Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về hai mẫu hiện vật "gắn liền" với Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara: Vì sao “Châu vẫn chưa về Hợp Phố”?

Thứ Hai 02/09/2019 | 10:23 GMT+7

VHO- Câu chuyện “Châu về Hợp Phố” của hai hiện vật gồm con ốc và đóa sen được cho là “gắn liền” với Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara, vẫn chưa có hồi kết viên mãn như mong muốn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), mặc dù nó đã diễn ra trong một thời gian dài.

Theo cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm, trên hai bàn tay của tượng Bồ tát Tara hiện còn thiếu hai hiện vật là con ốc và đóa sen

Cơ quan chức năng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và thậm chí là UBND thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, để xin được nhận lại hai hiện vật gắn liền với Bảo vật quốc gia pho tượng Bồ tát Tara do bị “lưu lạc” trước đó, nhưng đến nay hai bên vẫn đi đến sự đồng thuận.

Có bàn giao hay không, cần chờ tỉnh chỉ đạo

Chiều 31.8, trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, một lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết sự việc đã diễn ra từ rất lâu, ngay từ thời điểm đưa pho tượng Bồ tát Tara từ di tích lịch sử Đồng Dương (nay thuộc xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) về Bảo tàng quản lý, bảo quản và phát huy giá trị. Năm 1978, khi đưa pho tượng này về để trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng đã phát hiện trên hai tay của pho tượng bị thiếu hai hiện vật rất quan trọng, đó là con ốc và đóa sen. Khả năng xảy ra của việc “thất lạc” hai hiện vật trên là do trong quá trình “khai quật” pho tượng dẫn đến gãy, rơi.

 Bảo vật quốc gia pho tượng Bồ tát Tara hiện đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng Ảnh: NGỌC HÀ

Cũng theo vị lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, hiện hai hiện vật trên đang “lưu lạc” ở huyện Thăng Bình và được UBND xã Bình Định Bắc bảo quản cẩn thận. Từ nhiều năm qua, cơ quan chức năng và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản gửi đến cơ quan, chính quyền tỉnh Quảng Nam xin đề nghị “đón” phần còn lại của Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara, nhưng chưa được chấp thuận. Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng đã đến UBND xã Bình Định Bắc nghiên cứu, chụp ảnh và trao đổi với Chủ tịch UBND xã về việc được đưa các hiện vật này về bảo tàng. Trao đổi với báo chí, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, bà Phạm Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc đã thống nhất để Bảo tàng đưa hai hiện vật này về nhưng với điều kiện là xây dựng cho xã một nhà văn hóa thôn. Đến nay UBND xã vẫn còn đang xin ý kiến của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, hai hiện vật này đã được chính quyền lưu giữ cẩn thận từ năm 1978. Quá trình lưu giữ gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất trụ sở xã vẫn còn tạm bợ. “Người dân ở địa phương có mong muốn khi trao trả hiện vật thì bảo tàng hỗ trợ một nguồn kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt thôn Đồng Dương, nơi có di tích quốc gia đặc biệt là Phật viện Đồng Dương. Cái này chính quyền xã đã đề nghị với huyện, tỉnh rồi”, bà Hiệp cho hay. Trong khi đó, theo đại diện Phòng VHTT huyện Thăng Bình, mới đây huyện đã có cuộc làm việc với Sở VHTTDL Quảng Nam, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, và địa phương thống nhất bàn giao hai hiện vật này cho Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, biên bản đã được lập. Còn việc sau đó có bàn giao hiện vật cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng không thì chờ ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh.

 Sau bao nhiêu năm, hai hiện vật đang "lưu lạc" tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) được cho là gắn liền với pho tượng Bồ tát Tara vẫn chưa "hợp phố". Trong ảnh: Du khách tham quan Bảo vật Quốc gia Tượng Bồ tát Tara tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Ảnh: HỮU KHÁ

Giải quyết theo quy định của Luật Di sản văn hóa

Để nắm rõ hơn về cách xử lý và giải quyết đối với hai hiện vật là con ốc và đóa sen được cho là gắn liền với pho tượng Bồ tát Tara, chiều 31.8 phóng viên Văn hóa đã liên lạc qua điện thoại với ông Phan Ngọc Bích, Phó giám đốc Phụ trách Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Ông Bích cho biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh và UBND huyện Thăng Bình để bàn cách xử lý đối với hai hiện vật mà phía thành phố Đà Nẵng đề nghị được xin lại. Sau cuộc họp, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh trước mắt tiếp nhận hai hiện vật là con ốc và đóa sen từ UBND huyện Thăng Bình về Bảo tàng tỉnh bảo quản.

Hai hiện vật được xem là gắn liền với tượng Bồ Tát Tara - Ảnh: TƯ LIỆU

“Đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo Sở VHTTDL có văn bản gửi Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa xin ý kiến về việc bàn giao hai hiện vật này cho thành phố Đà Nẵng. UBND tỉnh nhấn mạnh, việc giải quyết hai hiện vật quan trọng này phải căn cứ theo Luật Di sản văn hóa và ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL”, ông Bích nói. Cũng theo ông Bích, mặc dù hai hiện đó thuộc pho tượng Bồ tát Tara nhưng hiện nay hai hiện vật này vẫn đang đứng độc lập và có giá trị riêng có của nó. Bởi vậy việc xử lý, giải quyết cho hai hiện vật vẫn phải theo quy định hiện hành.

Còn theo Sở VHTT Đà Nẵng, việc tiếp cận, xúc tiến để đề nghị xin đưa hai hiện vật trên tay của tượng Bồ tát Tara về Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã được Sở làm việc với xã Bình Định Bắc trong hơn 10 năm nay. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết thành phố đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara. Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết đã có ý định xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho xã Bình Định Bắc khi tiếp nhận các hiện vật. 

 UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo Sở VHTTDL có văn bản gửi Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa xin ý kiến về việc bàn giao hai hiện vật này cho thành phố Đà Nẵng. UBND tỉnh nhấn mạnh, việc giải quyết hai hiện vật quan trọng này phải căn cứ theo Luật Di sản văn hóa và ý kiến chỉ đạo của Bộ VHTTDL.

(Ông PHAN NGỌC BÍCH, Phó giám đốc Phụ trách Bảo tàng tỉnh Quảng Nam)

 

Bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara được làm bằng chất liệu đồng. Kích thước cao 129,3 cm, thuộc thế kỷ IX. Đây là loại hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa. Tượng đứng, mặt rộng cằm ngắn; trán hẹp, dẹt, đôi lông mày rậm, giao nhau; miệng rộng, môi dày, có vành môi sắc nét; tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược cao lên trên và chia làm hai tầng; tầng tóc bên trên có hình Phật A-Di-Đà nhỏ ngồi xếp bằng. Tượng có mắt thứ ba ở giữa trán hình thoi lõm, cổ cao ba ngấn, thân eo, ngực căng tròn để trần, hai bàn tay giơ ra phía trước, dưới cuốn sa rông dài hai lớp, lớp sa rông này thể hiện bằng những đường xếp ly lượn sóng từ thắt lưng xuống đến gần mắt cá chân bó sát mình.

Tượng bằng đồng có kích thước lớn, được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, là hiện vật tiêu biểu đặc trưng cho việc thờ Bồ tát tại Phật viện Đồng Dương và là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Chămpa cổ (phong cách Đồng Dương), một phong cách mang đậm bản sắc bản địa và nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển là đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa. Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh với một kỹ thuật đúc đặc biệt, không có vết khuôn đúc, đặc biệt có những phần lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán. Trong các cuộc triển lãm quốc tế, pho tượng này được coi là hiện vật quan trọng, điểm nhấn của cuộc triển lãm

LÂM SƠN- KHÁNH CHI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top