Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

"Nói ra bao nhiêu, buồn nản bấy nhiêu"

Thứ Tư 19/12/2018 | 14:01 GMT+7

VHO-  LTS: Chiều qua 18.12, Văn Hoá nhận được thư ngỏ của TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội gửi Bộ GD&ĐT. Nhận thấy những nội dung đề cập trong thư là những vấn đề đang được dư luận quan tâm, vì thế Văn Hoá xin giới thiệu đến bạn đọc và Ngành giáo dục.

 Hiệu trưởng trường này đã, đang gây phẫn nộ trong dư luận về hành vi của mình Ảnh: T.L

 Mấy ngày liên tiếp nhận tin không vui về giáo dục làm tôi thật sự bàng hoàng như mất phương hướng. Không biết nhờ cậy vào đâu. Tôi hỏi một số người, một số người khác lại hỏi tôi… cứ vòng vo mà chẳng tìm được câu trả lời. Vậy đành phải thư hỏi ngành giáo dục vậy.

1. Thực tình tôi chia sẻ khó khăn của cả ngành giáo dục nước nhà. Tôi vốn là một giáo viên và mọi người hay cười tôi về tính lạc quan có vẻ hơi thái quá về tuổi trẻ. Tôi thường nghĩ tuổi trẻ bây giờ giỏi hơn tuổi trẻ thời tôi nhiều. Chúng được thừa hưởng những điều kiện kinh tế, văn hóa, giáo dục tốt hơn chúng ta thời trẻ. Chúng cũng lập nhiều kỳ tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Có thể nói kỳ tích trong giáo dục nhiều năm qua là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, giáo dục nhiều năm qua cũng có quá nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội, lo lắng cho lãnh đạo các cấp và các bậc phụ huynh. Nói rằng ngành giáo dục không chịu lắng nghe, không chịu đổi mới thì cũng không công bằng. Tiêu cực thì đã có nói không với tiêu cực. Dạy thêm học thêm đã có Chỉ thị, Thông tư cấm dạy thêm, học thêm. Thi cử không nghiêm đã có thi quốc gia nghiêm cẩn. Sách giáo khoa, sách tham khảo nhiều đến còng lưng con trẻ làm cho bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng phải lên tiếng. Đại biểu Quốc hội cũng phải ví von về nỗi khổ con trẻ cõng sách tới trường. Việc đó cũng có Chỉ thị của ngành về giảm tải tới 15%… rồi viết sách giáo khoa mới. Những lỗi như con gấu viết hoa con hươu không viết hoa chắc lần này sẽ được khắc phục…

Nhưng cũng tiếc thay, khắc phục cái này nó lại nảy ra cái khác. Sách giáo khoa hướng dẫn giải bài tập ngay trong sách là lý do để các cháu không yêu sách đã được Bộ trưởng chỉ thị không được viết vào sách... Nói tóm lại, có chuyện gì về giáo dục thì “Tư lệnh” ngành các thời kỳ đều có biện pháp khắc phục ngay. Tuy nhiên, có việc khắc phục được (hoặc được một phần), nhưng có những việc hầu như khắc phục nơi này thì nơi kia lại bùng phát.

Tỷ như chuyện tát học sinh. Nơi này tát đến mấy trăm cái, nơi kia giảm xuống còn vài cái. Nơi này thầy cô tát học trò, nơi khác “sáng tạo” cho học trò tát học trò. Chuyện “tát” cứ như phong trào của cái xấu “tát, tát nữa, tát mãi” không dừng vậy. Cái xấu còn lan từ thành thị về nông thôn, từ miền xuôi lên cả miền ngược. Thi cử khó khăn, miền núi “thương con và cũng là làm khổ con trẻ” trong thi cử đã đành vậy. Thói hư thời hiện đại “đồng tính” cũng lan đến tận hiệu trưởng trường dân tộc nội trú thì thật bàng hoàng, khó cưỡng...

2. Nói ra bao nhiêu, buồn nản bấy nhiêu! Đành nói gọn lại trong bức xúc đến khó hiểu rằng: Hình như càng khắc phục, càng cải tiến, càng triển khai nhiều đề án mới, giáo dục càng rối, càng làm cho cả xã hội nóng lên! Chẵng lẽ ngồi yên chờ giảm nhiệt. Không thể. Nhưng nếu cứ tiếp tục làm một cách thụ động, làm vì bị dồn ép, làm kiểu “gỡ rối” và bị chi phối bằng quá nhiều thứ thì một điều chắc chắn là: càng làm, càng rối.

Ví như việc thi quốc gia 2 trong 1. Hai kỳ thi có mục đích, tính chất và hoàn cảnh thực tế hoàn toàn khác nhau mà “trong 1” thì “ép” làm sao cho khỏi “lòi” những thứ không ai muốn thấy như kỳ thi vừa rồi. Tôi có theo dõi các ý kiến thảo luận khác nhau của các nhà sư phạm gạo cội. Người bảo bỏ kỳ thi phổ thông! Người bảo không thể bỏ được. Người bảo bỏ có cái lý vì rằng: thi kiểu gì (kể cả thi quốc gia) thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn là rất cao. Có nơi 100%, có nơi 97%,98%. Nơi nào thấp lắm cũng trên 90%. Mặt khác, nhiều địa phương đang dần tiến tới phổ cập phổ thông (cái đích cần đạt tới). Những người nói bỏ thi thì học sinh không chịu học, không đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Thực ra ai cũng có lý. Với 10’ hoặc 15’để trình bày cái lý bỏ hay không bỏ thì trình bày đến vậy là “kỹ” rồi. Và người phải quyết thì cứ theo “lối cũ ta về” là an toàn nhất.

Tôi cầu nguyện cho kỳ thi quốc gia “2 trong 1” sắp tới không có những chuyện cười ra nước mắt. Bộ và các địa phương đã có kinh nghiệm về việc này, đã chú ý đến chấm và công bố kết quả kỳ thi của thí sinh. Xem ra chuẩn bị cho một kỳ thi như vậy cũng có thể coi là chu đáo. Chu đáo vậy mà vẫn có chuyện thì mới bàn sao? Không nên bỏ thi, đúng là như vậy. Học thì phải kiểm tra, phải thi cử. Đông tây kim cổ đều vậy. Vấn đề là thi thế nào? Có cần đẩy lên tầm “rùm beng” về hình thức mà kết quả lại không có bao nhiêu về độ tin cậy?!

Vấn đề là niềm tin và vấn đề lớn hơn là con người. Nếu các thầy, các cô vẫn còn nơi này thừa, nơi kia thiếu, vẫn còn tệ hại và bị đối xử tệ hại (phải quỳ đến mất phẩm giá làm thầy) thì mọi cố gắng tổ chức thi hay viết sách giáo khoa cho hay đều chỉ là những thứ không có ý nghĩa quyết định trong đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện.

3. Nói về thi cử chỉ là một việc mà kỳ nào cũng gây không biết bao hệ lụy làm cả ngành phải đau đầu là để chia sẻ và cảnh báo. Trên thực tế tôi muốn những người chịu trách nhiệm của ngành trả lời: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là gì? Bắt đầu từ cái gì? Nó cần bắt đầu từ đâu? Bắt đầu như thế nào? Có cần tổng kết một cách toàn diện để chỉ ra một cách đầy đủ nhất những khuyết tật trong giáo dục của chúng ta thời gian qua để từ đó triển khai một chương trình tổng thể, đồng bộ, kiên trì, không ồn ào, không vị thành tích… làm cho giáo dục bứt ra khỏi những yếu kém kéo dài nhiều năm nay?

Đành rằng giáo dục không thể tách khỏi kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng vấn đề nguồn nhân lực cho giáo dục, đặc biệt là giáo viên thì ngành có chương trình gì để họ đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mọi việc chạy theo thành tích, đặc biệt chỉ pha chút thiếu trung thực thôi thì toàn bộ sự nghiệp giáo dục sẽ thành mây khói. Khiếm khuyết trong giáo dục hôm nay không phải chỉ có trong thời này, nhưng giải quyết nó thì những người chịu trách nhiệm hiện nay không thể “nhường” cho ai được.

Người lái đò không mong khách đi đò quay lại ơn mình! Hạnh phúc lớn lao là thấy họ qua sông và bước tiếp những chặng đường vinh quang xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top