Nhiều chính sách được áp dụng sau tuyên bố đại dịch

VHO- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là đại dịch toàn cầu và nhận định rằng “dịch Covid-19 đã tới giai đoạn có thể gọi là đại dịch”.

Nhiều chính sách được áp dụng sau tuyên bố đại dịch - Anh 1

  Covid-19 đã lan rộng ra hơn một trăm quốc gia và vùng lãnh thổ

Trước tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, nhiều biện pháp gấp rút đã được đưa ra áp dụng tại nhiều quốc gia để đối phó với dịch Covid-19. 
Hỗ trợ viện phí 
Chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ và nhiều cơ sở công nhằm hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh số người lây nhiễm tăng lên, tính từ đầu tuần tới thời điểm hiện tại số người nhiễm bệnh đã tăng gấp 10 lần lên trên 500 trường hợp. Còn tại Mỹ, sáng 12.3 (theo giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ mọi chuyến bay từ các nước châu Âu, ngoại trừ Anh, trong vòng 30 ngày. Trong bài phát biểu được truyền trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Trump cho biết lệnh cấm có hiệu lực từ hôm nay 13.3. Ngoài ra, ông Trump cũng hối thúc Quốc hội thông qua các biện pháp giảm thuế trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Tại thủ đô Paris (Pháp), nhiều chính sách đã được áp dụng như: “Bạn vẫn được trả lương đầy đủ trong khi bận chăm sóc một đứa trẻ bị cách ly. Bạn hoàn toàn có quyền không phải đi làm nếu bạn sợ bị lây nhiễm bệnh ở nơi công sở. Hỗ trợ các hoá đơn viện phí trong vòng 6 tháng”. Không chỉ tại Pháp, nhiều quốc gia tại châu Âu cũng đang áp dụng các chính sách xã hội này nhằm có lợi cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 
Nhiều tỉ USD giúp doanh nghiệp và người dân 
Nhiều nhà phân tích nhận định những chương trình hỗ trợ từ chính phủ trong lúc này đóng vai trò rất quan trọng khiến người dân an tâm và như “một loại vắc xin hữu hiệu” chống lại nỗi sợ hãi lớn hơn dịch bệnh. Bởi người dân bớt đi nỗi lo lắng với những hoá đơn viện phí, tiền thuốc cao ngất ngưởng, nhất là khi dịch bệnh đang khó kiểm soát tại nhiều quốc gia. Ansgel Talavera, nhà kinh tế tại Oxford Economics ở London (Anh) chia sẻ: “Nếu ở Mỹ, tôi sẽ lo lắng hơn về chi phí khám chữa bệnh. Nhưng đối với người châu Âu, đó không phải là điều đáng lo ngại”. Italia cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,5 tỉ USD) để giúp các doanh nghiệp và gia đình bị Covid-19 tấn công, vượt qua mức hỗ trợ 900 triệu euro được công bố trước đây. Tại Đức, Pháp, Đan Mạch và Hà Lan, nơi người lao động có quyền hưởng lương đầy đủ trong những ngày điều trị bệnh. Một số trường hợp có thể kéo dài ít nhất 6 tuần, nếu người bệnh bị ốm sốt và bị yêu cầu cách ly. Ở Pháp, nhân viên cũng có thể xin nghỉ phép mà không bị trừ lương hay bị phạt, nếu như họ nhận thấy sức khỏe và sự an toàn của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng. Còn tại Đan Mạch, chính quyền cho biết các bậc cha mẹ có thể nghỉ tới 52 tuần để chăm sóc một đứa trẻ bị bệnh nặng dưới 18 tuổi. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố rằng hệ thống thanh toán viện phí của đất nước này sẽ chi trả từ ngày đầu tiên nằm viện cho những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19, thay vì ngày thứ tư như đối với các bệnh khác. 
Còn hãng Lufthansa, một trong những tên tuổi hàng không lớn nhất châu Âu cũng vừa công bố sẽ hủy tới 23.000 chuyến bay trong vòng một tháng tới do dịch bệnh Covid-19. Các chuyến bay này nằm trong khoảng từ ngày 29.3 – 24.4 , điều này sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến hành khách ở các khu vực châu Âu, châu Á và Trung Đông. Lufthansa cũng cho biết sẽ còn có thêm nhiều chuyến bay nữa có thể bị hủy trong thời gian tới do lo ngại dịch. Mặc dù, hãng Lufthansa cũng cho biết việc huỷ chuyến bay sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành hàng không trong năm nay. 

 BÌNH PHƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc