Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lần đầu tiên nàng Kiều lên sân khấu rối

Thứ Tư 28/08/2019 | 11:05 GMT+7

VHO-  Vở rối Thân phận nàng Kiều đã mang tới sự tìm tòi đầy mới lạ từ cách khai thác Truyện Kiều cho tới hình thức thể hiện.

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa cho các nghệ sĩ sau buổi diễn ra mắt

Ngay việc dựng nhân vật Thúy Kiều trên sân khấu của Nhà hát Múa rối VN đã là một thử thách cũng là một thử nghiệm khó khăn vì những con rối làm sao có thể biểu đạt thành công hình tượng nhân vật như những loại hình nghệ thuật khác.

Nàng Kiều “dạo chơi” ngoạn mục với rối

Nhưng thật bất ngờ, những người làm nghệ thuật rối đã có cách khai thác và lối đi riêng để tạo nên một Thân phận nàng Kiều. Bằng tài năng và tâm huyết, ê kíp sáng tạo vở rối Thân phận nàng Kiều gồm đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, hai tác giả chuyển thể kịch bản sân khấu nhà văn Nguyễn Hiếu, NSƯT Lê Chức, họa sĩ tạo hình Lê Đình Nguyên, họa sĩ thiết kế sân khấu Ngô Thắng… đã thực sự “tung hoành” khi đưa nàng Kiều lên sân khấu rối.

Theo hình thức múa rối, Truyện Kiều được kể lại theo đúng mạch nguyên tác với những lát cắt ngắn gọn đủ để người xem hiểu được những diễn tiến của Thúy Kiều, nhưng lại không quá lệ thuộc vào tác phẩm văn học, không mổ xẻ phân tích, diễn giải một loạt những tình tiết trong truyện. Thân phận nàng Kiều đã ghép nối các màn bằng các trò diễn múa rối qua lối kể của nghệ thuật đương đại qua không gian, ánh sáng và cả âm nhạc. Điều thành công nhất của Thân phận nàng Kiều là việc biến những đồ vật đời thường trở thành những nhân vật có số phận và tính cách. Chắc chắn chỉ có sân khấu rối mới có những tạo hình đầy ẩn ý và khéo léo tài tình như vậy.

Khán giả trầm trồ khi mụ Mối, một kẻ chuyên buôn nước bọt để kiếm tiền trong Truyện Kiều chỉ xuất hiện bằng biểu tượng cặp môi đỏ chót, luyến thoắng để ngã giá, để lừa đảo, đưa Kiều vào bẫy. Cũng phường buôn người, từ gương mặt cho đến thân hình của Tú Bà đều tròn như mặt của đồng tiền. Một chiếc ống nhổ ăn trầu xưa cũng được dùng để tạo hình cho nhân vật Bạc Hạnh, một kẻ ăn ở bạc bẽo chỉ đáng để người đời phỉ nhổ. Chàng Thúc Sinh với gương mặt hình trái tim và cổ đeo gông gợi ngay tới sự liên hệ của một kẻ đa tình và yếu đuối. Gương mặt của Kiều được tạo hình biểu cảm với hình của cây đàn tỳ bà vừa nói lên cái đẹp, cái quyến rũ của nàng Kiều nhưng cũng thể hiện được cuộc đời buồn tủi mà nhân vật luôn phải trải qua bao nỗi thăng trầm trong đời…

“Truyện Kiều” trên sân khấu rối

Nâng tầm cho nghệ thuật rối

Chỉ một mảnh vải, một vật dụng đời thường, một khúc tre... qua lăng kính sáng tạo của đạo diễn, họa sĩ tạo hình và đôi tay hết sức khéo léo của người nghệ sĩ, tất cả đã trở thành những nhân vật có tính cách, có hồn. Mỗi nhân vật xuất hiện bằng cách tạo hình và diễn xuất của nghệ sĩ đều để lại những ấn tượng rất riêng. Hình tượng thằng bán Tơ được thể hiện như con rắn độc lấp ló, sẵn sàng luồn lách. Lũ chim lợn đứng sau thằng bán Tơ được xử lý như một dàn đế sẵn sàng hùa vào để tung những tin đồn thất thiệt. Có những lớp diễn đẹp và vô cùng ấn tượng như cảnh đan thành lưới bằng những dải lụa khi Kiều khuyên Từ Hải quy phục triều đình, cảnh xử lý Kiều với Đạm Tiên...

Đạo diễn, NSND Ngọc Phương nhận định: “Nếu các loại hình sân khấu khác dựng về Kiều thì không có gì lạ nhưng rối dựng Kiều thì đây là lần đầu tiên. Ấn tượng nhất chính là toàn bộ xuyên suốt tác phẩm, hình tượng các nhân vật được xây dựng rất rõ nét qua góc nhìn của nghệ thuật rối, mang lại nhiều cảm xúc đối với khán giả. Đạo diễn đã tha hồ tung tẩy các mảng miếng sân khấu truyền thống mà rất hiện đại. Tôi hết sức khâm phục đạo diễn đã xử lý rất giỏi các trò rối cũng như tìm ra cách tạo hình đầy ẩn dụ hóm hỉnh”.

Có thể thấy được niềm vui, sự phấn khởi của giới sân khấu khi đón nhận một tác phẩm thử nghiệm thành công. Chắc chắn khi tới với Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV vào tháng 10 tại Hà Nội, nghệ sĩ rối có thể hoàn toàn tự tin mang tới một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa là thể nghiệm, đồng thời khoe được với bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế về những tìm tòi sáng tạo đầy thú vị bởi sự kết hợp nhiều thể loại rối trong một tác phẩm từ rối nước, rối dây, rối que, rối bóng cho tới người diễn với rối, rối diễn với người. 

 Trân trọng những tìm tòi sáng tạo cho nghệ thuật truyền thống

Thân phận nàng Kiều là sự kết hợp rất khéo giữa nghệ thuật múa rối truyền thống với các loại hình nghệ thuật đương đại. Ê kíp dàn dựng đã thổi sân khấu múa rối cách xử lý mới khiến khán giả ở nhiều tầng lớp đều có thể hiểu được cốt lõi của câu chuyện. Những ai đã từng đọc Truyện Kiều sẽ thấy thú vị hơn rất nhiều bởi lẽ sẽ hiểu được rối cũng có cách kể riêng và cũng rất ấn tượng. Hiện nay sân khấu truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả. Đưa Truyện Kiều lên sân khấu rối là một sự tìm tòi thành công, đưa khán giả đến gần hơn với nghệ thuật. Khâm phục và đánh giá cao sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối VN.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

 

THUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top