Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đến trụ sở Quốc hội để đối thoại "chuyện trẻ em"

Thứ Sáu 05/10/2018 | 09:53 GMT+7

VH-  Hôm nay 5.10, lần đầu tiên, 100 em gái đến từ nhiều tỉnh, thành phố sẽ tới trụ sở Quốc hội để tham dự Diễn đàn Trẻ em gái 2018 “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”. Tại đây các em sẽ đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Trung ương và địa phương về quyền được sống trong môi trường an toàn và phát triển, bình đẳng và được tôn trọng.

Diễn đàn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ LĐ,TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tổ chức Plan International Việt Nam cùng phối hợp tổ chức (từ ngày 5 - 7.10) nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11.10.

 Các em sẽ chia sẻ về mong muốn được sống trong môi trường an toàn Ảnh: VĂN TUẤN

Trao đổi về vấn đề toàn cầu

Tại Diễn đàn, các em gái và các đại diện lãnh đạo sẽ trao đổi về hai chủ đề nội dung “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng” và “Tảo hôn và các hệ lụy”, cùng lắng nghe chia sẻ của các em gái về thực trạng vấn đề tại cộng đồng, những thách thức mà các em đang phải đối mặt mỗi ngày trên con đường học tập và phát triển của các em.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, hai chủ đề được lựa chọn trong diễn đàn trẻ em gái cũng là vấn đề toàn cầu. Đại diện các cơ quan tham gia Diễn đàn có Trưởng các ủy ban cơ quan của Quốc hội, trong đó có 9 thành viên là đại diện các tiểu ban về thanh thiếu niên, nhi đồng; đại diện Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. “Lần đầu tiên bốn cơ quan cùng tổ chức sự kiện diễn đàn về trẻ em gái trên phạm vi toàn quốc, đây là cơ hội để tăng nhận thức về vai trò của trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng, đồng thời thực hiện quyền tham gia của trẻ em một cách tốt nhất, thực hiện chủ trương công bằng bình đẳng cho trẻ em gái trong giáo dục. Thực tế cho thấy, chúng ta đang có sự dồn ép các điểm trường ở các địa phương, có nơi không đồng bộ nên đường từ nhà đến trường của các em khá xa, thậm chí từ 7 - 10 km, đây cũng là những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Rồi trẻ phải đi làm nương, rẫy một mình, chưa có kiến thức để bảo vệ mình, trẻ phải gánh vác công việc gia đình hoặc phải lao động sớm là những thách thức lớn trong vấn đề an toàn, xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em và trẻ em gái nói riêng”, bà Minh chia sẻ.

Chung tay bảo đảm quyền của trẻ em gái

100 trẻ em gái đến từ các miền Bắc, Trung, Nam thuộc hai vùng đô thị và vùng sâu vùng xa, miền núi sẽ chia sẻ những thực trạng về sự thiếu an toàn, những hiện tượng đang xảy ra ở quanh địa phương mình, trình bày và đề xuất khuyến nghị tới các đại diện lãnh đạo liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cơ quan ban, ngành, đoàn thể tham dự sự kiện lắng nghe, trả lời các em và cam kết sẽ có những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề an toàn của em gái tại nơi công cộng trong thành phố và nạn tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu số. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp cùng đại diện lãnh đạo địa phương để xem xét các ý kiến tiếp thu từ các em gái, phân công trách nhiệm và lên kế hoạch thúc đẩy quyền của trẻ em gái nói riêng và quyền của trẻ em nói chung theo Quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị.

Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Diễn đàn là một cam kết bằng hành động của Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... nhằm tạo điều kiện cho trẻ em gái được công nhận khả năng và truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng chung tay đảm bảo quyền và sự tham gia của trẻ em gái, giúp xây dựng một thế hệ nữ lãnh đạo trẻ tương lai luôn sẵn sàng tạo nên sự thay đổi.

Thực tế cho thấy, sự mất an toàn của trẻ em thành thị và nông thôn, miền núi là khác nhau. Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập (Tổ chức Plan International Việt Nam) cho biết, rủi ro của trẻ em thành phố là khi đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng, thiếu vắng các nơi vui chơi an toàn, hoặc trên môi trường mạng thì trẻ em nông thôn, miền núi đang phải đối mặt với những tập tục lạc hậu, phải lấy chồng sớm, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình, chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ…

“Đôi khi ở Việt Nam, chúng ta vẫn có quan niệm trẻ là không biết gì, nên tiếng nói của các em không dễ dàng được lắng nghe và chấp nhận bởi các bậc cha mẹ cũng như trong cuộc sống. Các bằng chứng đã chứng mình rằng nếu các con không được lắng nghe hằng ngày thì sẽ không dám chia sẻ với bố mẹ khi có sự cố xảy ra. Do đó thông qua diễn đàn, chúng tôi muốn cho thấy các em gái hoàn toàn có thể bày tỏ khó khăn, vướng mắc của mình với các nhà lãnh đạo, thì tại sao trong gia đình bố mẹ không phải là người đầu tiên lắng nghe vào hỗ trợ các con”, bà Lan nhấn mạnh.

Diễn đàn sẽ là một kênh thông tin để các cơ quan quản lý lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của chính các em gái về những vấn đề thực tiễn để xây dựng những chính sách phù hợp nhất cho các em. 

 THẢO LAM

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top