Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thể thao

29 Tháng Ba 2024

Nâng cao tầm vóc, thể trạng người Việt: Trông chờ vào nguồn huy động sẽ rất khó khăn

Thứ Hai 25/12/2017 | 09:58 GMT+7

VH- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030 (gọi tắt là Đề án), đồng thời giao cho các Bộ, ngành triển khai; trong đó, Bộ Y tế đóng vai trò quan trọng để thực hiện đề án. Trải qua 7 năm, các Bộ, ngành đã thực hiện Đề án này như thế nào? Phóng viên Báo Văn Hoá đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Vinh (ảnh), Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) để làm rõ vấn đề này.

P.V: Thưa ông, Đề án được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế thực hiện Chương trình một và Chương trình hai - là hai Chương trình quan trọng, được coi là xương sống cho Đề án. Vậy, với trách nhiệm được giao, Bộ Y tế đã triển khai hai Chương trình này như thế nào?

- Ông Nguyễn Đức Vinh: Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và yêu cầu tất cả các Bộ, ngành cùng tham gia, trong đó giao Bộ VHTTDL là đầu mối. Thủ tướng đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hai chương trình: Nghiên cứu triển khai ứng dụng những yếu tố tác động chủ yếu đến thể lực tầm vóc người Việt Nam và Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với chương trình chăm sóc sức khỏe liên quan khác. Đối với Chương trình 1, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641 theo đề nghị của Bộ VHTTDL - cơ quan thường trực, cụ thể là Văn phòng Ban điều phối Đề án thì Bộ Y tế đã xây dựng Đề cương nghiên cứu và cũng đã gửi sang Văn phòng Ban điều phối để tổng hợp, đề xuất kinh phí chung của toàn bộ chương trình. Nghiên cứu có mục tiêu tìm hiểu những yếu tố tác động, chi phối đến việc phát triển tầm vóc, thể trạng người Việt như chỉ số sinh học, tiêu chuẩn đánh giá thể lực tầm vóc, yếu tố di truyền, môi trường… Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế cũng đã đề xuất với Văn phòng Ban điều phối Đề án nhưng đến nay chưa có kinh phí để triển khai nghiên cứu nên kết quả có thể nói là tương đối hạn chế, chưa được như mong muốn.

Còn chương trình thứ hai là chương trình Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe liên quan như chăm sóc sức khỏe bà mẹ trong thời kỳ mang thai, chăm sóc sức khỏe trẻ em, thì hiện tại Bộ Y tế đang sử dụng kinh phí hằng năm Nhà nước phân bổ cho Bộ Y tế và nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn trước để thực hiện nên chắc chắn là khó khăn. Trong giai đoạn này, các chương trình mục tiêu quốc gia chuyển thành chương trình có mục tiêu, sau đó chỉ còn là các hoạt động dự án thuộc Chương trình Dân số - phát triển… và kinh phí hoạt động cho năm 2016 – 2017 đến nay cũng chưa có. Tuy nhiên, để thực hiện Đề án, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo chủ động lồng ghép các hoạt động của các chương trình, ví dụ như chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ trẻ em, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn đang triển khai và có hiệu quả. Tỉ lệ trung bình suy dinh dưỡng trẻ em của Việt Nam (thể thấp còi) từ 2015 đến nay giảm khoảng 0,5%/năm, kết quả này cũng góp phần cải thiện chiều cao của trẻ em. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, JICA để triển khai dự án chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ em từ giai đoạn bà mẹ mang thai đến khi trẻ 2 tuổi. Cùng với việc can thiệp quản lý chăm sóc trẻ từ khi còn trong bào thai, các can thiệp khác như: Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, xây dựng ngân hàng sữa mẹ, giảm tử vong mẹ do nguyên nhân thai sản, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ… đã được Bộ Y tế thực hiện khá hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao thể trạng người Việt. Điều này được khẳng định khi Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bà mẹ, trẻ em.

Chỉ còn hơn 10 năm nữa để triển khai Đề án, vậy theo ông những mục tiêu mà Đề án đặt ra có đạt được?

-Theo tôi, mục tiêu về phát triển chiều cao của trẻ nêu trong Đề án là có tính khả thi. Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng năm 2010, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam đã đạt là 163,7 cm và của nữ là 153 cm. Gần đây Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chương trình sữa học đường và nếu chúng ta có đầy đủ nguồn lực, triển khai có hiệu quả chương trình này thì chắc chắn chiều cao của trẻ em sẽ được cải thiện nhanh và cải thiện đáng kể. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh phí của Nhà nước còn hạn chế, các địa phương cũng lại thụ động trông chờ vào nguồn kinh phí trung ương thực sự là một thách thức rất lớn.

Để Đề án được thực hiện thì cần triển khai đồng bộ các giải pháp, không chỉ của ngành y tế mà của tất cả các đơn vị liên quan từ Bộ Kế hoạch và đầu tư trong việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình, Bộ Tài chính xem xét bổ sung kinh phí. Nếu chúng ta xác định vấn đề tầm vóc của người Việt Nam là quan trọng, là ưu tiên, là sự phát triển quốc gia trong những năm tới thì cũng phải có sự quan tâm đầu tư, còn hiện nay nếu không có sự đầu tư mà chỉ trông chờ vào nguồn huy động từ các đối tác phát triển thì chúng tôi cho rằng thực sự là khó khăn.

Vậy, xin Vụ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Y tế trong những năm tới như thế nào?

- Có thể nói Bộ Y tế đóng vai trò quan trọng vì cải thiện vấn đề dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em giúp cho việc nâng cao thể trạng tầm vóc người Việt; nhưng lại không phải là vai trò quyết định. Nếu có được kinh phí để thực hiện nghiên cứu thì sẽ rất tốt, còn trong trường hợp không có kinh phí thì ngành y tế với vai trò, trách nhiệm của mình cũng đã chủ động huy động nguồn lực như chỉ đạo Viện Dinh dưỡng huy động các nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu đánh giá, tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động can thiệp kể trên. Tuy nhiên, vì hoạt động dinh dưỡng là hoạt động mang tính chất liên ngành cần phải có sự phối hợp của các Bộ/ngành thông qua các chương trình khác như Bộ NN&PTNT, Bộ GD-ĐT và Bộ VHTTDL thông qua các chương trình khác như xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng, thể chất trong trường học, rèn luyện thể dục, thể thao cho học sinh và người dân; đáp ứng tốt với tình trạng khẩn cấp như bão lụt thì phải đảm bảo lương thực, kinh tế cho người dân, Bộ Y tế đảm bảo phòng chống dịch bệnh, hạn chế đói nghèo bệnh tật. Hiện nay các Bộ, ngành đang triển khai theo mục tiêu chức năng, nhiệm vụ của mình, điều này cũng có tác động qua lại giúp cho mục tiêu cải thiện tầm vóc thể lực của người Việt Nam nhưng nếu triển khai được đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thì sẽ hiệu quả hơn. Ngoài ra, địa phương cũng phải chung tay vào cuộc chứ không thể trông chờ ngân sách trung ương, chẳng hạn trong chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có chỉ tiêu giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nhưng Bộ Y tế đã kiểm tra, khảo sát thì địa phương chủ yếu chú trọng đến việc làm đường, phát triển kinh tế, xây dựng trường học, chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khoẻ, cải thiện dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của trẻ em…

Xin cảm ơn ông!

QUỲNH HOA (thực hiện)

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.v

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top