Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ chia sẻ tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI

Thứ Tư 27/11/2019 | 22:00 GMT+7

VHO - Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN)  đã khép lại sau 5 ngày sôi động.Phóng viên Báo Văn hóa đã ghi nhận những chia sẻ của các đạo diễn, nghệ sĩ, giám khảo xung quanh LHP VN lần thứ XXI.

Họa sĩ - TS nghệ thuật học Đỗ Lệnh Hùng Tú: Đã hướng tới việc không để phim chỉ tuyên truyền một vài ngày tại LHP rồi cất vào kho
Điện ảnh Việt Nam nếu nói bước vào thời kỳ đổi mới, có thể nói từ năm 1986 cùng với chủ trương đổi mới của đất nước. Nhưng thật ra sự thay đổi của điện ảnh thì tính từ năm 2000, thời điểm diễn ra kỷ nguyên số, lúc này phương thức sáng tác điện ảnh cũng thay đổi, kể cả tư duy sáng tác. Rất nhiều tác giả trẻ với các phương tiện kỹ thuật tốt, âm thanh hình ảnh hiện đại hơn cũng đã làm chất lượng phim tăng lên. Với việc hợp tác với nước ngoài cũng đã làm cho điện ảnh khởi sắc. 

LHP lần thứ XXI lại chứng tỏ một điều các hãng phim do Nhà nước đặt hàng và các hãng phim tư nhân cùng bước vào để sản xuất các tác phẩm điện ảnh, đây là một điều đáng mừng. Bởi vì 3 năm trước chỉ có các hãng phim tư nhân tham gia phim thôi, không có vai trò của Nhà nước, Nhà nước gần như buông bỏ sự kiện này không đầu tư, nhưng ở LHP năm nay chúng ta thấy các phim do Nhà nước đặt hàng các hãng phim, và hướng tới việc không để phim đó chỉ sản xuất, tuyên truyền một vài ngày tại LHP rồi cất vào trong kho, mà đặt hàng các bộ phim mang hơi thở của đời sống và có thể tiếp đi vào được công chúng khán giả. Theo tôi đây là một điều đáng ghi nhận mà Nhà nước cần nên phát huy. Ngoài ra, để cho phim phát triển chuyên nghiệp, thì Nhà nước cần đầu tư các trường quay ở cấp quốc gia, ở các tỉnh, thành khác nhau để có những trường quay, bối cảnh, có thể là cảnh thiên nhiên được cải tạo để phục vụ cho bối cảnh phim ở các thời kỳ khác nhau. Nếu có các trường quay ở cấp quốc gia, chúng ta không những có được bối cảnh quay phim một cách phong phú phục vụ điện ảnh mà các khu vực trưng bày này cũng như các bảo tàng về văn hóa, di sản để có thể truyền lại cho đời sau. 


NSND - Nhạc sĩ Trọng Đài: Hai dòng phim đều hướng đến công chúng và có chất lượng nghệ thuật
Theo dõi những bước đi của điện ảnh Việt Nam cũng như xem qua 16 phim truyện dự thi tại LHP năm nay tôi thấy rất phấn khởi. Các nhà làm phim có nỗ lực lớn, hai dòng phim đều hướng đến công chúng và có chất lượng nghệ thuật, đây là một thành công lớn. Ngày xưa những phim đặt hàng thực hiện nhiệm vụ thường mang tính vĩ mô, nhưng qua đây nhiều người đã có cái nhìn khác. Bên cạnh đó thì dòng phim thị trường đã rất nỗ lực trong việc làm phim có chiều sâu... Những vấn đề của xã hội được các đạo diễn khai thác ở các góc nhìn khác nhau. 

Có những quan điểm cho rằng đề tài dễ dãi quá, đơn giản quá thì không hay, nhưng theo tôi không phải như vậy. Từ những câu chuyện bình thường mà mình phát triển nó ra, đó là những mảnh ghép của cuộc đời. Mình có quan niệm là hãy làm phim bằng trái tim chân thành và làm sao chạm được trái tim người xem, đây chính là chân lý, làm phim phải cho khán giả run cảm. Nhưng điều này rất khó, phải là những người có “hoa tay” thật sự, điện ảnh chọn họ thì họ sẽ làm được điều đó. Có những kịch bản về cấu tứ nếu để bình thường thì không có gì đặc sắc nhưng nếu biết bóc tách nó lên, “gãy” nó ra thành cái rung động. Ngược lại có những kịch bản hay nhưng nếu bàn tay làm không khéo thì sẽ hư mất. Thông điệp thì rất hay nhưng mà thực tiễn thì không phục vụ được người xem. Điện ảnh là ngành công nghiệp, kịch bản có tốt cỡ nào mà thiếu yếu tố kỹ thuật để chắp cánh cho nó thì cũng rất là khó. Tuy vậy thời buổi bây giờ về mặt thiết bị, hậu kỳ cũng như các yếu tố kỹ thuật, công nghệ hỗ trợ tương đối tốt, đây không còn là vấn đề lớn nữa. 

NSND - Đạo diễn Phạm Minh Trí: Chỉ tiếc là phim chính luận không dày đặc như mong đợi
Nền điện ảnh Việt Nam đã đi qua rất nhiều chặng đường gian khó, từ thời kỳ mở cửa và nhất là thời gian gần đây nền điện ảnh Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, một giai đoạn mà cơ chế thị trường với rất nhiều hãng phim xuất hiện đã làm phong phú và đa dạng về màu sắc thể hiện trong nội dung. Và nó có điều kiện hơn để giới thiệu với công chúng, bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam. Phải nói rằng sự phát triển đa dạng của điện ảnh cũng có sự ưu việt và có những vấn đề mà chúng ta phải điều chỉnh và phát huy hết sức mạnh của nó. 


Hiện nay phim ngoại vào Việt Nam rất nhiều, nếu Nhà nước mà không có những chinh sách hỗ trợ tích cực về nhiều mặt thì điện ảnh sẽ gặp khó khăn, khó cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng hiện nay nên có những điều chỉnh về Luật Điện ảnh để hỗ trợ cho ngành này và hi vọng sẽ xuất hiện một quỹ điện ảnh để giúp điện ảnh phát triển hơn nữa. 
Liên hoan phim năm nay có đầy đủ các thể loại, phim hoạt hình, phim tài liệu, phim truyện, chỉ tiếc hiện nay một số phim chính luận của điện ảnh Việt Nam trước đây không dày đặc như mong đợi. Nếu khắc phục được điều này trong LHP tiếp theo thì điện ảnh sẽ có sự phát triển cân đối hơn. Ở mảng phim tư nhân họ có rất nhiều nỗ lực về chất lượng và nội dung vì họ đầu tư lớn, cách làm việc rất hiện đại, thậm chí họ có thể thuê các chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ các khâu kỹ thuật. Nhiều đạo diễn ở các hãng phim tư nhân họ cũng xả thân lắm, muốn thể hiện hết năng lực của mình, nếu so sánh trong khu vực thì điện ảnh Việt Nam không ngại trong việc cạnh tranh về chất lượng. 

NSND Thành Lộc: Tôi nghĩ sẽ khó khăn cho hội đồng nghệ thuật trong việc chọn Bông sen Vàng
Qua các kỳ liên hoan dù không tham dự trực tiếp nhưng cũng có theo dõi thì tôi thấy mỗi mùa liên hoan, tính tích cực thể hiện rõ nét hơn. Nếu như ngày xưa những bộ phim mang tính thị trường không chen chân vào nghệ thuật, thì nó lại có một sự nghịch lý là những bộ phim đạt giải cao trong LHP lại không bán vé được, không tiếp cận được với công chúng, mặc dù bản thân tôi xem thì thấy rất là hay nhưng mà công chúng lại không đón nhận nhiều, hoặc kế hoạch quảng bá để phim đến được với công chúng không có. Tôi nghĩ đây là do cách làm còn chưa được tích cực của hệ thống phim sản xuất theo hệ thống Nhà nước. Còn những bộ phim của tư nhân phát hành thì họ rất mạnh về truyền thông nhưng thường khó đến được các giải thưởng tại LHP. Điều này cũng đúng thôi bởi vì dòng phim đi quá nhiều về giải trí thì nó khó đạt sự công nhận về mặt nghệ thuật...

NSND Thành Lộc (phải) cùng các nghệ sĩ tại LHP Việt Nam lần thứ XXI

Tuy nhiên, càng về sau thì những đơn vị sản xuất dòng phim giải trí vẫn cố gắng dung hòa được cả hai yếu tố, vẫn có thể đến được với công chúng và có những sản phẩm có giá trị cao về nghệ thuật, đó là điều rất tốt, truyền được cảm hứng cho người làm nghề và công chúng... Do đó mà nhìn lại 16 phim tham dự LHP lần thứ XXI này, tôi nghĩ sẽ là việc khó khăn cho hội đồng nghệ thuật, cho ban giám khảo trong việc chọn ra Bông sen Vàng. Vì để chọn ra được tác phẩm có thể dung hòa được hai yếu tố này là việc không dễ, và tôi nghĩ nếu LHP làm được như vậy thì con đường đi của điện ảnh Việt Nam mới thật sự có giá trị. 

Thùy Trang (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top