Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngôi làng có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ

Thứ Sáu 12/10/2018 | 14:42 GMT+7

VHO- Hiếm có một làng quê nào lại có tới 18 người đỗ đầu trong các kỳ thi qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Không chỉ vậy, đã có hàng trăm người được phong học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ và đỗ thạc sĩ. Đó là làng Nguyệt Viên nằm bên bờ sông Mã, thuộc xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa.

Làng Nguyệt Viên nằm bên bờ sông Mã

Truyền thống hiếu học nơi làng quê ven dòng sông Mã

Làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa (trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa) là một làng quê yên bình nằm ven bờ tả của dòng sông Mã.

Nguyệt Viên có nghĩa là trăng đến độ tròn nhất - tên gọi hàm chứa sự thanh cao, viên mãn. Tạo hóa đã ban cho vùng đất này thế tinh anh hội tụ, bởi xa xa có cửa Lạch Trào nơi nhiều con nước hợp lưu. Ngược dòng sông Mã về phía Tây Bắc không xa, có núi Hàm Rồng chầu về, có núi Ngọc sừng sững như đài tháp bút.

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, hiếm có một làng quê nào trên dải đất hình chữ “S” lại có tới 18 người đỗ đầu trong các kỳ thi.

Không phải ngẫu nhiên mà dân gian lưu truyền: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè / Ông cỡi ngựa tía, ông che tán vàng”. Bởi từ xưa đến nay, việc coi trọng sự học đã tạo nên bản sắc riêng cho làng Nguyệt Viên.

Điều đó còn được thể hiện trong hương ước của làng qua nhiều triều đại phong kiến còn được lưu giữ, đã đề cao sự học và khuyến khích việc học hành.

Không chỉ vậy, khoán ước của làng được soạn lại năm Bảo Đại thứ 9 (năm 1934) còn quy định rõ từng điều khoản ưu tiên với người đang đi học, đề cao trọng vọng và có những ưu đãi đặc biệt với người đã đỗ đạt...

Những người con quê hương đã thành danh, làm quan ở xứ người, cũng phải có trách nhiệm, hỗ trợ và có sự quan tâm sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của làng.

Người đỗ đại khoa cuối cùng trong nền giáo dục phong kiến Việt Nam là cụ Lê Viết Tạo - người con của làng Nguyệt Viên, làm quan dưới triều Nguyễn. Tại huyện Hoằng Hóa ngày nay, có ngôi trường THPT mang tên Lê Viết Tạo do hậu duệ cụ là Giáo sư Lê Viết Ly hỗ trợ xây dựng đang góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục và đào tạo tại địa phương.

 

Nghè làng Nguyệt Viên nơi lưu giữ danh sách và tôn vinh những người con trong làng đỗ đạt

Với quan niệm coi trọng sự học và đỗ đạt nên ở làng Nguyệt Viên, việc thành công trong khoa cử được ví như là vẻ đẹp của người con trai. Muốn được tôn vinh, đấng nam nhi ở đây phải là người chuyên tâm đèn sách, thông thạo kinh sử, có trí tuệ.

Để tạo điều kiện cho đấng nam nhi trong nhà học hành, đỗ đạt thành tài, những người phụ nữ nơi đây cũng phải đảm đang. Bởi vậy, những người mẹ, người chị có công nuôi chồng, nuôi con em học hành đỗ đạt cũng luôn được dân làng kính nể.

Tại địa phương này còn lưu truyền bài ca về công lao của người phụ nữ giúp chồng, con học hành, thi cử: “Gái thời giữ việc trong nhà / Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa / Trai thời đọc sách ngâm thơ / Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/Mai sau nối được nghiệp nhà / Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân”.

Bên cạnh truyền thống hiếu học, sự đỗ đạt của các thế hệ người dân làng nằm trên đoạn uốn cong của bờ sông Mã còn được cho là do vị trí, hình sông, thế đất mà thành, là ngọn nguồn lý giải cho tinh hoa của sự học và đỗ đạt.

Những thế hệ trẻ hôm nay của làng Nguyệt Viên vẫn luôn tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống chói ngời trong học tập

Ngôi làng có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ

Sự học nơi làng quê Nguyệt Viên đã trở thành truyền thống như dòng sông Mã vẫn ngày đêm cuộn chảy, bồi đắp tinh hoa cho các thế hệ người con Nguyệt Viên.

Thống kê của UBND xã Hoằng Quang cho thấy, chỉ tính riêng từ Cách mạng Tháng 8/1945, đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm người được phong học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ và đỗ thạc sĩ.

Trong cuốn sổ tay của ông Cao Xuân Mạc, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Quang, từ năm 2004 đến nay, cả 4 thôn của làng đã có 269 em học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, trong đó 191 em đậu đại học. Và theo quan niệm của người dân địa phương, phải đậu đại học, có việc làm thì mới được coi là thành đạt.

Ở Nguyệt Viên có nhiều dòng họ, nhưng nổi danh khắp cả nước về sự thành đạt nhờ con đường học vấn là dòng tộc Lê Viết. Từ xưa đến nay, đây là dòng tộc luôn đóng góp nhiều nhân tài nổi tiếng cho đất nước.

Các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng có những đóng góp to lớn cho khoa học, nghiên cứ, giảng dạy của dòng tộc như: Lê Viết Lân, Lê Viết Ly, Lê Viết Bình, Lê Viết Kim Phượng, Lê Viết Khuyến, Lê Viết Dư Khương... Không chỉ vậy, nhiều người hiện đang công tác, giảng dạy tại các trường đại học của nước ngoài.

Phát huy truyền thống hiếu học của cha anh, nhiều năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài ở Nguyệt Viên luôn phát triển mạnh, trở thành điển hình cho phong trào khuyến học tại Thanh Hóa.

Trong đó, trên cơ sở kế thừa những hương ước xưa kia, bản quy ước mới của làng văn hóa Nguyệt Viên quy định rõ những yếu tố bảo đảm cho phong trào học tập của các thế hệ học sinh.

Hàng năm, mỗi gia đình nơi đây đều tự nguyện đóng góp, xây dựng quỹ khuyến học ngày càng lớn mạnh. Ngoài quỹ khuyến học của làng, các dòng họ cũng có quỹ khuyến học riêng...

Những người con của làng thành đạt cũng hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Trong đó, đặc biệt là gia đình giáo sư Lê Viết Ly đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để xây dựng trường Tiểu học xã Hoằng Quang tại làng Nguyệt Viên. Ngoài ra, hàng năm đều có nhiều suất học bổng trao tặng tới các em học sinh.

Thầy Lê Đức Thọ, hiệu trưởng trường Tiểu học Hoằng Quang, chia sẻ: Trong điều kiện còn khó khăn, nhà trường may mắn được gia đình Giáo sư Lê Viết Ly hỗ trợ kinh phí xây dựng khang trang. Nhiều năm nay, nhà trường luôn đạt thành tích cao trong khối giáo dục tiểu học huyện Hoằng Hóa, nay là thành phố Thanh Hóa.

Cùng với truyền thống gia đình, dòng họ là sự quan tâm của cộng đồng, đã tạo nên một “thương hiệu” về sự học cho ngôi làng Nguyệt Viên.

Sự học nơi đây như dòng sông Mã vẫn ngày đêm cuộn chảy. Những thế hệ trẻ hôm nay của làng Nguyệt Viên vẫn luôn tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống chói ngời trong học tập.

Theo Dân trí

 

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top