“Đóng cửa” vì không có khách

VHO- Mặc dù khách đã huỷ gần hết, doanh thu không có, dùng quỹ dự phòng để trả lương nhân viên, duy trì hệ thống, trả lãi ngân hàng… nhưng các khách sạn, cơ sở lưu trú vẫn hết sức nỗ lực trong việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và người lao động, đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu.

“Đóng cửa” vì không có khách - Anh 1

 Khách sạn Pearl River Hội An đóng cửa vì càng làm càng lỗ

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Hà Nội gặp khó khăn, thách thức trong kinh doanh. Không chỉ khách sạn vừa và nhỏ đang chịu ảnh hưởng nặng nề trước đại dịch Covid-19 mà ngay cả các cơ sở lưu trú của các tập đoàn khách sạn lớn ở Hà Nội như: Intercontinental, Sheraton, Sofitel Legend, Metropole, Pan Pacific Hanoi… cũng bị khủng hoảng. Bà Nguyễn Hạnh Linh, Trưởng phòng truyền thông khách sạn Pan Pacific Hanoi cho biết: “Hiện tại, công suất phòng của khách sạn chỉ đạt 30%. Tuy nhiên, khách sạn chúng tôi không cắt giảm nhân sự mà giảm chi phí bằng những hình thức khác, như thực hiện gói giảm giá phòng, đẩy mạnh dịch vụ đồ ăn nhanh và nhân viên được điều động sang làm ca. Vì thế, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc miễn giảm thuế và đóng bảo hiểm cho người lao động”.

Ông Trần Việt, chủ một khách sạn 4 sao Boutique 48 phòng ở Hà Nội cho biết: “Khách sạn đã tạm thời đóng cửa vì không có khách, nhân viên được hỗ trợ 2 triệu đồng/ tháng trong thời gian tạm nghỉ. Hiện nay, chúng tôi đã phải dùng quỹ dự phòng để trang trải các chi phí duy trì hệ thống, hỗ trợ nhân viên. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khó mà duy trì được. Chúng tôi may mắn không phải thuê mặt bằng, nhiều người còn phải đàm phán với chủ nhà để giảm giá nếu thuê tiếp mới có thể tiếp tục kinh doanh”.

Đóng cửa khách sạn từ ngày 23.3, ông Quốc Khánh, chủ đầu tư của Pearl River Hoian hotel and spa (TP Hội An, Quảng Nam) cho biết, mình đang phải làm cả chủ đầu tư, điều hành, nhân viên hành chính lẫn bảo vệ. Cả khách sạn hơn 50 phòng chuyên đón khách từ thị trường Âu, Mỹ, Úc giờ do dịch bệnh bùng phát khắp thế giới đã không còn khách nào. “Càng sáng điện càng lỗ nên tôi quyết định đóng cửa. Tạm nghỉ một thời gian cũng được, nhưng điều chúng tôi trăn trở nhất là không lo được cho nhân viên. Tất cả nhân viên đều đã tạm nghỉ, tôi đang làm thủ tục để họ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mong rằng sau khi kinh doanh trở lại, họ lại quay về với chúng tôi”, ông Quốc Khánh nói. Ông Quốc Khánh giãi bày thêm: “Doanh nghiệp tôi đến nay cả các khoản vay trung hạn và ngắn hạn chỉ còn khoảng 10 tỉ đồng, vẫn còn cố được chứ những khách sạn xây dựng cả trăm tỉ, vay đến 60-70% phải đóng cửa thời gian này thì tiền đâu trả ngân hàng. Nếu cứ chờ theo yêu cầu của ngân hàng đến khi có hướng dẫn cụ thể, có khi “nước” tới nơi thì doanh nghiệp đã “chết khát” rồi. 

 THUÝ HÀ - ĐINH THAO

Ý kiến bạn đọc