Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bế mạc Liên hoan chèo toàn quốc 2019: Tôn vinh nghệ thuật chèo truyền thống

Chủ Nhật 29/09/2019 | 08:17 GMT+7

VHO-Tối qua 28.9, Liên hoan chèo toàn quốc 2019 đã khép lại sau 14 ngày tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc. Liên hoan đã trao 5 Huy chương  vàng, 6 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 1 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 1 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 1 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc cho các cá nhân tham gia Liên hoan. PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã dự và phát biểu tại Lễ bế mạc. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao Huy chương vàng cho các vở diễn

Phát biểu tổng kết, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định: Thông qua 26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ (24/26) và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn nóng bỏng, nổi cộm, bức xúc của nghệ sĩ chúng ta trước những hành xử của cơ chế thị trường như vấn đề công danh với tình yêu, tình riêng với nghĩa nước, tình yêu với lời nguyền thù hận, tham vàng bỏ ngãi…tất cả đều hướng tới: ca ngợi tài năng, đức độ, liêm chính, trung thực của lẽ sống làm người; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, hi sinh hạnh phúc cá nhân cho non sông đất nước, đồng loại và phê phán những nhân cách nhỏ nhen, ích kỷ hại nước, hại dân của thói hư, tật xấu ở đời…Từ nội dung tư tưởng ấy các tác giả đã thể hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca và cả bi kịch, bi hài kịch lẫn luận đề trong kết cấu tự sự - kịch tính – trữ tình – có hậu của truyền thống với những lớp trò nối tiếp lớp trò bằng thủ pháp ước lệ - cách điệu - tượng trưng theo mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách đặc định…

Vở Trọn nghĩa non sông của Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình (Huy chương vàng)

Vở Điều còn lại của Nhà hát Chèo Hà Nội (Huy chương vàng)

Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương của  Nhà hát Chèo Hải Dương (Huy chương vàng)

 Thành quả của 26 tác phẩm trên là do bản lĩnh của các tác giả “lão tướng”: Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Bùi Đức Hạnh, Huy Cờ, Bùi Vũ Minh, Lê Duy Hạnh, Lê Chí Trung, Đăng Chương cùng những gương mặt trẻ: Lê Thế Song, Nguyễn Toàn Thắng, Mai Văn Lạng, Nguyễn Sĩ Sang, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Mạnh Huấn, Vũ Huy Thành, Lê Ngọc Ánh…và đặc biệt trong đó có nữ tác giả Xuân Hồng, Trần Phương Hạnh đã làm cho sân khấu Liên hoan thêm nhiều giọng điệu, màu sắc, sinh động.

26 tác phẩm văn học ấy được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu Liên hoan bởi có bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn. Đó là những nghệ sĩ đã có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết với nghiệp chèo như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trương Hải Thọ và các nghệ sĩ trẻ đang được giới chèo khẳng định: NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Tạ Quang Lẫm, NSƯT Nguyễn Quang Thập, NSND Hàn Hải… Đặc biệt dịp này đã xuất hiện những nữ đạo diễn: NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Trần Thị Hoàng Mai. Những lớp, những màn diễn đã tạo nên những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả, có thể kể đến như lớp Thái giám đọc chiếu chỉ trong Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, lớp múa mở màn trong Rồng phượng, lớp trận chiến đầm lầy trong Đất thiêng nơi mả dấu, lớp nước cuốn lũ quan bạo tàn trong Người con gái Kinh Bắc

Đặc biệt, cảm động biết bao khi chứng kiến những nghệ sĩ hằng ngày phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng nhiều công việc khác để nuôi dưỡng niềm đam mê chèo, vậy mà họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để đến với hội chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống. Vì vậy, khán giả khó quên được những sáng tạo của các nghệ sĩ đã rất xuất sắc trong các vai diễn của mình, đó là: Quỳnh Mai, Hà Thị Thảo, Xuân Du, Nguyễn Thị Trắc, Trần Thị Hiền, Mạnh Thắng, Mai Lan, Đình Anh, Bích Nhạn, Nguyễn Thị Thái Quỳnh, Ánh Diện, Thủy Hà, Mạnh Đáng, Phương Nhàn, Bùi Văn Thiện, Xuân Dương, Hồng Năm, Nông Thị Quỳnh Sen, Thu Hài, Thanh Nga, Thùy Dung, Hà Bắc, Quốc Phòng, Chử Long, Hoài Thu, Bá Toản, Thu Huyền, Việt Thắng...

Ban tổ chức trao Huy chương vàng cho các diễn viên

Liên hoan phản ánh đúng thực trạng của nghệ thuật chèo

 Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 diễn ra tại Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang từ ngày 14 đến ngày 28.9 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trải qua 14 ngày, chúng ta được thưởng thức 26 vở diễn với sự tìm tòi, sáng tạo, đua tài hào hứng, sôi nổi, lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ đến với người xem.
26 vở diễn với chất lượng chuyên môn đã phần nào phản ánh đúng thực trạng của mỗi đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp tại Liên hoan lần này. Mỗi vở diễn có sắc thái, diện mạo riêng, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, những vấn đề đang bức xúc trong đời sống xã hội. Một lần nữa, Liên hoan mang ý nghĩa quan trọng của một ngày hội lớn - nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của bạn bè, đồng nghiệp, cũng như sẻ chia những trăn trở trong hoạt động thực tiễn để cùng nhau gìn giữ, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

Tuy nhiên, không quá lạc quan với những gì đã đạt được, PGS.TS Trần Trí Trắc cũng đã chỉ rõ những điểm còn khuyết thiếu, hạn chế: “26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ. Đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả. Không ít vở kết cấu thiếu logic: lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác; có vở diễn hết cảnh 2 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; tính văn chương ở một số vở còn hạn chế, chưa được trau chuốt công phu, nếu không gọi là tục tằn, thô thiển… Nhiều nhân vật sơ sài, mỏng, thiếu tính cách, thiếu số phận, tạo ra hình tượng nhạt nhòa, làm nghệ sĩ tài năng khó diễn được tròn vai, khó thể hiện bản lĩnh của mình. Các đạo diễn còn lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát vocal, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực…

Về nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên còn hát chênh, non, phô, chệch nhịp, quên lời, rơi đạo cụ, quên đạo cụ ở sàn diễn mà không biết xử lý phù hợp, hoặc hát không bật mic hay gây tiếng rú, tiếng lạo xạo làm nhòe lời…rất nghiệp dư”…
Liên hoan đã khép lại, nhưng dư âm về những vai diễn, những tình cảm của khán giả Bắc Giang sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ, những người làm nghề như một vết dấu cho sự chuyển giao thời đại tích cực cho chèo. 

 Kết quả giải thưởng Liên hoan 
Liên hoan đã trao 5 Huy chương  vàng, 6 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 1 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 1 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 1 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc cho các cá nhân tham gia Liên hoan. 5 Huy chương Vàng cho vở diễn: Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội), Công lý không gục ngã (Nhà hát Chèo Quân đội), Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình), Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương (Nhà hát Chèo Hải Dương), Người con gái Kinh Bắc (Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang). Cùng trong dịp này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải thưởng cho các đơn vị và cá nhân đạt những thành tích nổi bật tại Liên hoan.

THUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top