Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Phát hiện công trình kiến trúc nền văn minh Maya

Thứ Tư 10/06/2020 | 10:40 GMT+7

VHO- Bằng công nghệ khảo sát tiên tiến LiDAR, các nhà khoa học đã khám phá ra một quần thể di tích khổng lồ có niên đại khoảng hơn 3.000 năm tuổi, bao gồm một chuỗi các kiến trúc cổ, khoảng bục lớn và kim tự tháp.

 Hình ảnh 3D của tổ hợp công trình khổng lồ của người Maya bằng công nghệ LiDAR Ảnh: ABC NEWS

Quần thể di tích này được giới chuyên gia xác nhận là tổ hợp công trình đồ sộ và cổ nhất được khám phá thuộc nền văn minh Maya. Tổ hợp công trình tọa lạc tại khu vực Aguada Fénix, bang Tabasco, Mexico. Theo nhận định của các nhà sử học, đây là nơi khởi nguồn của nền văn minh cổ đại Maya. Khám phá này đã được công bố trên tạp chí học thuật uy tín Nature.

Một nền văn minh đặc sắc

Nền văn minh Maya là nền văn minh cổ đặc sắc bên cạnh nền văn minh Andes, được xây dựng bởi người Maya. Căn cứ vào các di vật khám phá ngày càng phong phú, giới chuyên gia xác định rằng, các quốc gia cổ đại của người Maya đã được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ 1. Phần lớn các quốc gia người Maya bị diệt vong do nhiều nguyên nhân khác nhau vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10. Người Maya không những đã đạt đến một trình độ cao về lĩnh vực xây dựng đất nước mà họ còn phát triển rực rỡ ở các lĩnh vực toán học, kiến trúc, thiên văn học và tính toán thời gian.

Nền kinh tế của người Maya chủ yếu dựa vào nông nghiệp và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như khí hậu. Các sản phẩm trồng trọt của người Maya chủ yếu là ngô, đậu, cà chua, bí đỏ, ca cao... Chăn nuôi được người Maya lấy làm sản phẩm chính sau trồng trọt. Họ chăn nuôi các loại động vật như chó, gà, hươu, nai, chim, ong mật... Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Maya cũng đạt đến một trình độ rất cao. Ngoài ra, người Maya còn biết làm muối với những khu vực rộng lớn và độc đáo.

Người Maya hay còn gọi là Maya cổ đại từng sinh sống trên khắp miền Nam Mexico và miền Trung Mỹ, ngày nay thuộc các quốc gia Guatemala, El Salvador và Honduras. Ở thời kỳ đỉnh cao, được gọi là Classic Maya, kéo dài từ khoảng năm 250 đến 900. Thời kỳ đó, người Maya được cho là có sự phát triển tiên tiến nhất châu Mỹ. Họ đã gây dựng nên cả một nền văn minh với các công trình kim tự tháp được xây bằng những phiến đá.

Một tổ hợp công trình nghi lễ Maya cổ đại lớn nhất được biết đến

Từ lâu các nhà khảo cổ đã nghĩ rằng, người Maya dần dần thay đổi từ một lối sống du canh du cư chuyển sang các khu định cư trong thời kỳ Tiền sử kéo dài từ năm 1.800 trước Công nguyên (TCN) đến năm 250 sau Công nguyên, họ được biết đến với các ngôi làng trong thời Trung cổ từ năm 1.000 đến 400 (TCN). Một khu phức hợp kim tự tháp La Danta trong thời kỳ này cũng được khai quật ở thành phố Preclassic El Mirador với chiều cao 72 mét, chiều rộng 300 mét và chiều dài 500 mét.

Và mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một tổ hợp công trình nghi lễ Maya cổ đại lớn nhất từng được biết đến. Đây là một khoảng bục khổng lồ dài khoảng 1,4 km, rộng 400m và chiều cao từ 10-15m. Qua các thông số từ vật liệu xây dựng, các nhà khoa học đã xác định được công trình nghi lễ này được xây dựng từ khoảng năm 1.000 đến 800 (TCN), điều này chứng minh đây là công trình cổ xưa nhất của người Maya được biết cho đến nay. Các nhà khoa học đã phát hiện ra địa điểm này bằng cách sử dụng kỹ thuật quét laser trên không được gọi là LiDAR, để tạo ra bản đồ 3D của bề mặt bên dưới lòng đất. Hiện giờ, tổ hợp di tích cổ này vẫn bị che phủ bởi rừng cây.

Nhà khảo cổ Takeshi Inomata từ Đại học Arizona cho biết, điều đáng ngạc nhiên là tổ hợp di tích này không được phát hiện trước đây, nó có diện tích khổng lồ đến mức nếu ai đó đi bộ trong công trình sẽ không thể nắm rõ được hình dạng tổng quát của công trình và chắc hẳn không có ai dám nghĩ rằng, đây lại là một công trình do con người xây nên. Nhưng qua công nghệ khảo sát tiên tiến LiDAR, hình dạng tổng quát của tổ hợp di tích được hiển thị một cách rất rõ ràng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, khoảng bục khổng lồ này đã mất 3,2 triệu đến 4,3 triệu mét khối vật liệu để xây nên. Ông Takeshi Inomata chia sẻ thêm, có lẽ công trình này được sử dụng cho các nghi lễ liên quan đến rất nhiều người tham gia. Tại địa điểm này, các cổ vật cũng được tìm thấy như những chiếc rìu ngọc bích.

Ông Inomata và các đồng nghiệp của mình mong muốn tìm hiểu thêm về cách người dân khu vực này chuyển từ lối sống du canh du cư sang khu định cư, từ lúc họ phụ thuộc chủ yếu vào săn bắn và câu cá chuyển sang cuộc sống an cư, phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, để tìm được khu dân cư di động là một thách thức rất lớn, đặc biệt là ở khu vực nhiệt đới. 

 BÌNH PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top