Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật tạo hình: Nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn

Thứ Tư 04/09/2019 | 11:06 GMT+7

VHO- “Nhớ về Bác” không chỉ là tấm lòng tôn kính của mỗi người dân Việt Nam mà còn là tên gọi của một cuộc triển lãm nghệ thuật đặc biệt. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa khai mạc cuộc triển lãm với tên gọi này, nơi các thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam bày tỏ tấm lòng yêu kính Bác thông qua từng nét vẽ, mảng màu.

 Tác phẩm “Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc” của họa sĩ Vương Trình

 Triển lãm là sự kiện văn hóa được tổ chức chào mừng 74 năm ngày Quốc khánh; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã dự khai mạc triển lãm.

Những nét vẽ từ trái tim

Với 50 tác phẩm của 39 họa sĩ thuộc các thế hệ nghệ thuật tạo hình Việt Nam, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng bộ sưu tập dày dặn nhất về cảm xúc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm, ngay từ tên gọi “Nhớ về Bác”, đã thôi thúc người xem tìm đến để tưởng nhớ Người. “Các tác phẩm ở đây đều được các thế hệ họa sĩ Việt Nam khắc họa bằng tấm lòng và tình cảm tôn kính, yêu thương nhất dâng lên Bác Hồ. Không có ngôn ngữ của tuyên truyền, cổ động, mỗi nét vẽ, mảng màu đều là một lời tri ân thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà các thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, một cách tự nhiên và chân thành nhất, đã bật lên từ trái tim và nét vẽ của mình…”, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN chia sẻ.

Triển lãm “Nhớ về Bác” là tình cảm, là tấm lòng với Người của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, từ thế hệ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến thời kỳ Mỹ thuật Kháng chiến và các thế hệ sau này. Dù với chất liệu, bút pháp nghệ thuật nào thì bao trùm lên tất cả, những tác phẩm đặc biệt đó vẫn luôn mang đến cho người xem xúc cảm dâng trào, niềm tôn kính thiêng liêng với vị Cha già dân tộc. Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn đề tài vô cùng phong phú, là cảm hứng vô tận cho những sáng tạo của các nghệ sĩ. Bằng ngôn từ riêng của hội họa, 50 tác phẩm tại triển lãm đã khắc họa từ nhiều góc độ hình tượng mộc mạc, giản dị mà hết đỗi thiêng liêng, vĩ đại của vị Cha già dân tộc. Đa dạng về thể loại: hội họa, đồ họa, điêu khắc, áp phích; phong phú về chất liệu: sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước…, 50 tác phẩm được sáng tác trước và sau khi bản Di chúc thiêng liêng của Bác ra đời.

Dù là chất liệu gì, phong cách sáng tác ra sao thì đằng sau mỗi nét vẽ, mảng màu, công chúng đều có thể cảm nhận được tấm lòng tôn kính và tình yêu thương mà những danh họa nổi tiếng Việt Nam hướng đến khi vẽ về Người.

Tác phẩm “Bác đi công tác” của họa sĩ Trần Đình Thọ

Những tác phẩm sống mãi với thời gian

“Nhớ về Bác” là tình cảm, là tấm lòng của các nghệ sĩ tạo hình thuộc nhiều thế hệ, từ các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ; đến thời mỹ thuật Kháng chiến như Lê Lam; và các họa sĩ thế hệ sau như Nguyễn Thế Vinh, Hoàng Đạo Khánh, Trần Hữu Chất… Triển lãm cũng là lời tri ân sâu sắc nhất của thế hệ hôm nay trước những công lao, cống hiến vĩ đại của Người, thiết thực góp phần đẩy mạnh việc học tập vàlàm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, trong kho tàng đồ sộ của Bảo tàng, sưu tập những tác phẩm hội họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được gìn giữ, nâng niu. Trưng bày “Nhớ về Bác” cũng là dịp hiếm Bảo tàng đưa ra trưng bày số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật giá trị vẽ về Người. Các tác phẩm thể hiện hình ảnh của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước, đến lúc lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi thống nhất đất nước đã được các nghệ sĩ tạo hình khắc họa hết sức giản dị, gần gũi, thân thương.

Chân dung Bác Hồ với vầng trán cao, ánh mắt sáng, chòm râu bạc, nụ cười hiền được các họa sĩ thể hiện chân thực, dung dị qua các tác phẩm: Chân dung Bác (họa sĩ Trần Văn Cẩn), Bác Hồ (họa sĩ Lê Lam), Hồ Chủ tịch (họa sĩ Nguyễn Thế Vinh), Chân dung Bác Hồ (họa sĩ Song Hỷ). Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại với tác phong làm việc khoa học, luôn sâu sát với thực tiễn cũng được thể hiện qua các tác phẩm: Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Đêm nay Bác không ngủ của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện, Bác đi công tác của danh họa Trần Đình Thọ…

Đơn sơ và giản dị, ngôi nhà của Bác đã trở thành biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm hội họa ở triển lãm khắc họa rõ nét sự giản dị, vĩ đại của ngôi nhà Bác Hồ: Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch của Lương Xuân Nhị, Nhà Bác ở Kim Liên -Nghệ An của Trần Văn Cẩn… Các tác phẩm cũng khắc họa tấm lòng bao la, ấm áp và sự quan tâm gần gũi của Người tới mọi tầng lớp nhân dân: Bác Hồ đến thăm gia đình nông dân của họa sĩ Nguyễn Văn Thiện và Mai Văn Nam, Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc của họa sĩ Vương Trình, Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng của Đỗ Hữu Huề… Đáp lại tình cảm đó của vị Cha già dân tộc, nhiều bức vẽ thể hiện tấm lòng và tình cảm của đồng bào cả nước luôn hướng về Bác với sự chân thành và nỗi nhớ mong da diết: Giải phóng quân thăm nhà Bác của họa sĩ Văn Giáo, Đền thờ Bác Hồ trong rừng đước mũi Cà Mau của họa sĩ Nguyễn Văn Bình…

Trong những họa phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không thể không nhắc đến bức tranh bảo vật quốc gia Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, danh họa Dương Bích Liên sáng tác năm 1980. Tác phẩm được họa sĩ lấy cảm hứng từ những ngày gần Bác năm 1952, khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và con ngựa chuẩn bị băng qua dòng suối chảy cuồn cuộn với dáng vẻ ung dung. Tranh vẽ chất liệu sơn mài, kích thước 99,8 x 180 cm, khơi gợi không gian núi rừng với màu xanh bạt ngàn. Bức tranh này hiện đang thuộc hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top