​Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT: Nhà nước cần phải có trách nhiệm đầu tư

VH- Ngày mai 31.5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ dành thời gian để thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT. Trao đổi với phóng viên Văn Hóa trước thềm phiên thảo luận, các đại biểu mong muốn dự án Luật lần này sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, về đầu tư, phát triển thể thao học đường, các quy định liên quan đến đặt cược thể thao... để tạo cú hích cho thể thao nước nhà phát triển toàn diện.

 

​Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT: Nhà nước cần phải có trách nhiệm đầu tư - Anh 1

 Ngày chạy Olympic toàn dân tại TP.HCM

Đầu tư cho thể thao còn chưa tương xứng

Đánh giá dự án Luật lần này đã có nhiều tiến bộ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mong muốn rằng Luật thông qua sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của thể thao quần chúng, nhất là về thể thao học đường. “Bấy lâu nay chúng ta cứ băn khoăn về sự phát triển chưa được như mong muốn của thể thao học đường, giờ thì Luật nếu được thông qua phải tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển. Chỉ khi thể thao học đường phát triển thì chúng ta mới có thể đào tạo được một thế hệ trẻ toàn diện, cả về tri thức và sức khỏe cho tương lai của đất nước. Làm sao để bên cạnh việc giáo dục về kiến thức chúng ta phải rèn luyện cho các em về kỹ năng sống, phải biết chạy, biết bơi, nói nôm na là phát triển cho các em về sức bật, sức bền, sự dẻo dai, thông qua việc luyện tập các môn thể thao cơ bản như bơi hay điền kinh”, đại biểu Nhưỡng nói.

Cũng theo vị đại biểu này thì dự án Luật đã có nhiều tiến bộ liên quan đến các vấn đề như bình đẳng giới, hay các quy định nhằm phát huy chủ trương xã hội hóa. Trước hàng loạt thành tích xuất sắc của thể thao Việt Nam trong thời gian qua như chiếc HCV, HCB Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, các thành tích trên đấu trường châu lục và thế giới của nhiều môn thể thao khác, đặc biệt là ngôi vịá quân của đội tuyển U23 Việt Nam, đại biểu Nhưỡng cho rằng sự đầu tư cho thể thao đỉnh cao của chúng ta chưa tương xứng, còn nhiều bất cập. Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng bên cạnh việc nhà nước phải tăng cường đầu tư cho thể thao, nhất là với thể thao thành tích cao thìphải đưa thêm các quy định về việc mua bảo hiểm cho các VĐV. “Thể thao là một loại hình lao động đặc thù, vì thế phải có các mức bảo hiểm tương xứng, ứng với từng giai đoạn tập luyện, thi đấu cụ thể, nhất là trong trường hợp không may bị chấn thương hoặc chết trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu”, đại biểu Nhưỡng nói.

​Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT: Nhà nước cần phải có trách nhiệm đầu tư - Anh 2

 Một lớp dạy bơi cho các em học sinh tại Bến Tre

Bớt được tiếng“vắt chanh, bỏ vỏ”

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, tuy mức độ sửa đổi trong Luật lần này không quá nhiều, nhưng một số chính sách được đưa vào dựán Luật là tiến bộ và có tính khả thi. Ví dụ như đối với thể thao học đường, dự án Luật đã đưa ra được những quy định để các trường hằng năm phải có những hoạt động thể thao có quy mô toàn trường, đảm bảo cho sự phát triển cân đối giữa giáo dục thể chất và văn hóa của học sinh. Với vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là việc phổ cập bơi để hạn chế tình trạng đuối nước của trẻ em, dựán Luật cũng đưa ra được những cơ chế, chính sách để ưu tiên phát triển môn bơi.

Về vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho sự phát triển của thể thao quần chúng, dự án Luật cũng đã có bước xử lý tương đối đột phá như đưa ra trong quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao, nhằm giúp cho người lao động có thể tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe. Đối với thể thao thành tích cao, dự án Luật cũng đã đề ra các chế độ, chính sách để các HLV, VĐV có thể yên tâm thi đấu và cống hiến. Trước đây thể thao thường bị mang tiếng là “vắt chanh, bỏ vỏ” khi VĐV có tuổi đời thi đấu ngắn, đến khi giã nghiệp thì bơ vơ. Nay theo quy định của dự án Luật, sau khi nghỉ thi đấu, họ sẽ được ưu tiên nhận vào các cơ sở thể thao công lập, cũng như các cơ sở thể thao khác. Dự án Luật cũng đưa ra quy định để VĐV được mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay các chế độ, chính sách khi VĐV bị chấn thương hoặc không may bị chết trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu.

Với một vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm là việc đưa thêm các quy định cho phép đặt cược thể thao vào dự án Luật, thì dự thảo cũng đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, còn các hoạt động kinh doanh đặt cược cụ thể, điều kiện như thế nào thì sẽ do nghị định của Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm nên Luật chỉ đưa ra nguyên tắc, còn việc Chính phủ triển khai như thế nào thì cần phải tính toán kỹ lưỡng, để tránh những hệ lụy khi triển khai đồng loạt các hoạt động đặt cược.

Đại biểu Hiển cũng tin tưởng sau khi Luật được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực, sẽ trở thành cú hích để thể thao Việt Nam phát triển toàn diện. 

 ​ Tôi cho rằng vai trò của thể thao là hết sức quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là để giải trí. Thể thao là phục vụ cho mục tiêu dân cường thì quốc thịnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên Nhà nước cần phải có trách nhiệm đầu tư chứ không thể né tránh được.​(Đại biểu Dương Trung Quốc)

 

 THU SÂM; ảnh: LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc