Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đừng để cảng Chân Mây phải... "tỏa cảng"

Thứ Hai 20/04/2020 | 11:31 GMT+7

VHO- Lượng tàu hàng và tàu du lịch cập Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ngày càng tăng khiến việc đón tàu bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, bởi dự án bến số 2 và bến số 3 của cảng này dù đã được khởi công từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành để đưa vào hoạt động nhằm giảm tải cho cảng.

 Dự án bến số 2 và bến số 3 cảng Chân Mây vẫn đang còn ngổn ngang, chậm tiến độ

Chân Mây là cảng biển nước sâu có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và các vùng lân cận. Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động và chỉ với bến cảng số 1 nên cảng Chân Mây đang quá tải khi lượng tàu hàng và tàu du lịch thông qua cảng ngày càng tăng.

Tàu hàng và tàu du lịch phải cập cảng chung một bến nên ảnh hưởng đến tình hình đón tàu, đón khách và nhiều bất cập khác... Trong năm 2019, theo thống kê đã có 48 chuyến tàu du lịch biển hạng sang cập cảng Chân Mây, đưa gần 120.000 du khách quốc tế đến tham quan danh lam thắng cảnh, di sản Huế và các điểm đến của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, việc sử dụng chung 1 bến cho cả tàu du lịch và tàu hàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian đón nhận khách, và gây ra nhiều bất cập. Đồng thời, điều này cũng gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp có hàng hóa thông qua cảng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Lộc An (trụ sở tại Huế) cho biết, công ty thường xuyên có hàng thông qua cảng Chân Mây, nhưng vì chỉ có bến số 1 mà lượng tàu quá nhiều nên không ít lần tàu chở hàng của công ty phải nằm chờ ngoài biển. Trong khi đó, kinh phí để thuê bốc dỡ hàng hóa, phí bồi tàu thường cho chủ tàu do trễ hợp đồng lên đến hàng chục triệu đồng. Bình quân mỗi năm với khoảng 10 chuyến tàu, công ty phải bù lỗ các khoản phí là rất lớn. Để giải quyết tình trạng quá tải tại cảng Chân Mây, đồng thời mở rộng lượng lưu thông hàng hóa qua cảng, dự án bến cảng số 2 và số 3 đã được khởi công từ nhiều năm qua. Trong đó, bến số 2 do Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư với tổng mức kinh phí gần 850 tỷ đồng; dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2020. Tuy nhiên, hiện công trình vẫn chưa hoàn thành.

Bến số 3 cảng Chân Mây do công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, được thi công từ năm 2015 và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2019 nhưng giờ cũng đang ngổn ngang. Đại diện chủ đầu tư thông tin, do vướng mắc trong việc nạo vét bùn cát và san lấp mặt bằng nên dự án bị chậm. Chủ đầu tư đã phải xin phép UBND tỉnh Thừa Thiên gia hạn thời gian thi công thêm 9 tháng. Dự kiến đến tháng 9.2020 mới có thể hoàn thành. Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong quy hoạch thì cảng Chân Mây có 1 bến dành riêng cho tàu du lịch, còn lại là các bến dành cho hàng hóa (container và hàng rời). Thế nhưng, do chưa đầu tư đủ cơ số bến tối thiểu, chưa đủ lượng hàng hóa để làm bến container nên các bến đang sử dụng đa chức năng để giải quyết nhu cầu hàng hóa trước mắt. Về lâu dài sẽ sắp xếp lại để khai thác phù hợp hơn.

Ngoài ra, cảng Chân Mây cũng đang có hệ thống kho bãi với diện tích gần 13ha cho doanh nghiệp thuê để tập kết hàng hóa trong lúc chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Nhưng việc khai thác bến bãi vẫn chưa đạt hiệu quả. Mới đây, việc Công ty CP LEC Group buộc phải thu dọn mặt bằng và chấm dứt hoạt động của bãi chứa than tại khu vực kho bãi của Cảng Chân Mây. Công ty này đã thuê 7.700 m2 kho bãi để tập kết than nhập khẩu, để cung cấp cho hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành phụ cận. Lo ngại bãi than ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động đón tàu du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế- khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công ty CP Cảng Chân Mây đốc thúc Công ty CP LEC Group thu dọn bãi than, đồng thời chấm dứt hoạt động cho thuê đối với đơn vị này. Không có bãi tập kết, Công ty CP LEC Group buộc phải vào Cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng) để thuê mặt bằng kho bãi và nhập hàng qua cảng này, khiến chi phi vận chuyển tăng lên nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, hiện công ty đang đôn đốc các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, huy động nhân lực, trang thiết bị thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bến cảng số 2 và số 3, đồng thời có văn bản đề xuất các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch thêm điểm tập kết trung chuyển hàng hóa ở khu vực phụ cận cảng (trong đó cần có khu vực lưu kho hàng than nhập khẩu) để đáp ứng yêu cầu vận tải, bốc dỡ hàng hóa nhằm tiết giảm chi phí trong chuỗi cung ứng logistics.

“Khi các bến số 2 và số 3 cùng đi vào khai thác, cảng Chân Mây sẽ có lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 7,4 triệu tấn/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Chương thông tin. 

THÙY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top