Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đừng để trở thành người mù chữ hiện đại

Thứ Tư 17/04/2019 | 11:53 GMT+7

VHO - “Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng ngày nay, văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Liệu có sự xuống cấp của văn hoá đọc không, liệu có sự lấn át của văn hoá nghe nhìn đối với văn hoá đọc?”, đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” vừa diễn ra sáng 17.4, tại HN.

Văn hóa đọc có bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn?

Tại cuộc hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, một trong những lý do để đánh giá về sự xuống cấp của văn hoá đọc phải chăng là đã và đang xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại, đó là sự lười đọc. Biết bao vấn đề đặt ra cho con người trong cuộc sống hiện đại, cuốn hút họ vào guồng máy, nhịp sống khẩn trương, dồn ép căng thẳng. Mặt khác, một bộ phận nào đó chạy theo các nhu cầu, đòi hỏi vật chất, không quan tâm đến đời sống tinh thần của mình.

“Sách vở trở thành xa lạ, xa xỉ đối với họ ( theo một điều tra xã hội học ở Hà Nội, với câu hỏi “Anh/ chị quan tâm đến vấn đề gì nhất”, kết quả là: có đến khoảng 70% quan tâm đến “giá cả thị trường” và chỉ có 1,2% quan tâm đến văn học). Có một số cán bộ chỉ có thời gian đọc các báo cáo, tài liệu hành chính rồi họp hành liên miên nên đã đánh mất khả năng tạo ra cho mình một nếp đọc sách! Tôi đã nhìn thấy những “giá sách trang trí” như vậy ở một số cơ quan, đơn vị, phòng làm việc! Bệnh lười học, lười đọc sẽ dẫn tới sự tụt hậu, sự hẫng hụt tri thức trong khi tri thức đang phát triển cực kỳ nhanh chóng, cái mới trên tất cả các lĩnh vực xuất hiện hàng ngày, thay thế cho cái cũ đã lỗi thời. Và nếu căn bệnh này kéo dài thì theo Toffle sẽ dẫn tới người mù chữ hiện đại, vì theo ông: “Ở thế kỷ XXI, một người mù chữ không phải là người không biết đọc, biết viết, mà là người không chịu học lại, không chịu tự đào tạo lại, bổ sung những kiến thức cũ đã lỗi thời"”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông thì, bước sang thế kỷ XXI - kỷ nguyên công nghệ số, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, đó là sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video, các phương tiện nghe nhìn thông minh, tiện lợi và ngày càng nhỏ gọn (máy tính bảng, điện thoại smartphone...) cũng như sự bùng nổ của mạng lưới internet toàn cầu, hình thức “đọc sách mạng” thay vì “đọc sách giấy” ngày càng trở nên phổ biến. “Đọc sách mạng” là độc giả dễ dàng sở hữu những cuốn sách điện tử với giá 0 đồng chỉ trong chớp mắt, hoặc có thể mua một cuốn sách hay với giá chỉ bằng một nửa giá thành sách in trong khi những độc giả lựa chọn hình thức “đọc sách giấy” sẽ mất thời gian và công sức đi mua.

Khi sử dụng sách điện tử là mỗi độc giả có khả năng sở hữu một thư viện sách khổng lồ có thể đồng hành cùng bạn khắp mọi nơi miễn là bạn có trong tay một thiết bị di động thông minh. Hiện nay, nhiều phần mềm hỗ trợ đọc sách điện tử ra đời với công cụ lưu trữ, đánh dấu, ghi chú tiện ích, giao diện đẹp; sách điện tử cũng được tích hợp nhiều thành phần đa phương tiện như video: âm thanh, âm nhạc, hình ảnh... càng thu hút đông đảo người sử dụng. Trung bình cứ mỗi người có một thiết bị di động thông minh là có ít nhất một phần mềm đọc sách, lưu trữ những cuốn sách yêu thích đã được “số hóa”. Phương thức đọc sách hiện đại tạo nên sự kết nối từ sách in đến sách điện tử, từ văn hóa đọc sách giấy chuyển dịch sang văn hóa đọc sách mạng.

Cần tìm ra hướng đi mới

Tuy nhiên, khi truyền thông hiện đại - internet tràn vào nước ta cũng có những tác động tích cực nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động tiêu cực, trong đó có vấn đề đọc và văn hoá đọc của người Việt nam. GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng đặt ra câu hỏi: Đọc nhanh, biết nhanh, truyền tin nhanh và quên cũng nhanh. Phải chăng, một bộ phận cư dân mạng đang rơi vào tình trạng đó? Lấy nhanh tri thức trên mạng và biến báo nhanh thành tri thức của mình, phải chăng đã xuất hiện những người đọc như vậy, kể cả những người có học thức được coi là “cao” trong xã hội. “Tôi đã tiếp xúc không ít những bài như vậy trên các báo, tạp chí và cả những bài thi, bài kiểm tra trong các lớp học, lớp tập huấn. Sống ảo, rơi vào thế giới ảo, tách khỏi đời sống thực, người ta đang lo ngại với những biểu hiện đó, không chỉ ở nước ta mà cả ở một số nước đã và đang phát triển”, GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định

Vì thế, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, không nên nhìn việc đọc và văn hoá đọc chỉ theo hướng đánh giá đó, mà cần tìm ra sự vận động, biến động bên trong của chính nó - văn hóa đọc. Cụ thể, trước đây, xuất bản của chúng ta coi nhiệm vụ định hướng từ trên xuống là chủ yếu. Những năm gần đây, ngược lại, đang xuất hiện một số đầu sách chỉ chú trọng thoả mãn nhu cầu người đọc, dù có thể đó là nhu cầu tầm thường, nhất thời, đôi khi cả rẻ tiền. Trong đáp ứng phải chứa đựng năng lực định hướng và sức thuyết phục của định hướng phải nằm ngay trong các xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu của người đọc; cần đầu tư nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực cho việc xuất bản những loại sách có giá trị lâu dài, góp phần xây dựng toàn diện nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới đồng thời với việc tạo cho sự phát triển đa dạng, phong phúc các thể loại sách, các đề tài mới…

Thanh Ngọc

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top