người thò đầu ra ô cửa sổ, người mặt tươi hơn hớn, người buồn so. Lúc đó, các chàng binh nhì mới biết lên tàu để vào Nam chiến đấu. Người đã viết thư sẵn chưa kịp dán tem, người hốt hoảng xé tờ giấy trong sổ tay viết vội gửi về gia đình báo tin ra chiến trường. Rồi ném qua ô cửa sổ trước khi tàu chạy, cầu may có ai đó qua đường nhặt được mà gửi giúp về nhà.

Tôi đã dựng lại hình ảnh này trong truyện ngắn Ngày xưa, nơi đây là ca rừng. Miên đã chạy ra ga Gành với người yêu: “Con tàu chở màu xanh rùng mình từ từ rời ga. Tôi lật đật chạy theo. Sinh ngoái đầu ra khỏi ô ca tàu hỏa: “Miên... Miên ơi! Sang xuân anh sẽ về!” Tôi cuống quýt: “Vâng! Anh Sinh ơi! Em chờ anh!”. Tôi thẫn thờ nhìn tàu xuôi về Nam. Con tàu đang chở Sinh và đồng đội của anh đi chiến trường, không biết ngày trở lại. Tôi rưng rưng nưc mắt. Bất chợt! Tôi thấy rất nhiều cánh chim trắng loang loáng chao liệng bên con tàu. Bao nhiêu lời chúc, lời nhắn gửi, lời hát... của những người lính trẻ trên tàu mà tôi nghe không rõ. Tôi đứng nhìn theo đến khi con tàu vào Nam khuất hẳn. Sân ga và dọc đường tàu trắng xóa những cánh chim trắng vừa rơi. Người đi đường cúi xuống nht. Tôi cũng cúi xuống nht. Hóa ra là thư của những người lính trẻ viết vội từ biệt gia đình, người thân. Nhiều phong thư chưa kịp dán tem, nhiều lá thư chưa có phong bì. Tất cả đều viết nguệch ngoạc, vội vàng...”.

Bao nhiêu người ra đi từ sân ga, bao nhiêu người trở về? Không biết! Nhưng, người yêu chị Miên - nhân vật của tôi, thì mãi mãi không quay lại sân ga. Chỉ có điều, trong truyện ngắn thì tôi để chị đi lấy chồng, chồng rất tốt, nhưng chị vẫn nhớ anh lính ngày nào, ký ức hành hạ làm chị không yên ổn. Còn chị Miên thực ngoài đời thì… không chịu lấy chồng.

Chị không tin người yêu đã hy sinh, chị cứ chờ anh trở về. Cứ đêm cuối năm rét mướt là chị lại ra ga chờ cho đến qua Giao thừa. Chị chờ để nghe tiếng tàu hỏa và chờ tiếng anh gọi: “Miên... Miên ơi!”, tiếng anh dặn dò, hứa hẹn: “Sang xuân anh sẽ về!” Chuyến tàu đêm cuối năm đến rồi lại đi, chuyến có người xuống, chuyến không. Sân ga vắng lặng. Chị chờ, chờ mãi, chỉ đến khi chị chợt bừng tỉnh, chuyến tàu ấy anh không xuống sân ga, chị mới quay về nhà.

Gần ba mươi năm trước, tôi đọc truyện ngắn Ba người trên sân ga của nhà văn Hữu Phương: Ông Cảnh tập kết ra Bắc, hứa với vợ hai năm sẽ trở về, đâu có ngờ hai mươi năm sau ông mới thực hiện được lời hứa bởi chiến tranh kéo dài.

Hai mươi năm xa quê, ông đã kịp cưới người vợ trẻ ở miền Bắc. Ngày trở về, ông dẫn theo cô con gái 12 tuổi tên là Giang và bảo với người vợ già: “Con của chúng ta đây!”. Bi kịch thời hậu chiến xảy ra với bao nhiêu tình tiết, cảm xúc, vui buồn, giận hờn, ghen tuông; lúc quyết liệt, lúc tế nhị khi người vợ trẻ tìm vào Nam thăm chồng con. Nửa tháng người vợ trẻ ở lại cũng là 15 ngày người vợ già kê giường chặn cửa không cho chồng vào với “mẹ cái Giang”.

Bi kịch “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”, nhưng đến khi người vợ trẻ bẽ bàng khăn gói quay trở về miền Bắc, ba người ra sân ga ngượng nghịu, sượng sùng, loanh quanh một lúc thì người vợ già đột nhiên có cái gì mới mẻ trỗi dậy, đại lượng, bao dung vô bờ bến: “Bà ngăn ông lại ở bậc ca và giúi vào tay ông tấm vé tàu: Ông đừng quay lại nữa. Nó còn trẻ người non dạ rứa, ông nỡ để nó đi một mình răng đành?”.

Cái sân ga chứng kiến số phận bao nhiêu người đưa tiễn, bao nhiêu người chia ly, nhưng cái sân ga cũng là một thân phận con người mang tên “ký ức”. 

Ý kiến bạn đọc