Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Mất tiền vì phần mềm ảo

Thứ Sáu 26/10/2018 | 09:41 GMT+7

VHO- Vấn nạn về ứng dụng chuyển tiền điện tử giả mạo đang bùng nổ và gây ra nhiều rủi ro cho người dùng tại Ấn Độ.

 Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI), một trong những ngân hàng là nạn nhân của các ứng dụng chuyển tiền lừa đảo

Gần 16.000 người bị xâm nhập

Gần đây, người dùng ứng dụng chuyển tiền qua internet tại Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ bị lừa đảo và mất toàn bộ số tiền giao dịch của mình bởi các phần mềm ảo. Một số báo cáo của Công ty bảo mật Công nghệ thông tin toàn cầu (Global IT security company) được công bố vào ngày 22.10 cho thấy, các ứng dụng giả mạo mới đây đã xâm nhập dữ liệu của gần 16.000 người dùng. Các ứng dụng ảo này trước đó đồng loạt được tung lên “Cửa hàng Google Play trực tuyến” một tiện ích giúp người dùng tải xuống các ứng dụng khi sử dụng điện thoại thông minh trong vòng vài tháng vừa qua, khiến nhiều người không hiểu biết rõ ràng về công nghệ dễ dàng mắc bẫy.

Các ứng dụng lừa đảo này chủ yếu nhắm vào người dùng của sáu ngân hàng lớn nhất Ấn Độ như Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI), Ngân hàng ICICI, Ngân hàng Quốc tế Ấn Độ, Ngân hàng Axis, Ngân hàng Baroda, Ngân hàng Citibank và những ngân hàng khác có cung cấp hệ thống chuyển khoản qua internet. Một số nạn nhân sau khi bị lừa đảo đã trực tiếp thông báo lại vụ việc cho ban quản lý và bộ phận chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng lớn tại Ấn Độ chưa đưa ra lời giải thích chính thức về các sự cố nêu trên.

Theo các báo cáo, những ứng dụng giả mạo này thường tồn tại trôi nổi trên “Cửa hàng Google” với giao diện gần như giống hệt giao diện của những ứng dụng uy tín. Tuy nhiên, các ứng dụng ảo này thường áp dụng chiêu trò nhằm thu hút nạn nhân tải xuống như hứa hẹn các ưu đãi khi sử dụng bao gồm dữ liệu di động miễn phí, hoặc các khoản vay trả góp không tính lãi. Một số ứng dụng thậm chí còn đảm bảo cung cấp một dịch vụ vô cùng đáng ngờ đó là rút tiền thông qua internet và gửi tiền đến tận… cửa nhà.

Hầu hết những ứng dụng giả mạo này là bản sao hoàn hảo của các ứng dụng ngân hàng uy tín hoặc các phần mềm ví điện tử. Bằng cách sao chép lại toàn bộ phần nhận diện thương hiệu hoặc các thiết kế giao diện, đồ họa có liên quan, nhiều ứng dụng đã thành công trong việc lừa đảo trắng trợn khách hàng của nhiều ngân hàng huy tín. Một số khác ít nguy hiểm hơn đều chứa các phần mềm độc hại và thực hiện hành vi ăn cắp dữ liệu từ tài khoản người dùng. Trả lời phỏng vấn với tờ Times of India, ông Pankaj Kohli, chuyên gia nghiên cứu rủi ro của Trung tâm phân tích mối đe dọa SophosLabs cho biết: “Các ứng dụng lừa đảo này, rất có thể đã đánh cắp hàng ngàn dữ liệu tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng Ấn Độ, bao gồm cả các thông tin quan trọng như số thẻ tín dụng, số tài khoản…”.

Ngày càng tăng vì sự tiện ích

Trên thực tế, ứng dụng giả mạo không phải điều gì quá xa lạ đối với những dòng điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android. Bên cạnh đó, những vụ vi phạm an ninh công nghệ cao như các trường hợp nêu trên cũng từng xảy ra tại một số ngân hàng Ấn Độ. Trong năm 2016, Ấn Độ đã tiến hành xử lý một trong những vụ vi phạm về dữ liệu và tài chính lớn nhất nước này, liên quan trực tiếp đến các loại thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của 3,2 triệu khách hàng. Vụ lừa đảo được thực hiện thông qua một phần mềm độc hại trong các hệ thống Dịch vụ thanh toán của Hitachi, điều hành và quản lý các máy ATM. Trong sự cố này, 90 máy ATM của các ngân hàng được quản lý bởi Hitachi đã bị đánh cắp các dữ liệu thu nhận từ những loại thẻ mà người dùng sử dụng.

Thời gian gần đây, tần suất xuất hiện của những sự cố này gia tăng một phần bởi kể từ năm 2015 đến nay, nhu cầu sử dụng hệ thống chuyển tiền điện tử ngày càng tăng cao vì độ tiện lợi của nó. Trong ba năm trở lại đây, các giao dịch thanh toán kỹ thuật số đã tăng lên khoảng 50% so với thời gian trước đó.

Chính vì lý do này, ông Pankaj Kohli cũng đề xuất, trước khi thực hiện tải bất cứ một ứng dụng nào về điện thoại của mình, người dùng dịch vụ cần xác minh cẩn thận nguồn gốc xuất xứ, nhà phát triển và các thông tin liên quan khác. Người dùng cũng nên chú ý tham khảo các xếp hạng và đánh giá của các khách hàng trước đó, và chỉ tải xuống ứng dụng nếu đã nắm đủ các thông tin nêu trên. 

 MAI PHƯƠNG

 

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top