Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những mẹ hiền của trẻ sinh non

Thứ Sáu 12/10/2018 | 09:35 GMT+7

VHO- Hàng nghìn trẻ sơ sinh thiếu tháng dưới 30 tuần tuổi đã được các y bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cứu sống và mang lại hạnh phúc cho biết bao gia đình, cũng như cơ hội làm mẹ của hàng nghìn phụ nữ.

 

Bác sĩ của Trung tâm thăm khám cho bệnh nhi

Xứng đáng với những đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam năm nay, Tập thể Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh được vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2018.

Cuộc đấu tranh “sinh tử” của bé sinh ở 24 tuần tuổi

Bé Trần Nam (2 tuổi) là “cục cưng” của cả gia đình anh chị Hoàng Thị H và Trần Văn T (Tây Tựu, Hà Nội) đang ở cái tuổi bi bô tập nói luôn mang lại tiếng cười cho cả nhà. Nhìn bé, có lẽ khó ai có thể đoán được bé đã trải qua những ngày tháng “sinh - tử” tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh. Bé là kỷ lục của Trung tâm khi trở thành trẻ sinh non thiếu tháng được cứu sống khi chào đời ở 24 tuần tuổi, nặng 500g. Bé được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) khi bố mẹ cũng ở tuổi khá cao (ngoài 40 tuổi).

Không như nhiều trẻ khác, mới ra đời là được mẹ ôm ấp, Nam phải trải qua bốn tháng điều trị với những máy móc nối liền với cơ thể bằng các loại dây truyền. Ra đời khi các bộ cơ thể chưa phát triển đầy đủ, sức đề kháng yếu, não, tim, phổi chưa hoàn thiện khiến Nam phải thở máy hoàn toàn và nằm điều trị kéo dài, trong khi những trẻ sinh non ở 25– 28 tuần tuổi chỉ nằm viện 2– 3 tháng. “Đã nhiều lần bé ngừng tim, không cai được máy thở, đã nhiều lần các y bác sĩ muốn buông xuôi, nhưng hoàn cảnh và ý chí của gia đình bé là động lực để các nhân viên y tế tiếp tục chiến đấu với “tử thần”, đưa bé về với cuộc sống. Gia đình Nam sau này cho biết, mỗi khi nhìn thấy điện thoại hiện số của bác sĩ là mỗi lần “đau tim” vì sợ phải nghe tin xấu”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết thêm, Trung tâm ra đời và phát triển từ lâu, nhưng từ khi phương pháp sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ra đời thì những em bé sinh non, thiếu tháng được đưa vào Trung tâm nhiều hơn. “IVF mang lại cơ hội làm mẹ cho nhiều chị em nhưng trong số đó, nhiều bé thường là sinh đôi và bị đẻ non. Nếu những em bé 24- 25 tuần tuổi, hoặc dưới 30 tuần tuổi trước đây bị coi là sẩy thai, thì giờ đây với sự phát triển của các trang thiết bị và tận tâm của các y bác sĩ thì nhiều em bé đã được cứu sống”, bác sĩ Hoa bày tỏ.

Chăm hơn con đẻ

Có mặt tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, tiếng máy kêu tít tít liên hồi, các chỉ số nhấp nháy biến động, các y bác sĩ dường như không được nghỉ ngơi chân luôn tay chăm sóc từng bé, có trao đổi cũng nhỏ nhẹ. Một nữ điều dưỡng cho biết, ở Trung tâm luôn có khoảng gần 400 cháu bé được điều trị, trong đó 70 – 80 cháu phải chăm sóc hồi sức tích cực.

Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh Nguyễn Thị Thu Hoa, với những trẻ từ dưới 24 – 25 tuần nặng khoảng 500g thì chỉ tương đương với chai nước lọc 500ml, do đó việc chăm sóc vô cùng vất vả. Mỗi bé luôn có bốn đường truyền tĩnh mạch gồm kháng sinh, sữa, dịch, trợ tim. Hãy tưởng tượng lấy ven cho người bệnh đã khó, thì ven của những bé này chỉ mảnh như sợ chỉ. Rồi thực hiện thủ thuật, thay bỉm với các ống truyền bao quanh, cho bé ăn sữa... các điều dưỡng cũng phải hết sức nhẹ nhàng, khéo léo, nếu để dính phân hay vết bẩn cũng khiến các bé bị nhiễm trùng. Phòng điều trị cũng phải đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ như trong bụng mẹ, nhân viên luôn phải vô khuẩn, lúc rảnh lại đi xin sữa mẹ cho bé. Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh chỉ có hơn 170 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, nên trung bình mỗi người chăm sóc 30– 40 cháu bé/ca trực, mỗi y bác sĩ, điều dưỡng viên đều phải căng mình. Theo bà Hoa, các bé được chăm sóc hoàn toàn bởi nhân viên y tế, nên mỗi người làm việc tại Trung tâm đều rất yêu thương trẻ và thời gian và công sức chăm sóc các bé còn hơn cả con đẻ của mình.

Suốt 30 năm gắn với công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, bà Nguyễn Thị Thu Hoa có không ít buồn vui và trăn trở: “Nỗi buồn của chúng tôi là mỗi khi có bệnh nhân được chuyển đến, niềm vui của chúng tôi là mỗi khi nhìn bố mẹ hạnh phúc đưa con mình về nhà. Nhưng đôi khi tôi vẫn suy nghĩ, các bé được cứu sống nhưng cuộc sống như thế nào, có phát triển như những bé bình thường không. Bởi vì các bé sinh non thì các bộ phận chưa phát triển đầy đủ, trong đó có cả não?”. 

QUỲNH HOA

 

Print
Tags: Y tế

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top