Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khi dân làng được tặng lại“thẻ căn cước”

Thứ Hai 26/11/2018 | 09:41 GMT+7

VHO- Người dân ở hai làng La Ỷ (Phú Thương, Phú Vang) và làng Quý Lộc (Lộc Điền, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) như tắm mình trong ngày hội khi cung nghinh rước sắc phong quý về lại đình làng, đúng vào Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

 

 Nhà sưu tập Bùi Văn Quang (bên trái ngoài cùng) từ Nam Định vào Huế trao tặng 3 sắc phong cho làng La Ỷ

Trong niềm vui đó, những nhà sưu tập hiến tặng sắc phong cũng cảm thấy hạnh phúc vì việc làm của mình có ý nghĩa lớn cho cộng đồng, góp phần giữ gìn di sản vô giá của làng xã.

Đã mấy chục năm qua, nhiều sắc phong đã bị thất lạc, mất mát mà không tìm lại được khiến các bậc cao niên trong làng Quý Lộc rất trăn trở. Với người dân, sắc phong của làng là báu vật vô giá. Mới đây, khi Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo có nhà sưu tập đồ cổ đã sưu tầm được nhiều sắc phong quý của làng và ngỏ ý muốn tặng lại, người dân làng Quý Lộc vui mừng khôn xiết.

Cụ Nguyễn Đình Thạnh, bậc cao niên trong ban đại diện làng Quý Lộc, cho biết, Quý Lộc là một làng cổ, có nguồn gốc từ làng La Chữ (thị xã Hương Trà) di cư vào đây từ thời vua Gia Long. Các bậc tiền nhân của các dòng họ có công mở mang vùng đất mới này đã được các vua triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong. Nhưng rất đáng tiếc, thời gian cùng với ý thức bảo quản không chu đáo nên hầu hết hàng chục sắc phong của làng đã bị mất mát, thất lạc từ rất lâu. Bây giờ, đón nhận lại được năm sắc phong do nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng trao tặng, dân làng rất vui mừng.

Trong năm sắc phong được trao lại cho làng Quý Lộc, có bốn sắc phong thần và một sắc phong cho Ngài tiền khai khẩn họ Lê của làng. Các bậc cao niên trong làng cho biết, những sắc phong này rất quý giá và có ý nghĩa văn hóa tâm linh rất lớn đối với cộng đồng địa phương. “Việc ông Nguyễn Hữu Hoàng sưu tầm và trao tặng lại báu vật sắc phong cho làng Quý Lộc, chúng tôi rất cảm kích và vô cùng biết ơn. Ban đại diện làng sẽ có hướng bảo quản, giữ gìn tốt những di sản quý giá này, và tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ của làng trong bảo tồn di sản Hán Nôm”, ông Thành bày tỏ.

Không chỉ là tấm lòng của một người con xứ Huế như nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng mà có thêm nhà sưu tập từ miền Bắc cũng cất công lặn lội vào Huế để tặng lại sắc phong quý cho làng La Ỷ. Đó là anh Bùi Văn Quang, 46 tuổi, trú tại tỉnh Nam Định. Kể về “duyên nợ” này, anh Quang cho biết, thường đi điền dã ở các địa phương, rồi khảo cứu đồ cổ ở chợ Viềng (Nam Định), phiên chợ đồ cổ lớn nhất miền Bắc dịp đầu xuân… Và khi gặp món đồ cổ quý giá, yêu thích là tự bỏ tiền túi ra mua lại. Không chỉ mua đồ sứ ký kiểu, hàng thủ công mỹ nghệ, chạm khảm dưới triều Nguyễn, anh Quang còn mua lại nhiều sắc phong quý. Trong đó, có ba sắc phong của làng La Ỷ và anh đã nhờ Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế làm cầu nối để tặng lại cho làng. “Thực ra, tôi không rành về Hán Nôm, chỉ biết ba sắc phong đó có nguồn gốc ở Huế. Tôi đã nhờ những người bạn chuyên về di sản Hán Nôm dịch nghĩa, đồng thời kết nối với ngành văn hóa địa phương để trao tặng lại cho làng. Tôi xin nghỉ phép để được một ngày vào Huế kịp cho việc trao tặng. Và khi chứng kiến lễ rước sắc phong về lại làng La Ỷ, chứng kiến niềm vui của dân làng, tôi cảm thấy mình cũng hạnh phúc”, anh Quang chia sẻ.

 Ban đại diện làng Quý Lộc cung nghinh rước sắc phong về làng

Ba sắc phong mà nhà sưu tập Bùi Văn Quang tặng lại cho làng La Ỷ là sắc phong khai cơ. Theo các nhà nghiên cứu di sản Hán Nôm, sắc phong khai cơ hiếm gặp hơn sắc phong khai canh, nên nó có ý nghĩa rất lớn với ngôi làng cổ ven đô có chiều dài lịch sử trên dưới 500 năm này. Ba sắc phong được trao tặng cho làng La Ỷ được lập từ năm 1905, dưới thời vua Thành Thái.

Theo ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, sắc phong là tài liệu quý có giá trị trong hệ thống các văn bản Hán Nôm, được xem như báu vật của các làng xã, dòng họ. Đồng thời nó cũng cung cấp những thông tin khoa học về chất liệu giấy, ngôn ngữ, chữ viết, mỹ thuật và lịch sử in ấn, triện của các triều đại. Vì thế, các loại sắc phong đã, đang và sẽ là cổ vật được nhiều người săn tìm, mua bán nhằm mục đích tư lợi riêng. “Với việc hai nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng và Bùi Văn Quang đã cất công nhiều năm sưu tầm, lưu giữ và trao tặng lại những tấm “thẻ căn cước” cho hai làng La Ỷ và Quý Lộc là rất đáng được quý trọng, như là công đức đối với làng, họ trong thời đại hiện nay. Các nhà sưu tập đã hiểu rõ ngọn nguồn giá trị vô giá của những cổ vật này, nên thông qua Thư viện Tổng hợp tỉnh để trao tặng lại cho chủ nhân đích thực của các sắc phong”, ông Hà nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hữu Hà cũng thông tin rằng, trong năm 2012 và 2014, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện, thẩm định và mua lại một số sắc phong bị thất lạc vào các tỉnh miền Nam. Sau đó, tổ chức trao tặng lại cho các làng xã trên địa bàn TP. Huế, như: làng Lương Quán, Vân Dương, Kim Long… Thư viện Tổng hợp và ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập sẽ có những đợt trao tặng các sắc phong, tư liệu Hán Nôm quý giá đã bị thất lạc của các làng xã và tư gia trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn những chân giá trị văn hóa làng truyền thống.

 Với việc hai nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng và Bùi Văn Quang đã cất công nhiều năm sưu tầm, lưu giữ và trao tặng lại những tấm “thẻ căn cước” cho hai làng La Ỷ và Quý Lộc là rất đáng được quý trọng, như là công đức đối với làng, họ trong thời đại hiện nay. Các nhà sưu tập đã hiểu rõ ngọn nguồn giá trị vô giá của những cổ vật này, nên thông qua Thư viện Tổng hợp tỉnh để trao tặng lại cho chủ nhân đích thực của các sắc phong.

(Ông Đỗ Hữu Hà, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

 SƠN THÙY

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top