Đưa các anh “về quê mẹ” trong ngày vui đại thắng

PHAN HIẾU

VHO - Nằm lại nơi chiến trường xưa đã hơn 49 năm, nhưng giờ đây các anh đã được đồng đội tìm thấy, đưa về với đất mẹ yêu thương trong ngày vui đại thắng, thống nhất của đất nước. Họ là những liệt sĩ vừa được phát hiện, cất bốc tại cao điểm 174 (còn gọi Đồi 174) tại thôn Long Quang, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân (Bình Định).

 Đưa các anh “về quê mẹ” trong ngày vui đại thắng - ảnh 1

 Hài cốt liệt sĩ tìm thấy tại Đồi 174

 Từ những thông tin của cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng, thuộc Đại đội 15 thông tin, Trung đoàn 141 về địa điểm các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh tại cao điểm 174, những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 này, các lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã nỗ lực ngày đêm để có thể đưa các anh về với gia đình, người thân, bạn bè một cách nhanh nhất sau bao năm nằm lại nơi chiến trường khốc liệt.

Vượt gần ba tiếng đồng hồ chạy xe máy từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, chúng tôi đã tìm về cao điểm 174 để ghi nhận công tác tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tại đây. Theo chân dân quân đang làm nhiệm vụ tại UBND xã Ân Mỹ, chúng tôi vượt rừng, leo lên hàng chục con dốc khúc khuỷu, quanh co với con đường chỉ toàn đá, sỏi với bề ngang rộng khoảng chừng hơn một mét, được bao bọc bởi hai hàng cây keo thẳng tắp. Những chiến sĩ công binh cũng đang nỗ lực san ủi, mở rộng đường để thuận tiện việc di chuyển trong quá trình tìm kiếm.

Sau gần 30 phút băng rừng, dưới cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè tháng 4, chúng tôi đã lên đến cao điểm 174. Tại đây, một cửa hầm vừa mới được phát hiện, lực lượng tìm kiếm đã mở cửa hầm và những hài cốt liệt sĩ đầu tiên đã được tìm thấy.

Ông Lê Công Sáu, trú tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, là người tham gia đào cửa hầm khi phát hiện di vật và hài cốt của các chiến sĩ chia sẻ: “Được sự chỉ dẫn vị trí cửa hầm địa đạo của cựu chiến binh Trần Văn Phúc từ tỉnh Nghệ An vào, tôi và một số người khác tiến hành đào cửa hầm. Khi đào xuống khoảng 6m, chúng tôi thấy nhiều bao cát, hiện vật và hài cốt của hai chiến sĩ hy sinh tại cửa hầm. Có lẽ quân địch thả bom ngay cửa hầm khiến cửa hầm bị sập xuống chôn vùi hai chiến sĩ, những chiến sĩ còn lại trong địa đạo đã không kịp thoát ra ngoài đều hy sinh trong địa đạo”.

Theo đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, việc tìm được hầm chiến đấu và hài cốt liệt sĩ là nhờ nguồn tin từ cựu chiến binh của Sư đoàn 3 Sao Vàng cung cấp. Trong quá trình chiến đấu tại Đồi 174, có khoảng 9 chiến sĩ không kịp thoát ra ngoài và nằm lại trong hầm. Hầm này được bộ đội đào sâu vào lòng núi theo kiểu dáng địa đạo với chiều dài khoảng 50-70m và có 3 cửa, trong đó có một cửa ở hướng Nam để quan sát địa bàn phía huyện Hoài Ân, một cửa hướng Tây Bắc để quan sát huyện An Lão và một cửa hướng Đông Bắc để quan sát khu vực thị xã Hoài Nhơn.

 Đưa các anh “về quê mẹ” trong ngày vui đại thắng - ảnh 2

 Lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Đồi 174

Cũng theo đại tá Nguyễn Xuân Sơn, hiện các lực lượng đã tìm được cửa hầm ở hướng Nam. Tuy nhiên, cửa hầm hiện tại đã mục nát, lượng bom mìn cũng như nguy cơ có chất độc hóa học ở khu vực này còn nhiều nên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng dừng tìm kiếm, quy tập để lực lượng công binh gia cố lại cửa hầm cũng như xử lý bom mìn, chất độc hóa học. Sau đó sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm, quy tập.

Trong suốt 50 năm qua, cựu chiến binh Trần Văn Phúc (68 tuổi) đang sinh sống tại thành phố Vinh (Nghệ An) luôn trăn trở, nhiều đêm mất ngủ khi nhớ về đồng đội cùng chiến đấu tại Đồi 174 năm xưa. Ông càng thao thức hơn khi biết rằng đồng đội mình hy sinh đang nằm lạnh lẽo trong lòng đất, chưa được yên nghỉ nơi quê nhà. Bởi điều này đã thôi thúc ông vượt gần 1.000 km từ Nghệ An vào Bình Định để tìm hài cốt đồng đội.

Nỗ lực đào địa đạo tại cao điểm 174 đã tìm thấy đồng đội, cựu chiến binh Trần Văn Phúc chia sẻ, “khi đó tôi là Tiểu đội trưởng, Đại đội 15 công binh, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng). Đại đội công binh lúc đó có nhiệm vụ tăng cường phối hợp chiến đấu cho các đơn vị. Bởi vậy, diễn biến các cuộc tấn công, phản kích từ tháng 9.1974 đến đầu năm 1975, tôi đều nhớ rất rõ”.

“Ngày 2.1.1975, nắm cơ hội mùa mưa, quân địch tập trung phá hủy hết công sự, giao thông hào rồi đưa bộ binh tấn công. Trong loạt pháo cuối cùng, địch đánh sập cửa hầm phía Bắc nên bộ đội phải co vào trong địa đạo. Tiếp đó, địch áp sát cửa phía Nam, khống chế, ném lựu đạn, làm 2 chiến sĩ ngã xuống ngay tại cửa hầm. Sau đó, quân địch dùng rất nhiều bao cát để lấp cửa hầm”, cựu chiến binh Trần Văn Phúc nhớ lại và kể tiếp: “Lúc ấy, anh em trong hầm vẫn cố gắng liên lạc ra ngoài. Đơn vị 3 lần tổ chức phản công để giải cứu nhưng bất thành. Đến ngày thứ 6, không thấy anh em trong hầm liên lạc nên Trung đoàn rút lui, chỉ để lại Đại đội 15 bám chân đồi giữ chốt bàn đạp thêm 2 ngày”.

Cùng chia sẻ với chúng tôi, đại tá Lê Văn Ninh (75 tuổi), nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) bộc bạch: “Tôi rất xúc động và thực sự rất nhớ anh em, đồng đội cũ. Bởi vậy, dù ngoài 70 tuổi, vợ chồng tôi vẫn lặn lội vào tận nơi trực tiếp khai quật, đưa hài cốt của anh em về với quê mẹ. Anh em nằm ở chiến trường đã gần 50 năm rồi, giờ đưa được đồng đội về, một người lính như tôi mới cảm nhận sự thanh thản”.

“Cuộc chiến ở Đồi 174 kéo dài hàng năm trời, đỉnh điểm ác liệt là từ tháng 12.1974 đến đầu năm 1975. Bản thân tôi bị hai quả bom thả sập hầm ở Đồi 182, bị thương bất tỉnh. Sau này đơn vị phản kích giải cứu, 4 ngày sau tỉnh dậy tôi mới biết mình còn sống sót”, đại tá Lê Văn Ninh hoài niệm những ngày tháng chiến đấu ác liệt cùng đồng đội tại Đồi 174. 

 Trong kháng chiến chống Mỹ, Đồi 174 là chốt điểm án ngữ tuyến đường huyết mạch từ Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) lên huyện An Lão, có thể quan sát, kiểm soát một địa bàn rộng lớn của 3 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Lão. Nơi đây, trong giai đoạn chống phản kích (từ năm 1972 đến năm 1975) thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Tiêu biểu là trận đánh chiếm Đồi 174 của Sư đoàn 3 Sao Vàng vào ngày 1.11.1972, tiêu diệt một đại đội lính cộng hòa.

Sau đó quân dân Hoài Ân anh dũng chiến đấu chống trả nhiều trận đánh phản kích của địch, giữ vững chốt điểm 174, góp phần bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Hoài Ân đến ngày toàn thắng. Di tích lịch sử chiến thắng Đồi 174 được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng ngày 5.4.2017.

 

 

Ý kiến bạn đọc