Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Đừng để có tủ rượu mà tủ sách thì không

Thứ Sáu 26/06/2020 | 11:16 GMT+7

VHO- Dù đã nhiều lần được nhấn mạnh về tầm quan trọng, nhưng việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình ở nước ta hiện nay vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

 Tủ sách gia đình giúp nâng cao văn hóa đọc Ảnh: ĐỖ TIẾN THÀNH

Có thể thấy, việc phát triển văn hóa đọc ngay từ trong gia đình là vô cùng quan trọng, bởi nó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn cộng đồng.

Cả trăm lý do...

Chị Trần Thanh Thúy (Hàng Bè, Hà Nội) là một nhân viên tư vấn bảo hiểm. Chị cho biết, do đặc thù công việc, chị thường xuyên phải gặp khách hàng ngoài giờ hành chính, nhiều khi cả vào buổi tối và ngày nghỉ. “Có những hôm 9, 10 giờ tối tôi mới được về nhà gặp con. Lúc đó, con cũng đang làm bài tập nên thời gian hai mẹ con cùng đọc sách gần như không có. Cuối tuần, lễ, tết thi thoảng cũng cho con đi hiệu sách. Tuy nhiên, đọc cùng con được vài trang thì bất chợt phải giải quyết việc công ty, hai mẹ con đành ngậm ngùi... xếp sách vào tủ. Bố của bé thì thường phải trực từ tối đến sáng hôm sau nên cũng không có thời gian. Tình trạng này kéo dài, con dần không muốn đọc sách vì không phải thứ gì trong sách viết con cũng hiểu, mà cần phải có sự hướng dẫn của người lớn”, chị Thúy lo lắng chia sẻ.

Không bận rộn như chị Thúy nhưng anh Nguyễn Đình Hiếu (Nhật Tân, Hà Nội) cũng chưa hình thành được thói quen đọc sách cùng con. Làm công việc văn phòng theo giờ hành chính, cũng không bị phát sinh thêm việc ngoài giờ nên anh có nhiều thời gian rảnh rỗi ở nhà vào mỗi tối. Thế nhưng, anh cho hay đi làm về mệt nên lúc trông nom cô con gái 4 tuổi của mình, anh chọn cách đưa điện thoại cho con chơi để được “yên thân”. Nói về lý do làm vậy, anh Hiếu tâm sự: “Thật sự tôi rất muốn đọc sách cùng con vào mỗi tối vì biết rằng để con lớn lên cùng điện thoại không hề tốt. Nhưng vì quá bận bịu với cuộc sống hằng ngày nên tôi đành chọn giải pháp dễ dàng hơn”. Khi được hỏi liệu gia đình có tủ sách hay con có hứng thú với sách không, anh Hiếu lắc đầu im lặng.

Tủ rượu không phải là thước đo...

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL), phát triển văn hóa đọc trong gia đình vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi “nó gần như mới chỉ được chú trọng ở thành phố, đô thị lớn. Biểu hiện bằng việc nhiều nhà có tủ sách, mừng tuổi, tặng quà sinh nhật con bằng sách, cùng con đọc sách vào thời gian rảnh... Nói vậy nhưng không phải gia đình nào cũng làm được điều này. Đối với vùng nông thôn, phát triển văn hóa đọc gian nan hơn rất nhiều. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, các gia đình vì quá tập trung vào kế sinh nhai mà quên mất việc phát triển đời sống văn hóa tinh thần. Đa phần thời gian họ dành để lao động, sản xuất. Nếu hỏi các phụ huynh ở khu vực này một ngày họ có bỏ ra độ vài chục phút để đọc sách không? Câu trả lời gần như 100% là không, chứ chưa nói đến việc họ cùng con đọc sách hằng ngày. Đây là điều phải thẳng thắn nhìn nhận”, bà Ngà bày tỏ.

Trước tình hình này, một giải pháp được bà Ngà đề xuất là các gia đình nên hình thành một không gian đọc trong nhà: “Khả thi hơn cả là các gia đình tự lập tủ sách, không gian đọc riêng tùy vào điều kiện gia đình. Đây là giải pháp rất tiết kiệm nhưng lại giải quyết được bài toán về văn hóa đọc. Có được tủ sách, mỗi phụ huynh sau những giờ làm việc, ngày nghỉ chỉ cần cố gắng bỏ ra khoảng thời gian ngắn để cùng các con đọc sách, trao đổi, hướng dẫn con những kiến thức mới. Đọc sách không hề nặng nề như mọi người nghĩ. Sách là học tập nhưng cũng là thú vui giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng”.

Mặc dù việc mỗi gia đình nên lập tủ sách cho mình được cho là giải pháp rất hiệu quả để tạo lập thói quen đọc sách, nhưng anh Đỗ Tiến Thành (chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam) cho biết, anh chứng kiến nhiều gia đình hiện nay có tủ rượu rất lớn nhưng tủ sách thì không: “Một sự thật đáng buồn là nhiều phụ huynh, nhất là các ông bố lại tập trung cho những thú vui như uống rượu mà không hề đầu tư cho phát triển văn hóa đọc trong căn nhà của mình. Nhiều khi bước chân vào các nhà, tôi thấy tủ rượu vô cùng “hoành tráng” nhưng nhìn mãi không thấy tủ sách nằm ở đâu. Họ cho rằng tủ rượu mới là “thước đo” để thấy mình hơn người và lấy đó làm tự hào. Trong khi sách mới thật sự là giá trị, là niềm vui và tạo ra không gian giáo dục lành mạnh trong gia đình”

Lập được tủ sách nhưng câu chuyện ở đây là phải phát huy được hết tác dụng của nó. Anh Thành cho rằng, cha mẹ phải làm gương cho con cái để các con hình thành được thói quen đọc sách: “Tủ sách không phải để trang trí, cũng không phải là để khoe với mọi người rằng nhà tôi “nhiều chữ”. Làm tủ sách là tạo không gian giúp con trẻ được sống trong môi trường giàu tri thức từ nhỏ. Hơn hết, đọc sách là phương pháp tự học rất quan trọng, giúp trẻ xây dựng nền tảng phát triển tốt về nhân cách, ngôn ngữ và trí tuệ sau này. Để một đứa trẻ hình thành thói quen đọc sách, cần sự nỗ lực rất lớn từ phía cha mẹ. Nếu thói quen đó được hình thành từ khi còn nhỏ, việc giáo dục con cũng trở nên dễ dàng hơn. Cha mẹ khi quá bận công việc cũng sẽ yên tâm vì con sẽ lấy sách trong tủ ra đọc, bỏ qua được mối lo con bị cuốn vào các hình thức giải trí không lành mạnh”. 

 Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, các gia đình ở nông thôn thường chỉ tập trung vào kế sinh nhai mà quên mất việc phát triển đời sống văn hóa tinh thần. Nếu hỏi các phụ huynh ở khu vực này một ngày họ có bỏ ra độ vài chục phút để đọc sách không? Câu trả lời gần như 100% là không, chứ chưa nói đến việc họ cùng con đọc sách hằng ngày. Đây là điều phải thẳng thắn nhìn nhận.

(Bà VŨDƯƠNG THÚY NGÀ, Vụ trưởng Vụ Thư viện)

 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top