Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Đây là thời điểm khách du lịch "mua" niềm tin

Thứ Sáu 12/06/2020 | 10:22 GMT+7

VHO- Tọa đàm trực tuyến “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu Covid-19”, vừa được Tổng cục Du lịch (TCDL) phối hợp với Tiền Phong tổ chức nhằm thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn để chương trình kích cầu du lịch hiệu quả, thực chất chứ không chỉ hô hào, phát động.

 Khách du lịch có cơ hội đi du lịch với giá rẻ, thuận lợi chưa từng có

 Các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch Việt Nam trở lại nhịp điệu vốn có thời hậu dịch Covid-19.

Để chương trình kích cầu đi vào thực chất

Các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, đại diện các doanh nghiệp du lịch đã tập trung làm rõ ba nhóm nội dung: Điểm lại thực trạng của du lịch Việt Nam, thiệt hại to lớn của ngành do dịch Covid-19 gây ra; doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kích cầu du lịch (hiện tượng thiếu liên kết giữa các ngành và đối tác, mạnh ai nấy làm không có “nhạc trưởng”, phá giá và không đảm bảo chất lượng, một số địa phương chưa mặn mà với việc kích cầu…); đề xuất và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu để chương trình kích cầu du lịch nội địa thực sự đi vào đời sống, đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người dân, du khách.

Từ góc nhìn của chuyên gia lẫn vai trò là doanh nghiệp du lịch, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Thành viên Ban IV, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Minh đã có những phân tích, đánh giá về lợi thế phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Ông cho rằng trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều thuận lợi để phục hồi và phát triển du lịch khi Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phát triển. Tôi tin trong lúc khó khăn này, các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, hợp tác phát triển và cùng thực hiện các kế hoạch truyền thông lan tỏa thông điệp “Yêu du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đồng thời, các khu du lịch địa phương cần cam kết thực hiện các chính sách của Chính phủ thật nhanh, minh bạch, cam kết giữ gìn môi trường du lịch cảnh quan du lịch…

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều thống nhất rằng chỉ có đoàn kết, hợp tác mới có thể đưa doanh nghiệp của mình và ngành thoát khỏi khó khăn hiện nay. Đại diện tập đoàn SunGroup cho biết: Mặc dù mất hàng triệu khách (dự kiến đến cuối năm 2020 giảm 8 triệu khách), tổng lượng khách lẫn doanh thu chỉ đạt 35- 40% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng chúng tôi sẵn sàng gạt đi lợi ích của mình vì sự nghiệp chung. Chúng tôi đang áp dụng những mức giá giảm chưa từng có nhưng gia tăng dịch vụ, gia tăng chất lượng, làm sao để khách du lịch hài lòng nhất.

Trong giai đoạn kích cầu, cùng với việc đảm bảo an toàn, giá là yếu tố mang tính quyết định nên các doanh nghiệp đều giảm giá dịch vụ rất sâu, cao nhất lên đến 50-60% và xác định đây là lúc làm “cầu nối” giữa du khách và điểm đến, qua đó lấy lại lòng tin của khách, tạo khí thế làm việc. Ông Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong cho rằng: “Khách du lịch thời gian này không đơn thuần là mua dịch vụ, mua tour mà quan trọng hơn là “mua” niềm tin. Nếu niềm tin mất thì rất khó lấy lại, giá phá rồi cũng khó xây lại”.

Nhiều lợi thế để phục hồi

Theo ông Trần Trọng Kiên, các thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch đã thảo luận rất nhiều về việc mở cửa lại du lịch quốc tế. TAB cũng đề xuất phải đặt an toàn lên trên hết. “Hiện tại chúng ta đã đạt được thành tích quan trọng về công tác phòng chống dịch, kiểm soát dịch và được thế giới ngợi ca. Đây là một thế mạnh của điểm đến Việt Nam và lợi thế để du lịch phục hồi. Đặc biệt là chúng ta đạt được sự đoàn kết cao. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới kích cầu du lịch nội địa. Mong rằng những thành tựu này không chỉ để tồn tại mà còn tận dụng được để vượt lên khủng hoảng, phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Kiên nêu quan điểm.

Đồng cam cộng khổ, chia sẻ với ngành Du lịch ngay từ khi xảy ra đại dịch và là hãng hàng không luôn sát cánh để thực hiện chương trình kích cầu nội địa, Vietnam Airlines lúc này đã sẵn sàng nguồn lực để ngay khi Chính phủ cho phép, có thể mở ngay các chuyến bay quốc tế đến những thị trường an toàn. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng ban Tiếp thị và Bán sản phẩm của Vietnam Airlines đề nghị với vai trò “nhạc trưởng” trong kích cầu du lịch, TCDL có thể góp ý với Bộ Ngoại giao, các cơ quan truyền thông để lan tỏa tinh thần này và đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch quảng bá Việt Nam an toàn. “Hiện tại, hằng tuần chúng tôi có chuyến bay 1 chiều sang Hàn Quốc. Chúng tôi đang từng bước nâng chất lượng sản phẩm, kể cả chuyến bay trục Hà Nội- TP.HCM thực hiện chuyến bay con thoi, 30 phút đến 1 tiếng là có thể đón chuyến bay đi TP.HCM. Vietnam Airlines có khu vực riêng cho chuyến bay này. Sau đại dịch, chúng tôi tiếp tục sản phẩm này. Khách hàng đến trước 1h khởi hành lên website vẫn đặt được chuyến”, ông Tâm cho biết.

Phó tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc cho biết: Giai đoạn đầu hồi phục chúng ta tập trung kích cầu du lịch nội địa. Giai đoạn 2, vừa phát triển du lịch nội địa và lựa chọn, thống nhất song phương để thí điểm mở lại một số thị trường quốc tế. Ở giai đoạn sau, sẽ xem xét mở rộng thêm các thị trường quốc tế khác. Trong suốt quá trình đó cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến (đặc biệt là theo hình thức online, ứng dụng công nghệ) để gửi thông điệp đến với du khách quốc tế về Việt Nam là điểm đến an toàn, chính sách kích cầu hấp dẫn. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top