Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Thêm nhiều tư liệu mới  để khôi phục chính điện Kính Thiên

Thứ Tư 18/04/2018 | 08:51 GMT+7

VH- Ngày 17.4, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo khoa học báo cáo kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017. Nhiều hiệt vật, dấu tích…được khai quật đã góp thêm nhiều tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Khảo cổ ở Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội 2017 phát hiện thêm nhiều hiện vật quý

Phát hiện bó nền hoa chanh lớn nhất nước

Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long và Viện Khảo cổ học đã phối hợp tiến hành khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích điện Kính Thiên với tổng diện tích khoảng 960 m2. Đây là công trình khảo cổ học nhăm nghiên cứu làm rõ thêm vị trí, quy mô và giá trị của Khu di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tại khu vực chính điện Kính Thiên. Theo đó đoàn khai quật do PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm chủ trì khảo cổ đã tiến hành mở một hố nằm chếch phía Đông Bắc di tích nền chính điện Kính Thiên. PGS.TS Tống Trung Tín cho biết: “Hố khai quật gồm 16 lớp đào, các lớp đào dày trung bình 20cm, diễn biến khá phức tạp và về cơ bản đã bị phá hủy do có sự xâm thực của giai đoạn sau xuống các tầng văn hóa trước…”.

Phát hiện nền bó hoa chanh lớn nhất ở VN

Kết quả khai quật 2017 đã phát lộ nhiều di tích và hiện vật thuộc nhiều niên đại từ thời Nguyễn tới thời Lê, thời Trần và thời Lý. Cụ thể, dấu tích thời Nguyễn có hai vị trí móng tường hành cung phía Nam hố khai quật và móng tường hành cung phía Đông hố khai quật. Qua đó, dần xuất lộ hệ thống bó móng, tường và một phần móng công hành cung với kết cấu các hành gạch vồ phía dưới lát rộng hơn phần tường thành, tường thành được lát theo kiểu một viên dọc, một viên ngang bắt góc… Tại hố khai quật này, dấu tích móng cột của kiến trúc thời Lê Trung Hưng cũng xuất lộ 03 móng cột gia cố bằng gạch vồ xám, kích thước trung bình 1.3m, bước gian cột cái rộng 3,9m. Giả thiết bước đầu của các nhà khảo cổ học là kiến trúc thời Lê Trung Hưng kết thúc tại hệ thống móng cột xuất lộ này.

          Đáng chú ý, trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di tích bó nền hoa chanh khá độc đáo xuất lộ trong khu vực vách Đông hố khai quật. Đó là bó nền chạy dài theo chiều Đông Tây, ngói chủ yếu là ngói phẳng màu đỏ mang đặc trưng gạch thời Lý – Trần với kích thước đường hoa chanh rộng còn lại 1,15m. PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định, đây là bó nền hoa chanh lớn nhất được phát hiện ở Hoàng Thành Thăng Long và cũng là hoa chanh lớn nhất phát lộ tại các công trình khảo cổ học ở Việt Nam. Ngoài ra, kiến trúc thời Lý cũng xuất lộ 03 móng gia cố trong đợt khai quật năm 2017. Đây là các móng mang kết cấu gạch, ngói đầm với đất sét bên cạnh 01 móng cột gia cố bằng sỏi cuộc…

Di vật phát hiện năm 2017 tại Hoàng Thành Thăng Long chủ yếu là đồ gốm, ngói

Không thể vội vàng khôi phục điện Kính Thiên

Một trong những kết quả đáng ghi nhận của đợt khai quật lần này là đã phát hiện ra dòng chảy cũng như dấu tích hồ nước từ thời Lê Sơ ở trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Điều đó đem đến cho các nhà khoa học những tư liệu mới để tìm hiểu, xác định kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực chính điện Kính Thiên. Đợt khai quật lần này chủ yếu  phát lộ nhiều di vật gạch ngói cổ. Theo đó, nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng cùng các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm hết sức giá trị. Đặc biệt, nhiều viên ngói kết nối với nhau tạo thành một con rồng đã đặt ra giả thiết là các loại ngói này dùng để lợp một di tích kiến trúc đặc biệt nào đó trong Hoàng Cung mà có thể đó là loại ngói dung sử dung để lợp chính điện Kính Thiên.

Báo cáo kết quả khai quật khu vực chính điện Kính Thiên 2017

PGS. TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN  nhìn nhận: “Kết quả khai quật năm 2017 tại Hoàng Thành Thăng Long đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận. Điều đáng suy ngẫm, đặt ra lúc này là làm thế nào để liên kết các khu vực đã từng khảo cổ, khai quật của những năm trước thành một bàn đổ tổng thể, hoặc tạo thành một bản vẽ tổng thể các công trình khảo cổ ở Hoàng Thành Thăng Long”. Thực tế, mỗi năm ở Hoàng Thành Thăng Long đều tiến hành khai quật nhưng mỗi năm lại khai quật một hố nho nhỏ nên các phát hiện đều bị dang dở, cần hệ thống hoặc mở rộng hố đào. Trước tình hình đó, đoàn khai quật khảo cổ ở Hoàng Thành Thăng Long năm 2017 kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét cho phép mở rộng các hố khai quật về các hướng, nghiên cứu xây dựng kế hoạch khai quật tổng thể 5 năm…

Nhiều đầu ngói được trang trí hình rồng hết sức đặc sắc

Tính đến nay, khu trung tâm Hoàng Thanh Thăng Long Hà Nội đã trải qua 16 năm liên tục khai quật, tiến hành khảo cổ học. Tuy vậy, theo TS Nguyễn Viết Chức, điều quan trọng sắp tới là chắp nối các kết quả khai quật, khảo cổ học lại thành một công trình nghiên cứu, báo cáo kết quả để người dân bình thường có thể hiểu ít nhiều giá trị của Hoàng Thành Thăng Long. Cũng đã đến lúc nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý văn hóa nghĩ đến bước phát huy giá trị Hoàng Thành Thăng Long mà đơn cử là việc nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên. Ngay tại Hội thảo khoa học báo cáo kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017 cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu khôi phục điện Kính Thiên. TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL khẳng định: “Quy hoạch tổng thể khu Hoàng Thành Thăng Long đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có hạng mục khôi phục điện Kính Thiên với hai giai đoạn là sưu tầm hiện vật, cứ liệu khoa học và nghiên cứu, khôi phục điện Kính Thiên.  Hiện nay chúng ta đang tiến hành giai đoạn 1, cứ bình tĩnh, tiến hành từng bước sưu tầm, nghiên cứu các hiện vật, cứ liệu khoa học một cách bài bản, chắc chắn…rồi hãy tính đến việc nghiên cứu khôi phục điện Kính Thiên”.

Phúc Nghệ

 

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top