47,3% những người trên 25 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp

VHO- Đây là kết quả nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học tăng huyết áp tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm về Sức khỏe tim mạch với chủ đề “Kiểm soát huyết áp  về các bệnh lý tim mạch để sống vui sống khỏe” do Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức ngày 26.12 tại Hà Nội. Buổi tọa đàm nhằm truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về bệnh lý tăng huyết áp, yếu tố nguy cơ và tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh tim mạch ở Việt Nam hiện nay.

47,3% những người trên 25 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp - ảnh 1

GS.TS Nguyễn Lân Việt chia sẻ tại tọa đàm

Theo Viện Tim mạch quốc gia, trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến và tỷ lệ này cũng gia tăng rất rõ. Nếu năm 1990 có 11% người lớn bị tăng huyết áp, thì năm 2000 là 16%, năm 2008 là 25% và năm 2015 là 47,3%. Tức là cứ khoảng 2 người từ 25 tuổi trở lên thì có 1 người bị tăng huyết áp. Tỷ lệ đáng báo động này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng: bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta.

GS.TS Nguyễn Lân Việt – Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, những người còn rất trẻ mà cũng tăng huyết áp là điều đáng lo ngại vì đây là bệnh được coi là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. “Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh; nhưng có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng rồi. Các biến chứng có thể ở tim, não, mắt, thận, đến những tai biến về mạch não là nhiều nhất, nếu đã xuất huyết não, nhũn não thì việc điều trị hết sức khó khăn”, GS.Việt chia sẻ.

47,3% những người trên 25 tuổi mắc bệnh tăng huyết áp - ảnh 2

Người dân nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và biết chỉ số huyết áp của mình

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, tất cả mọi người, nhất là người trẻ cần phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp. Chế độ ăn uống, không được ăn mặn, hạn chế bia rượu, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều cholesterol.  Đặc biệt là không hút thuốc lá, thuốc lào vì có liên quan đến các bệnh lý tim mạch rất rõ ràng; hạn chế tối đa stress, cần có thời gian nghỉ ngơi trong tháng, trong ngày, trong tuần và cần có hoạt động thể lực đều đặn. Đồng thời, người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc