Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nâng cấp hệ cao đẳng để nâng tầm cho xiếc Việt

Thứ Tư 27/11/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- Chủ trương nâng cấp Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam lên hệ cao đẳng đã được Bộ VHTTDL đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo ngành VHTTDL năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 đã được quy hoạch.

Tại Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018, ThS Ngô Lê Thắng (người đầu tiên bên trái) được trao giải Đạo diễn xuất sắc, TS.NSND
Hoàng Minh Khánh (người thứ 3 từ trái sang) được trao giải Tác giả xuất sắc

Mong muốn được nâng cấp từ hệ trung cấp lên cao đẳng đã được ngành xiếc nung nấu nhiều năm qua nhưng cho đến thời điểm này mới thành hiện thực. Khó có thể chia sẻ hết niềm vui, phấn khởi của các nghệ sĩ xiếc cả nước nói chung, tập thể cán bộ giáo viên Trường TC nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN nói riêng trước yêu cầu cấp thiết này. Phó hiệu trưởng điều hành Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, ThS Ngô Lê Thắng đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa về lộ trình thực hiện chủ trương này.

Xin ông chia sẻ quan điểm của trường khi đề nghị nâng cấp đào tạo lên bậc cao đẳng?

ThS Ngô Lê Thắng: Trong Đề án “Chiến lược phát triển Trường TC nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030” trình Bộ VHTTDL, Trường đã khẳng định đây là một yêu cầu rất cấp thiết để giải quyết những bất cập trong công tác đào tạo của ngành xiếc Việt Nam. Hiện nay ngành xiếc đang tồn tại một thực trạng đã tạo nên những bất cập dai dẳng trong suốt mấy thập kỷ qua, đó là sự bất cập giữa trình độ cao và bằng cấp thấp, dẫn tới những thiệt thòi cho nghệ sĩ xiếc khi xếp lương công tác (lương diễn viên hạng IV); giữa thời gian đào tạo dài và tuổi nghề ngắn, giữa nhu cầu nâng cao trình độ đào tạo mà không có cơ sở đào tạo bậc cao đẳng, sự bất cập giữa nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sáng tác, huấn luyện đạo diễn tác phẩm nghệ thuật...

Yêu cầu tuyển chọn đào tạo lại ngặt nghèo, những người làm công tác tuyển nguồn cũng như thí sinh đăng ký dự tuyển đều phải chấp hành nghiêm ngặt yêu cầu của việc tuyển chọn từ tiêu chuẩn về diện mạo, hình thể, tỷ lệ cân đối của cơ thể, không có dị tật, bệnh lý đến năng khiếu... Khi đã qua được những “cửa” đó, các em mới chỉ được coi là vượt qua giai đoạn đầu.

Thực tế khi trúng tuyển đến khi nhập học, vì nhiều nguyên nhân số lượng học sinh cũng sẽ “rơi rụng” nhiều, quá trình tập luyện, phát triển, rèn luyện, một số em không đáp ứng được yêu cầu nên tiếp tục bị đào thải. Năm học 2018-2019, trong số 6.473 thí sinh đăng ký dự tuyển ban đầu, qua 3 vòng tuyển sinh, Trường mới tuyển được 40 em học sinh cho Khóa 40, niên khóa 2019-2024. Việc nâng cấp hệ cao đẳng sẽ giúp cho đầu vào tuyển sinh xiếc đa dạng, dồi dào hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều hơn nữa sự lựa chọn tài năng để nâng tầm cho ngành xiếc VN. Mặt khác, trong chức năng nhiệm vụ đào tạo của trường, lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng đã rất quan tâm cho trường mở các chuyên ngành đào tạo biểu diễn nghệ thuật khác. Nếu nâng cấp hệ cao đẳng, trường sẽ đào tạo đa hệ, đa chuyên ngành nghệ thuật phù hợp với nhu cầu của xã hội và thu hút nhiều thí sinh đến dự tuyển hơn.

Phó hiệu trưởng điều hành Trường TC nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ VN Ths Ngô Lê thắng làm việc với chuyên gia nước ngoài về kế hoạch đào tạo

Việc nâng cấp lên hệ cao đẳng đòi hỏi Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN phải có những đổi mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo, liệu trường đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên?

- Để chuẩn bị nâng cấp đào tạo hệ cao đẳng, các đời lãnh đạo gần đây của trường đều đã có những bước chuẩn bị nhất định. Hiện nay, lực lượng giáo viên giảng dạy của trường đều đã đạt tiêu chuẩn giảng viên của hệ cao đẳng. Chỉ có 8 giáo viên trẻ mới được tuyển vào trường năm 2018, họ là lớp diễn viên trẻ của trường giữ lại đào tạo nguồn đã đạt được rất nhiều thành tích với những giải thưởng lớn trong các cuộc thi và liên hoan xiếc chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Lớp giáo viên trẻ này đang học cuối năm thứ 3 khóa đào tạo “Đạo diễn sân khấu chuyên ngành Xiếc” theo đề án liên kết giữa Trường TC nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN với ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Những năm gần đây, Trường cũng đã được Bộ đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng cho công tác đào tạo cũng như biểu diễn nghệ thuật xiếc. Khu huấn luyện kỹ năng thực hành xiếc cao 9 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng gần 6.000m2 được xây mới với 4 sàn tập lớn, hệ thống trang thiết bị hiện đại đáp ứng mọi tiêu chuẩn của công tác đào tạo xiếc và một số chuyên ngành tạp kỹ khác. Liền với khu huấn luyện mới là sân khấu tròn không chỉ đáp ứng cho học sinh năm cuối tập luyện tiết mục tốt nghiệp mà còn đáp ứng cho yêu cầu biểu diễn nghệ thuật xiếc một cách chuyên nghiệp.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã rất quan tâm tới việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị cho trường nên đã cùng với ban giám hiệu nhà trường cùng các cục, vụ chức năng thống nhất chủ trương cho trường sửa chữa, nâng cấp nhà tập chính( sân khấu tròn), xây mới một khu nhà đa năng cho hiệu bộ các phòng ban trong trường và học văn hóa, nhà ăn, các dịch vụ phục vụ học sinh của trường nhằm đáp ứng nhu cầu.

Thưa ông, làm thế nào để đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu, nâng cao hệ thống lý luận trong công tác giảng dạy?

- Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng tài năng, đáp ứng sự phát triển chung cho ngành xiếc Việt Nam hội nhập với thế giới, công tác nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy của trường được Ban giám hiệu chúng tôi đặc biệt chú trọng quan tâm. Chủ động trong việc thu hút các giảng viên ở trong và ngoài nước đến giảng dạy tại trường. Mời các nhà giáo, các NSND, NSƯT, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng tham gia vào công tác đào tạo và nghiên cứu của Trường. Một trong những đổi mới trong phương pháp giảng dạy đối với công tác đào tạo diễn viên xiếc, chúng tôi hướng tới phát huy tích cực sự chủ động, sáng tạo của người học. Trước đây, học sinh được đào tạo mang nhiều tính thụ động, thầy giáo bảo sao thì làm đúng như vậy, chúng tôi muốn đặt những viên gạch đầu tiên vào ý thức chủ động sáng tạo cho học sinh để thổi vào tư duy sáng tạo cho các em ngay từ trên ghế nhà trường.  

THÚY HIỀN (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top