Thể thao Việt Nam trong đại dịch Covid-19: Mùa của sự lan tỏa yêu thương

VHO- Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của thể thao Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2020. Các giải đấu trong nước và quốc tế đang tạm hoãn khiến kế hoạch tập luyện và thi đấu của các VĐV bị đảo lộn.

Thể thao Việt Nam trong đại dịch Covid-19: Mùa của sự lan tỏa yêu thương - Anh 1

 Các VĐV, HLV thể thao Việt Nam là nhịp cầu nối giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng Ảnh: BTC “XIN CẢM ƠN”

Trong hoàn cảnh đó, các VĐV, HLV và “đại gia đình” Thể thao Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm xã hội, là cầu nối làm lan tỏa những giá trị nhân văn trong mùa dịch, tạo hiệu ứng mạnh mẽ và nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Trao yêu thương để sẻ chia

Khi các giải thể thao tạm ngưng vì dịch Covid-19, các VĐV, HLV đều phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Trong thời gian cách ly, hầu hết các VĐV phải tự tập duy trì thể lực và cảm giác, việc phải tập “chay” khiến các VĐV gặp nhiều khó khăn khi trở lại thi đấu. Với các HLV, những phương án, kế hoạch đang nằm trên giấy và chỉ có thể thực hiện khi dịch bệnh đã qua đi. Riêng những môn tập thể, đặc biệt là bóng đá, các cầu thủ, HLV còn đối mặt với việc giảm lương. Khó khăn là vậy nhưng khi Tổ quốc cần thì những VĐV, HLV sẵn sàng trở thành những “chiến sĩ” và khi người người, nhà nhà chung tay chống dịch thì họ cũng sẵn lòng xung phong “ra trận”.

Từ môn thể thao “vua” đến những môn võ, từ những môn Olympic đến những môn ít phổ biến, từ các tuyển thủ đến các cầu thủ nghiệp dư, từ các VĐV trọng điểm đến những tài năng trẻ… bằng cách nào đó, họ đã trao đi những thông điệp ý nghĩa, đầy thực tế trong mùa dịch giúp mọi người nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe trước sự lây lan của dịch bệnh. Những thành viên trong “đại gia đình” Thể thao Việt Nam đã làm lan tỏa những thông điệp như: “Đeo khẩu trang đúng cách”, “rửa tay thường xuyên”, “hãy ở nhà”, “hạn chế ra đường”, “thành thật khai báo bệnh tình”, hay “tập thể thao nâng cao sức đề kháng”… từ đó góp phần tạo nên nhận thức xã hội để phòng, chống dịch. Người ta thấy thầy trò HLV Park Hang-seo thách đố nhau rửa tay đúng cách; Hoàng Quý Phước và những đồng đội tuyển bơi Việt Nam nhắn nhủ mọi người “hãy ở nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết”; Lê Tú Chinh cùng các thành viên tuyển điền kinh TP.HCM kêu gọi mọi người tự tập thể dục thường xuyên trong mùa dịch để có sức đề kháng…

Họ - những VĐV, HLV đã tiên phong trong việc sẻ chia cùng cộng đồng bằng những hành động thiết thực. HLV Park Hang-seo cùng các học trò như: Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Anh Đức, Bùi Tiến Dũng đã ủng hộ tiền, thành lập Quỹ quyên góp, tặng khẩu trang… Các VĐV, HLV Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội quyên góp 200 triệu đồng để trao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, tay vợt Lý Hoàng Nam tiên phong ở môn quần vợt khi quyên góp hơn 30 triệu đồng ủng hộ Quỹ chống dịch Covid-19… và cùng với đó còn rất nhiều VĐV, HLV khác đã có những đóng góp âm thầm.

Kết nối để lan tỏa

Những thành viên của “đại gia đình” Thể thao Việt Nam, đặc biệt là giới cầu thủ và các VĐV từng đạt thành tích cao, sự nổi tiếng và ảnh hưởng của họ chẳng thua kém gì các ngôi sao Showbiz, những thông điệp, hành động của họ có tác động lớn đến mọi người. Và khi cả nước cùng chung tay chống dịch, xã hội cần lan tỏa những giá trị nhân văn, thiết thực thì họ chính là nhịp cầu nối hiệu quả nhất.

Chiến dịch “Xin cảm ơn” do đơn vị tổ chức giải thưởng “Cúp chiến thắng” khởi xướng trên toàn quốc kêu gọi mọi người cùng hành động, sát cánh với các y, bác sĩ nơi tiền tuyến chống Covid-19 mới đây đã thành công tốt đẹp. Chiến dịch này được sự đồng hành của các VĐV, HLV thể thao Việt Nam trong việc kêu gọi mọi người hành động, quyên góp tiền, hiện vật để tri ân những người nơi tuyến đầu chống dịch. Mỗi VĐV, HLV là những nhịp cầu để tạo cây cầu lớn kết nối chiến dịch với cộng đồng. “Mùa dịch, nếu không thể đóng góp bằng sức thì hãy đóng góp bằng vật chất để chung tay cùng mọi người để sớm chặn đứng lại dịch bệnh. Đất nước mình còn khó khăn, lại cách ly với số lượng người lớn như vậy thì kinh tế thiệt hại rất nhiều. Trách nhiệm của người công dân là cùng xã hội vượt qua khó khăn này”, HLV TDDC Trương Minh Sang chia sẻ. Nhà vô địch Boxing Việt Nam vừa giành đai WBA Châu Á - Trương Đình Hoàng nhắn gửi: “Họ đang chiến đấu để giành giật từng mạng sống, từng hơi thở của đồng bào khỏi tay thần chết. Hãy tỏ lòng biết ơn. Bằng hành động hãy thể hiện trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng, hãy truyền lời cảm ơn này tới khắp mọi nơi”. Những việc làm của các VĐV, HLV Thể thao Việt Nam tuy nhỏ nhưng đã kết nối và tạo sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng. Ban tổ chức chiến dịch đã rất xúc động khi nhận 2 triệu đồng từ một cán bộ lão thành cách mạng 95 tuổi ở Đông Anh (Hà Nội) hay phong bì trị giá 240.000 đồng của 12 học sinh lớp 10 tại một trường THPT ở TP.HCM.

Sau “Xin cảm ơn”, hàng loạt các VĐV, HLV Việt Nam đã tích cực đồng hành cùng Chương trình thu thập đủ 100.000 chữ A ủng hộ trẻ tự kỷ tại Việt Nam được tài trợ bởi một tổ chức của Canada. Những dòng trạng thái của những: Trần Đình Trọng (bóng đá), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Lê Tú Chinh (điền kinh), Lê Thanh Tùng (TDDC), Châu Tuyết Vân (Taekwondo), Phạm Cao Cường (cầu lông)… đã tạo nên sự lan tỏa rất lớn, giúp chương trình thu được 100.000 chữ A sớm hơn kế hoạch ban đầu để những trẻ em tự kỷ tại Việt Nam nhận được gói tài trợ 200 triệu đồng. 

 LÊ HOÀN

Ý kiến bạn đọc