Giới thiệu quy trình trùng tu đền tháp Chăm tại Mỹ Sơn

VHO- Ngày 6-7.12, Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức hội thảo với chủ đề “Quy trình kỹ thuật trùng tu phế tích đền tháp Chăm Mỹ Sơn, qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích tháp E7 và nhóm G”.

Giới thiệu quy trình trùng tu đền tháp Chăm tại Mỹ Sơn - Anh 1

 Các học viên tham gia dự án học nghề thực địa tại tháp G

 Hội thảo được thực hiện thực địa tại tháp E7 và nhóm tháp G- được xem như một buổi trao đổi tại hiện trường chuyên sâu về kỹ thuật với sự tham gia, đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã và đang thực hiện công tác trùng tu di tích tại Mỹ Sơn. Qua đó sẽ hướng đến mục đích là thông báo, giới thiệu kết quả bảo tồn, trùng tu tháp E7 khu di tích Mỹ Sơn.

Qua việc đánh giá kết quả bảo tồn, trùng tu tháp E7 và nhóm tháp G sẽ củng cố về phương pháp, khẳng định các quy trình, giải pháp kỹ thuật-vật liệu trùng tu di tích tại Mỹ Sơn nhằm phát huy hiệu quả trùng tu của hai dự án.

Từ năm 2011-2015, Viện Bảo tồn di tích đã triển khai thực hiện dự án trùng tu bảo tồn tháp E7. Dự án là bước thực tiễn hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính do Viện thực hiện, tiếp nối kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu chung với các chuyên gia Italia. Quy trình kỹ thuật, các giải pháp can thiệp đã được thực nghiệm qua thực tế trùng tu, theo phương pháp trùng tu khảo cổ học kết hợp tái định vị, gia cố. Đây là kết quả rất quan trọng thể hiện sự tiếp nối phương pháp trùng tu đã được thực hiện ở nhóm tháp G, đồng thời khẳng định công tác trùng tu các đền tháp Mỹ Sơn sang một giai đoạn mới, ở một cấp độ cao hơn về khoa học.

Ông Phan Hộ, Trưởng ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, thời gian qua, Mỹ Sơn đã có sự hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản với các ban ngành trong nước, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, như Italia, Nhật Bản, Ba Lan, Ấn Độ… Các dự án hợp tác này đều thực hiện theo đúng các quy trình và phương pháp khoa học, tôn trọng tính chân xác của lịch sử đến mức tối đa có thể.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc