Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đình Hoàng Cầu bị “bêu” đập đi xây mới: Không có chuyện chống lại văn bản của Bộ

Thứ Sáu 14/08/2020 | 11:25 GMT+7

VHO- Khi được tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh di tích lịch sử quốc gia đình Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) bị trùng tu theo kiểu “đập đi xây mới”, rồi phá bỏ toàn bộ những nét đẹp cổ kính của ngôi đình, chúng tôi thật sự hoang mang đi liền với câu hỏi: Chẳng lẽ giữa nội đô thành phố lại có chuyện xót xa này sao? 

Các hiện vật giá trị đang được bảo quản cẩn thận tại đình

 Tuy nhiên, phóng viên Văn Hóa đã “tận mục sở thị” di tích để kiểm chứng sự việc thì thấy rằng, đây là những thông tin không chính xác, phần nào đó bịa đặt, gây bức xúc cho người dân, chính quyền địa phương... Hiện tại, dự án tu bổ di tích này đang được triển khai theo các bước đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thỏa thuận, phê duyệt cũng như đã thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng. 
Nếu báo chí có viết về dự án tu bổ thì cần đến tận nơi, phản ánh thật chính xác 
Có mặt tại di tích sáng 12.8, Văn Hóa ghi nhận thực tế và quá trình triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đình Hoàng Cầu. Ngôi đình hiện đang được tu bổ, tôn phần móng và có nhà bao che. Hạng mục Nghi Môn với những đường nét kiến trúc đẹp được giữ lại cẩn thận. Đáng chú ý, toàn bộ hệ thống hiện vật, giá trị cốt lõi của di tích lịch sử văn hóa này đang được bảo quản theo quy định. 
Tiếp chuyện Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Tịch, Trưởng Tiểu BQL di tích đình Hoàng Cầu cho biết, nhân dân ở đây đang rất trông chờ việc ngôi đình được tu bổ, tôn tạo. Ông Tịch nói: “Đây không phải là di tích quốc gia đặc biệt và bị tu bổ, tôn tạo tùy tiện, đập cổ xây mới như một số tờ báo đã viết. Di tích đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng, việc tu bổ, tôn tạo di tích là cần thiết. Chúng tôi mong mỏi báo chí nếu viết bài về di tích thì hãy đến tận nơi và phản ánh chính xác, khách quan...”, ông Tịch chia sẻ. Với những tài liệu hiện có, đình Hoàng Cầu được khởi dựng từ khá sớm vào khoảng thế kỷ XVII. Tuy nhiên trong kháng chiến chống Pháp các hạng mục di tích gốc đã bị phá hủy và ngôi đình được dựng lại bằng chất liệu xi măng cốt thép, không có cấu kiện gỗ. Trải qua thời gian, vật liệu vôi vữa, xi măng bị ẩm thấp, xuống cấp. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, UBND quận Đống Đa đã xây dựng dự án và giao BQL dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Phó Trưởng phòng VHTT quận Đống Đa cho biết, căn cứ các tư liệu thành văn hiện còn, đình Hoàng Cầu có niên đại khởi dựng khá sớm, sau đó được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào thế kỷ XIX. Một số hạng mục được tôn tạo trong những năm gần đây. Phòng VHTT quận Đống Đa nhấn mạnh, điều làm cho ngôi đình trở nên có giá trị là hệ thống hiện vật rất đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu. Đó là 22 đạo sắc phong cho các vị thần có niên đại trải dài từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, trong đó có 3 sắc thời Hậu Lê, 5 sắc thời Tây Sơn, 14 sắc thời Nguyễn; 3 tấm bia đá, trong đó có tấm bia dựng năm Chính Hòa (1680), 1 bia niên hiệu Tự Đức 31 (1880) và 1 bia niên hiệu Thành Thái 5 (1889), 1 chuông đồng niên hiệu Tự Đức cùng long ngai, kiệu rước, hương án, chấp kích, sập thờ và các đồ tự khí được tạo tác thế kỷ XIX-XX. 
Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ hai pho tượng Phỗng cổ khá đẹp, có hình thức gần giống với đôi Phỗng ở đền Bạch Mã (Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Tượng đạt yếu tố chân dung hoàn thiện, gần gũi với nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống đánh giá đây là đôi tượng Phỗng có giá trị quý hiếm ở Hà Nội. 

 

 Hạng mục Nghi môn tứ trụ được giữ lại nguyên vẹn trong quá trình tu bổ di tích 

Không có chuyện “chống lại văn bản của Bộ VHTTDL” 

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, sau những thông tin phản ánh đình Hoàng Cầu bị trùng tu kiểu “đập đi xây mới”, Cục đã kiểm tra thực tế tại di tích. Ông Thành khẳng định, những thông tin về dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu được báo chí phản ánh trong mấy ngày gần đây là không chính xác. “Đình Hoàng Cầu là di tích lịch sử cấp quốc gia, không phải là di tích quốc gia đặc biệt, cũng không phải là di tích kiến trúc nghệ thuật. Các hạng mục trong hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia năm 2016 được xây dựng lại bằng gạch, xi măng đều có niên đại gần đây và không có giá trị kiến trúc nghệ thuật. Hơn nữa, các hạng mục được tôn tạo như Đại đình, Phương đình, nhà Mẫu... được xây lại bằng bê tông cốt thép, chắp vá và bổ sung qua nhiều giai đoạn nên các hình thức kiến trúc không thống nhất, chắp vá. Những hạng mục này qua thời gian cũng đã bị xuống cấp, ngấm dột nghiêm trọng, yêu cầu cấp thiết phải tu bổ lại...”, Phó Cục trưởng Trần Đình Thành cho biết. 
Giá trị của di tích là lịch sử và các hiện vật, đồ thờ. Theo Cục Di sản văn hóa, qua kiểm tra cho thấy, dự án đang được triển khai theo đúng nội dung đã được thỏa thuận tại các văn bản của Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa. Ông Thành cho biết, không có chuyện việc tu bổ, tôn tạo đang được triển khai tại di tích đình Hoàng Cầu là đã “chống lại văn bản của Bộ VHTTDL” như nội dung một bài báo đã viết. Bởi các nội dung của dự án đều đã được thẩm định và quá trình triển khai theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định pháp luật. Tên gọi đúng với bản chất nội dung dự án. Thứ nữa, về các nội dung tu bổ, tôn tạo, dự án đã triển khai đúng với lưu ý tại văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, bao gồm việc tu bổ cổng đình (hiện hạng mục Nghi môn tứ trụ đang được giữ nguyên) và các hạng mục khác sẽ tiến hành tôn tạo. Do chất liệu đều là bê tông cốt thép nên những hạng mục này buộc phải hạ giải để xây lại. “Dự án đang được triển khai theo đúng nội dung đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt...”, ông Thành khẳng định. 

 Các hiện vật được kiểm kê, đánh số để bảo quản

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh, các hiện vật liên quan của di tích đang được lưu giữ, bảo quản tốt tại các địa điểm, đảm bảo các yếu tố an toàn. Hơn 60 hiện vật giá trị đã được kiểm kê, đánh số cẩn thận trước, chờ khi đình tu bổ, tôn tạo xong thì bài trí trở lại, đảm bảo không bị mất mát, cháy nổ. Trao đổi với Văn Hóa, ông Lê Trọng Tú, BQL Dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa cho biết, sau khi được Bộ VHTTDL, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, các bước triển khai dự án tu bổ tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu đã tuân thủ chặt chẽ các nội dung lưu ý, thỏa thuận. BQL chịu trách nhiệm về dự án nên tất cả các bước đều xin phép và phối hợp với các phòng, ban liên quan, BQL di tích và UBND phường triển khai thực hiện. Đại diện BQL Dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa cho biết thêm, các nội dung của dự án tu bổ, tôn tạo tại di tích đều được công khai như phương án thiết kế, nguồn kinh phí đầu tư... nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong quá trình thực hiện cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá di tích nhằm “nhận diện” các hạng mục của di tích, cái gì cần giữ lại và cái gì xuống cấp, phải tôn tạo. 
Đại diện đơn vị thi công, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng Công trình Văn hóa Việt cho biết, là đơn vị có kinh nghiệm về trùng tu và tôn tạo di tích, các khâu triển khai, thi công dự án đã được thực hiện bài bản, chặt chẽ, theo đúng hồ sơ thiết kế và các phương án đã được phê duyệt. Trước khi hạ giải các hạng mục, đơn vị thi công đã phối hợp với Chủ đầu tư, BQL di tích và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê, lập danh mục, tháo lắp và đóng gói hiện vật để chuyển về các địa điểm bảo quản. 

 Di tích quốc gia đình Hoàng Cầu là một di tích lịch sử quan trọng trên địa bàn Quận Đống Đa. Tuy nhiên, do bị phá hủy trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp nên các hạng mục chính trong đình đều được xây mới, qua thời gian bị xuống cấp, cho nên việc phải hạ giải để tôn tạo là bắt buộc và đúng nội dung  văn bản thẩm định, thỏa thuận của Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa . Các hạng mục, công trình kiến trúc trong khu vực bảo vệ của di tích đều được xây lại gần đây bằng bê tông cốt thép, không có cấu kiện gỗ. Di tích quốc gia đình Hoàng Cầu trước khi tu bổ, tôn tạo có  giá trị nổi trội về mặt lịch sử chứ không có dấu ấn về mặt kiến trúc nghệ thuật.

Theo tôi, những thông tin báo chí phản ánh việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu  theo kiểu “đập đi xây mới” là không chính xác, gây cách hiểu không đúng trong dư luận.

Nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến

 

  Tại văn bản số 1467/ BVHTTDL- DSVH ngày 18.4.2019 gửi UBND TP Hà Nội, Bộ VHTTDL đã có ý kiến thẩm định về dự án. Theo đó, thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu, gồm các hạng mục: tu bổ cổng đình, tôn tạo Đại đình, Phương đình, nhà Mẫu, miếu thờ, nhà bia, bình phong, am hóa sớ, giếng đình, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh, cổng phụ, tường rào và hạ tầng kỹ thuật. 
Bộ VHTTDL cũng lưu ý chủ đầu tư, đối với việc tu bổ cổng đình, không phá dỡ để xây mới, cần chỉ rõ giải pháp tu bổ bằng cách gông bó, neo giữ, kích nâng để tu bổ, trám vá theo hình thức hiện trạng. Đồng thời lưu ý một số nội dung về tôn tạo các hạng mục Đại đình, thống nhất hình thức cửa, giảm quy mô am hóa sớ, không làm bia công đức... Qua kiểm tra, Cục Di sản văn hóa khẳng định quá trình triển khai dự án đã và đang tuân thủ đúng quy trình cùng các nội dung được Bộ VHTTDL thẩm định, thỏa thuận. 

PHƯƠNG ANH 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top