Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Không có bộ đề minh họa: Có ảnh hưởng tới việc ôn tập thi tốt nghiệp?

Thứ Sáu 27/12/2019 | 11:18 GMT+7

VHO- Đó là câu hỏi cũng là vấn đề rất được nhiều học sinh và giáo viên quan tâm khi năm nay theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ không xây dựng và công bố đề minh họa vì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ giữ ổn định về cơ bản như năm 2019.

Thí sinh dự thi THPT 2019 tại điểm thi THPT Phạm Ngũ Lão, huyện Ân Thi, Hưng Yên

Trong khi vào thời điểm này năm ngoái, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi minh họa các môn thi để giáo viên và học sinh có thể tham khảo.

Bên lo lắng, bên “hoan nghênh”

Thông tin Bộ không xây dựng đề thi minh họa như các năm trước đã nhận được nhiều ý kiến lo ngại thậm chí hoang mang từ giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nhiều người lo lắng tới chất lượng và hiệu quả của việc ôn thi tốt nghiệp khi không có bộ đề mẫu. Một học sinh trường THPT Phúc Lợi (Long Biên- Hà Nội) chia sẻ, các năm trước khi có đề minh họa thì thí sinh sẽ biết cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng câu để định hướng cách làm bài, phân bố thời gian làm bài thích hợp, từ đó có kế hoạch ôn thi theo từng nhóm kiến thức dựa vào cấu trúc đề thi.

Năm nay không có bộ đề mẫu, học sinh của trường lo ngại việc ôn tập bị xáo trộn và khoảng kiến thức ôn tập phải mở rộng, dàn trải. Nhiều giáo viên nhất là giáo viên bộ môn cũng có chung nỗi lo với học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu H, giáo viên trường THPT Phúc Lợi cho rằng, khi ôn thi không có những cơ sở định hướng cụ thể thì sẽ gây ra những áp lực nhất định đối với cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt, với một số môn học có chương trình lớp 11 và lớp 12 tương đối độc lập với khối kiến thức rất rộng thì việc định hướng cấu trúc đề thi, nội dung khoanh vùng kiến thức càng cần thiết đối với việc ôn tập.

Thế nhưng nhiều giáo viên và học sinh lại có quan điểm khác. Họ cho rằng không có đề thi minh họa cũng không ảnh hưởng lớn tới quá trình ôn thi tốt nghiệp của học sinh. Nếu học sinh muốn có kết quả tốt phải chủ động có kế hoạch ôn tập ngay từ đầu cấp học chứ không phải dựa vào khoanh vùng kiến thức để ôn tập. Như môn Anh văn chẳng hạn, học sinh sẽ phải ôn lại tất cả kiến thức từ lớp 10-12. Một hiệu trưởng trường THPT tại quận Thanh Xuân- Hà Nội khẳng định, không phải đợi có đề thi minh họa thì trường mới có kế hoạch ôn thi mà trong năm, nhà trường đã phải thiết kế thời lượng học tập phù hợp với chương trình và chuẩn kĩ năng kiến thức để chuẩn bị kì thi THPT quốc gia sắp tới.

PGS Trần Tuấn N, một cán bộ quản lý giáo dục lâu năm cho rằng, từ vài năm nay việc Bộ GD&ĐT xây dựng và công bố bộ đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia đã tạo thói quen chờ đợi mẫu đề cho việc ôn tập và khi không có bộ đề mẫu thì nhiều người có tâm lý lo lắng. Đó là một sự ỷ lại và cũng là mầm mống của việc học tủ cần loại bỏ. Cũng theo vị cán bộ này, học sinh thay vì chờ đợi đánh giá, dự đoán mức độ dễ và khó của đề thi, vùng kiến thức của đề thi thì hãy chủ động có kế hoạch ôn tập tổng thể, ôn tập sâu theo mục tiêu đã định.

Cứ tham khảo bộ đề những năm trước

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để nhận biết cách thức ra đề của năm 2020 và có hướng ôn thi phù hợp. Lãnh đạo nhiều trường THPT cho hay, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập nhiều vòng cho học sinh. Theo đó, thầy và trò sẽ bám đề thi năm trước để ôn tập...

Theo cách hiểu của học sinh và giáo viên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong số này, chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kể cả với môn Toán dù đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hình thức thi môn này. Và Bộ GD&ĐT vẫn chủ trì, chỉ đạo các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh, việc chấm bài thi tự luận vẫn do các sở GD&ĐT đảm nhận. Với những khó khăn có thể phát sinh từ việc không có bộ đề thi minh họa, nhiều giáo viên cho rằng, nếu năm nay Bộ không ra đề minh họa thì cũng cần thông tin rõ định hướng, cấu trúc đề thi để giáo viên, học sinh biết cần dựa vào đề nào để ôn tập. Ngoài ra, học sinh còn lo lắng liệu năm nay có thi vào kiến thức lớp 11 hay không vì đa số đề các môn năm trước có 90% kiến thức lớp 12, 10% lớp 11, còn đề thi Ngữ văn năm trước nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12.

Đại diện một nhóm phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT năm nay đề đạt nguyện vọng, để chuyện thi cử không còn là chuyện đánh đố, “bắt bí” học sinh, việc ra đề thi và những chuyện xung quanh việc ra đề như bộ đề minh họa cần được Bộ GD&ĐT tiến hành với tính chuyên nghiệp cao, chất lượng cao...và không nên xáo trộn nhằm giảm thiểu những phiền phức, những phương hại không đáng có, đối với các thí sinh tham gia kỳ thi PTTH năm nay và cả những năm sau này.

QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top