Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025:

Nữ VĐV có nhiều lợi thế để tạo ra thương hiệu

THẢO LAM

VHO - Có khoảng 60-70% nữ VĐV không theo ngành thể thao sau khi giã từ sự nghiệp, trong số đó có rất nhiều chị em đã đạt được thành công ở ngành nghề mới, bởi họ có nghị lực, ý chí và kỷ luật cao, không ngại khó ngại khổ… đã được hun đúc từ tập luyện.

Nữ VĐV có nhiều lợi thế để tạo ra thương hiệu - ảnh 1

 Các nữ VĐV hứng thú tham gia trò chơi khởi nghiệp tại chương trình

 Nhằm hỗ trợ các nữ VĐV có thêm kiến thức và kỹ năng, trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Cục TDTT (Bộ VHTTDL) tổ chức chương trình truyền thông khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ VĐV tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội.

Vượt qua được rào cản mới có thể thành công

Hằng năm tại Việt Nam có rất nhiều VĐV giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải trong nước và quốc tế. Theo số liệu của Cục TDTT công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho VĐV thể thao, chỉ có 15-20% các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60-70% VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay thể thao bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Chia sẻ tại chương trình, hai nữ VĐV Huỳnh Thị Mỹ Tiên (Điền kinh - Đồng Nai) và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Vật - Thừa Thiên Huế) đã bày tỏ những trăn trở, lo lắng về tương lai sau khi dừng thi đấu.

Nếu Mỹ Hạnh may mắn được các cấp, các ngành địa phương quan tâm sắp xếp vào vị trí huấn luyện đội trẻ, thì Mỹ Tiên lại có mong muốn sẽ khởi nghiệp với công việc kinh doanh. Tuy nhiên, cô cho biết hiện chưa biết kinh doanh mặt hàng nào và bắt đầu từ đâu…

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng: Khởi nghiệp không phải là việc quá khó hay yêu cầu phải có nhiều tiền hoặc kỹ năng chuyên môn sâu. Bất cứ ai, già hay trẻ, nữ hay nam, thành thị hay nông thôn đều có thể khởi nghiệp. “Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải lúc nào cũng thành công.

Ngoài những thách thức thường gặp như thiếu ý tưởng sáng tạo, thiếu vốn và tinh thần mạnh mẽ để đương đầu với biến cố khó lường, rồi sự thay đổi về kiến thức, công nghệ..., thì phụ nữ khởi nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rào cản định kiến giới, trách nhiệm với gia đình, con cái...”, bà Minh Hương nói.

Trong thực tế, đã có những nữ VĐV vượt qua được các rào cản để khởi nghiệp thành công và trở thành những nữ doanh nhân, chủ doanh nghiệp thành đạt.

Ví dụ như nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung chạy trung bình dài, vượt chướng ngại vật Nguyễn Thị Oanh “phát tài” với việc kinh doanh giày thể thao; nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo kinh doanh dịch vụ ăn uống khá “đắt khách”…

Dùng thế mạnh của mình để tạo thương hiệu

Tại chương trình, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã chia sẻ, tư vấn về những ý tưởng khởi nghiệp với các VĐV. Anh cho rằng, nhiều nữ VĐV sau thời gian nỗ lực luyện tập, cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, khi giã từ sự nghiệp mới nghĩ đến việc làm gì để quay về với cuộc sống.

Có người muốn kinh doanh thời trang, có người muốn làm chủ doanh nghiệp… Thực tế cho thấy, dù muốn kinh doanh, khởi nghiệp nhưng họ lại không biết bắt đầu từ đâu, như kinh doanh thời trang thì lao vào học may để làm thợ một cách vất vả. Do đó, các nữ VĐV hãy thực hiện ước mơ và hướng tới những điều cao hơn không chỉ cho cuộc sống và lợi ích của mình.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng cho biết, trong 2023, anh đã phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều lớp dạy thiết kế áo dài truyền thống, nhiều chị em đã được cắt may, tham gia sàn diễn lớn bằng sản phẩm của mình.

Hiện anh đang tổ chức lớp tư vấn khởi nghiệp, dạy thiết kế áo dài vào buổi tối, anh cũng sẵn sàng dành suất học cho các nữ VĐV thông qua Hội LHPN.

“Các nữ VĐV có nhiều lợi thế như sức khỏe, sức bền, đi nước ngoài nhiều, có sức ảnh hưởng đối với công chúng… Do đó, khi khởi nghiệp và đưa giá trị của mình vào hoàn toàn có thể tạo ra được thương hiệu mang tính độc đáo, riêng biệt”, NTK gợi ý.

Các đại biểu mong muốn nữ VĐV sẽ tiếp tục nỗ lực luyện tập, thi đấu thật tốt, giành thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, mang lại màu cờ sắc áo cho Tổ quốc.

Hơn thế nữa, họ hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai, khi dừng thi đấu chuyên nghiệp.

Với tố chất nhanh nhẹn, thông minh, dẻo dai, năng động, nghị lực, ý chí và kỷ luật cao được hun đúc từ tập luyện, tin rằng các chị em sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp tục phát triển ngành nghề, công việc mà bản thân lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu.

Trao đổi với Văn Hóa, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục TDTT cho biết, các nữ VĐV tập luyện, thi đấu từ nhỏ và thi đấu triền miên; cùng với đó là phải hoàn thành các chương trình học văn hóa vào buổi tối. Hiện nay, nhiều ngành nghề đào tạo cho VĐV không chỉ là ngành thể thao, mà còn có ngành kinh tế, quản lý hoặc nhiều nghề khác.

“Chúng tôi đã phối hợp với một số đơn vị để định hướng nghề nghiệp cho các em. Đa phần các em sẽ học ngành thể thao hoặc giáo dục thể chất để trở thành giáo viên. Nhưng cũng có em chọn các ngành nghề khác như truyền thông thể thao, maketing thể thao, kinh tế thể thao, tổ chức sự kiện thể thao, kỹ thuật viên phục hồi chức năng… và nhiều người đã rất thành công.

Những chương trình khởi nghiệp, hướng nghiệp giúp các em hình dung được cuộc sống sau này như thế nào, bắt đầu ra sao, cũng như nhận định thế mạnh của mình so với những người bình thường. Khi gặp khó khăn các em sẽ không chùn bước mà cố gắng vượt qua, vượt qua đối thủ, vượt qua chính mình”, Phó Cục trưởng Cục TDTT nhấn mạnh. 

Ý kiến bạn đọc