Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Phủ Chủ tịch: Vẹn nguyên hơi ấm của Người

Thứ Sáu 13/09/2019 | 10:03 GMT+7

VHO-Hội nghị và triển lãm kỷ niệm 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969 - 2019) đã được Khu di tích Phủ Chủ tịch trang trọng tổ chức ngày 12.9 tại Hà Nội. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ đã, đang làm việc và gắn bó với Khu di tích quan trọng bậc nhất của đất nước trong 50 năm qua đã dự hội nghị… 

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch ngày 1.9 vừa qua Ảnh: ĐẶNG QUANG HUY

Bảo tồn nguyên trạng từng hiện vật về Người 

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tri ân các thế hệ cán bộ, công nhân viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã miệt mài, tâm huyết góp phần bảo quản, sưu tầm tài liệu, lan tỏa các giá trị, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua, để Người thực sự sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Họ làm bằng cả sự chuyên nghiệp, tấm lòng tôn kính nhất dâng lên Bác kính yêu. 

“Người là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất, kết tinh của nhân, trí, dũng. Và sự đặc biệt là những điều vĩ đại, cao đẹp nhất của Người đều thể hiện ở những việc làm, cử chỉ gần gũi, giản dị, chân thực mà mọi người đều nhìn thấy...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, lúc sinh thời mong ước lớn nhất của Bác Hồ với dân tộc, với đất nước là người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ngày nay đất nước đã phát triển, mọi người đã có cơm ăn, áo mặc và tiếp tục trên hành trình xây dựng để đất nước tiếp tục tiến lên, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Người. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, mong muốn đất nước phát triển và thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới, để sánh vai với các cường quốc thì các tầng lớp nhân dân phải nỗ lực hơn nữa, thể hiện trách nhiệm với đất nước, làm cho hình ảnh Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ ngày càng rực sáng trong lòng người dân, để mỗi người dân thực sự tự hào về quá khứ hào hùng, tự hào với thế giới về những thành tựu phát triển của đất nước hôm nay và trong tương lai… 

Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Văn Công cho biết, sau khi Bác Hồ qua đời, quần thể di tích lịch sử - văn hóa - danh nhân được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tất cả cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời cần được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên trạng. Toàn bộ không gian khu vực đã được định vị chính xác trên bản đồ cho từng ngôi nhà, gốc cây, mảnh vườn đến đường đi, lối mòn... và được quy hoạch cụ thể, chi tiết. Từng điểm di tích đều đánh dấu sự kiện đáng nhớ và mang ý nghĩa nhất định tại từng thời khắc quan trọng của Bác. Những đồng chí từng được vinh dự phục vụ Bác Hồ đã tình nguyện ở lại tiếp tục phục vụ, đảm đương nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo quản giữ gìn và là nhân chứng thẩm định tính chính xác của từng sự kiện, tài liệu hiện vật mà Bác Hồ để lại. 

“Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, Khu di tích vẫn được bảo vệ an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ thiên nhiên, môi trường và con người. Khu di tích vẫn liên tục đón khách tham quan trong nước và quốc tế để tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và cuộc sống đời thường của Bác”, ông Công cho biết. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ và các đại biểu tham quan triển lãm

   Khu di tích cần tiếp tục phát huy thế mạnh, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những hoạt động nâng cao năng lực, hiệu quả của Khu di tích sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc... (Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY) 

Lan tỏa những giá trị trường tồn 

Hiện có hơn 1.470 đầu hiện vật trong tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật thuộc Khu di tích đang được trưng bày, phát huy giá trị và luôn được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn như khi Người còn sống. Một di tích đặc biệt quan trọng của Khu di tích là nhà sàn Bác Hồ, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đồng thời thể hiện đạo đức, phong cách, lối sống hết sức giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nhà sàn, vào mỗi dịp sinh nhật trong các năm 1965 - 1969, Bác Hồ đều dành thời gian viết Di chúc để lại cho muôn đời sau. 

Theo ông Công, các điểm di tích nằm rải rác, không tập trung, lại nằm trong một khu vườn có nhiều cây cối. Công tác bảo quản ở Khu di tích vì vậy có tính đặc thù, được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa bảo quản giữ gìn, vừa phục vụ khách tham quan. Suốt nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Khu di tích đã âm thầm, lặng lẽ thực hiện nhiều công việc bảo quản các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan di tích. 

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi và với giải pháp kỹ thuật đồng bộ, Khu di tích đã giữ gìn tốt các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan; bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần vô giá, không ngừng tham gia những hoạt động nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để tuyên truyền rộng rãi, tạo sức lan tỏa về tấm gương đạo đức của Người. Nửa thế kỷ đã qua, Khu di tích trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác Hồ của nhân dân cả nước và khách quốc tế đến Việt Nam. Từ năm 1970 đến nay, Khu di tích đã phục vụ, đón tiếp hơn 80 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 8 tháng của năm 2019, Khu di tích đón hơn 2 triệu lượt khách. 

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết của các thế hệ cán bộ Khu di tích đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trải qua 50 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, Khu di tích luôn giữ vững vai trò là di tích đứng đầu trong hệ thống các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của mình, Khu di tích đã tập hợp được đội ngũ cán bộ giỏi, có trình độ nghiên cứu, lý luận cao, có kinh nghiệm thực tế, trách nhiệm, nhiệt tình; góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với nhân dân và bạn bè quốc tế. 

“Trong thời gian tới, Khu di tích cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những hoạt động nâng cao năng lực, hiệu quả của Khu di tích sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc...”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu. 

Ngay sau hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã cắt băng khai mạc triển lãm “50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” tại Đường Xoài. Triển lãm giới thiệu 200 bức ảnh tư liệu, gồm 3 phần nói về chặng đường lịch sử, những dấu mốc đáng nhớ từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu về ở, làm việc tại Khu di tích cho đến khi Người qua đời (1954- 1969); quá trình hình thành, phát triển cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích từ năm 1969 đến nay. 

 HOÀNG NGÂN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top