Hành trình của những báu vật

VH- Sau chuyến “xuất ngoại” gây tiếng vang lớn trên nước Đức, trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ tiếp tục được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) từ ngày 12.4 tới. Với gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thế kỷ 17 - 18 được lựa chọn sẽ hiện diện tại cuộc trưng bày, nối dài thành công của hành trình đưa những “báu vật” quốc gia đi tới xứ người.

Hành trình của những báu vật - Anh 1

Hành trình của những báu vật - Anh 2

Hành trình của những báu vật - Anh 3

 Trống Sao vàng và một số hiện vật tại trưng bày

 Chiêm ngưỡng báu vật Việt Nam trên nước Đức

Gần hai năm trên nước bạn là một hành trình không chỉ lạ lẫm mà còn thú vị của 300 hiện vật độc đáo và vô giá của nền khảo cổ học Việt Nam. Trưng bày Báu vật khảo cổ học Việt Nam tại CHLB Đức là cuộc tổ chức kỳ công, với sự phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, một số bảo tàng, di tích Việt Nam với các bảo tàng nổi tiếng của CHLB Đức. Không “phụ” những kỳ công đó, trưng bày đã tạo nên tiếng vang hiếm có khi thu hút sự quan tâm lớn của công chúng Đức, góp phần quảng bá về những giá trị đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Trong những phát hiện khảo cổ học vô giá để dần lấp những “khoảng trống” trong lịch sử Việt Nam từ thời Tiền-Sơ sử đến các giai đoạn sau này, một thông tin khá thú vị là sự phối hợp của các nhà khảo cổ học Đức với các nhà khảo cổ học Việt Nam trong nhiều cuộc khai quật lớn như khai quật di chỉ Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964, khai quật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An) năm 2003 -2007… Cái “bắt tay” này chính là duyên cớ cho những chương trình phối hợp quy mô lớn sau này mà điển hình là trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức.

Trưng bày đã lần lượt ra mắt công chúng Đức tại ba bảo tàng: Bảo tàng Khảo cổ học bang Westfalen tại Herne (từ 7.10.2016 đến 26.2.2017), Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz tại Chemnitz (30.3 đến 20.8.2017) và Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim (16.9.2017 đến 7.1.2018). Với trên 300 hiện vật đặc sắc, đây là lần đầu tiên một trưng bày có quy mô lớn, số lượng hiện vật nhiều nhất được tuyển lựa từ các bảo tàng trải dài từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam đã có mặt tại Đức, trong một hành trình quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam kéo dài gần hai năm.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, sau hành trình quảng bá tại Đức, 300 hiện vật khảo cổ độc đáo tiếp tục được giới thiệu đến công chúng ở cuộc trưng bày cùng tên tại Việt Nam.

Những báu vật có một không hai

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày Báu vật khảo cổ học Việt Nam khai mạc ngày 12.4 và kéo dài đến tháng 7.2018. Một lần nữa trưng bày sẽ mang đến cơ hội khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam cho công chúng thông qua các chủ đề: Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam, Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam, Khảo cổ học lịch sử.

Điều đặc biệt là ở mỗi chủ đề đều chứa đựng những thông điệp lịch sử, được chuyển tải qua các hiện vật độc đáo, có một không hai. Đơn cử, với chủ đề “Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam”, bên cạnh những hiện vật ở một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu, gồm các công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm…, phần trưng bày cũng giới thiệu những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964. Đây là cuộc khai quật lớn đánh dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa Việt Nam và CHDC Đức.

Chủ đề Báu vật khảo cổ học thời kỳ kim khí Việt Nam lại giới thiệu các hiện vật tiêu biểu được tìm thấy tại ba trung tâm văn hóa lớn: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Trong đó, những hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn được trưng bày gồm vòng tay, hạt chuỗi, trống đồng, thạp đồng, chuông đồng..., khá đặc biệt là hiện vật mộ thuyền Châu Can.

Những hiện vật độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm kiếm, phát hiện và khai quật sau nhiều chuyến điền dã trên các nẻo đường miền Trung cũng sẽ hiện diện tại cuộc trưng bày. Tiếng vọng từ quá khứ này cũng là những bằng chứng mới về một giai đoạn rất sớm của văn hoá Sa Huỳnh, làm thay đổi những nhận thức cũ về văn hoá Sa Huỳnh của các nhà khảo cổ học phương Tây.

Bên cạnh đó, diện mạo của văn hóa Đồng Nai sẽ được tập trung giới thiệu qua các hiện vật ở một số di tích như nhóm hiện vật di tích Giồng Cá Vồ năm 1994; nhóm hiện vật di tích Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu); nhóm hiện vật di chỉ Gò Ô Chùa (Long An), là di chỉ khảo cổ học tiền sử ở Nam Bộ...

Hàng chục hiện vật vô giá ở chủ đề “Khảo cổ học lịch sử” cũng lần lượt mang đến những khám phá bất ngờ. Nếu các báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu công nguyên giới thiệu chứng tích của các cuộc nổi dậy chống phong kiến phương Bắc, chứng minh những yếu tố văn hoá Đông Sơn truyền thống vẫn được bảo tồn, phát triển bên cạnh sự giao lưu, tiếp nhận những thành tố văn hoá mới thì nội dung Chămpa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn lại giới thiệu các hiện vật tiêu biểu trong khối lượng di tích và di vật rất lớn về kiến trúc, điêu khắc đá, các loại đồ đồng, đồ gốm, đồ thờ cúng bằng vàng, bạc, các loại đồ trang sức…, phản ánh những nét sinh hoạt trong xã hội Champa xưa. Bên cạnh đó là các hiện vật độc đáo của Văn hóa Óc Eo- Phù Nam, với nhẫn vàng, mảnh vàng trang trí vishu, mảnh vàng trang trí mặt trời; tượng Phật bằng gỗ, tượng vishu bằng đá niên đại khoảng thế kỷ V…

Gần nhất là những báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam. Những hiện vật được tập trung giới thiệu gồm các dấu tích thành cổ như: ngói trang trí uyên ương (Hoa Lư - Ninh Bình), gạch xây thành, những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ XV-XVI), đồ dùng của thủy thủ đoàn khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999… 

Thùy An

 

Ý kiến bạn đọc