Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống

THƠM NGUYỄN

VHO - Chỉ ít ngày nữa, hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia sẽ được tổ chức chính tại ngôi làng cổ tọa lạc sát đê sông Hồng.

Tự hào thú chơi nghìn năm tuổi

Đặt chân đến làng Bá Dương Nội - được mệnh danh là “làng diều nghìn năm tuổi” vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí lễ hội đang được chuẩn bị tấp nập.

Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống - ảnh 1
Làng Bá Dương Nội sẵn sàng cho hội thi

Chỉ cách đây gần 2 tháng, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội đã được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Vinh dự đón nhận niềm tự hào này, lễ hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội năm 2024 sẽ được tổ chức với quy mô mở rộng, có sự tham gia của hơn 20 câu lạc bộ diều đến từ 5 tỉnh, thành phía Bắc, thu hút nhiều du khách thập phương.

Dọc tuyến đường nhựa khang trang từ xóm Cổng Tây đến Nhà văn hóa cụm 4, xã Hồng Hà, hàng chục cánh diều đủ kích cỡ, màu sắc được trang trí cùng những dải cờ Tổ quốc, cờ đuôi nheo, cờ hội rất bắt mắt.

Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống - ảnh 2
Đoàn thanh niên trong làng tuyên truyền cho hội thi

Các trục đường chính của xã đều được trang hoàng rực rỡ pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu. Đây là những hình ảnh ấn tượng trong “Con đường diều sáo” do xã Hồng Hà tổ chức để làm điểm nhấn thu hút du khách.

Ngày nay dù xã hội phát triển, có nhiều trò chơi hiện đại nhưng với người dân làng Bá Dương Nội, thú chơi diều là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Chỉ ít hôm nữa, những con diều đặc sắc, cỡ to "khủng", kiểu dáng bắt mắt sẽ được các đội thi tập trung đến hội làng.

Có thể nói, những cánh diều dường như đã đi sâu vào tiềm thức, gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ ai sinh ra từ làng. Người Bá Dương Nội từ già đến trẻ luôn tự hào và gìn giữ lễ hội truyền thống của quê hương mà hàng ngàn đời ông cha để lại, chơi diều không chỉ để thư giãn những lúc nông nhàn, mà đó còn là thú vui và niềm đam mê không thể thiếu.

Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống - ảnh 3
Khắp các ngõ hèm, đường làng được trang trí sặc sỡ, bắt mắt

 Theo thông lệ, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức vào đúng dịp rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây cũng là một trong những lễ hội hiếm hoi của Việt Nam gắn với truyền thuyết thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ X, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước cũng như gửi gắm biết bao ước vọng của người nông dân thuần phác.

Người gìn giữ và nâng tầm cánh diều sáo Việt Nam

Chúng tôi ghé thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, người sinh ra trong một gia đình đã có 6 đời làm diều sáo và ông là Nghệ nhân Nhân dân duy nhất trong loại hình này. Năm nay, ở tuổi 78 nhưng ông Kiêm vẫn tràn đầy tâm huyết với cánh sáo diều cổ. Cha của ông là cụ Nguyễn Hữu Ngọ, cũng là một trong những nghệ nhân chơi diều lâu đời, có tiếng trong làng. Vì thế ngay từ khi 8 - 9 tuổi, ông đã theo cha đi thả diều, được tiếp xúc và lớn lên cùng diều theo ngần ấy năm.

Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống - ảnh 4

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm bên cây diều truyền thống

Ông kể, làng diều ngày nay không được như trước, giờ đây người yêu diều, biết làm diều sáo mai một dần, lớp trẻ dần bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, không còn thời gian dành cho diều nữa. Điều đáng lo nhất là sự mai một của những tiếng sáo hay. Bởi lẽ, người chơi diều phải mất nhiều năm mới có được kinh nghiệm, tạo ra những cây sáo diều có thanh âm trong trẻo, tinh tế.

Chính điều này đã thôi thúc nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm lặn lội đi đến nhiều địa phương trong cả nước, gặp gỡ các cụ cao niên ở các vùng quê có truyền thống chơi diều như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế… tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý. Người ta thấy ông Kiêm mỗi dịp đi về lại miệt mài, say sưa với những cánh diều. Ông dành thời gian nghiên cứu, tính toán một cách khoa học nhằm đơn giản hóa các công đoạn làm diều để người ít kinh nghiệm có thể học theo và làm được con diều bay cao, thăng bằng, tiếng sáo trong và vang xa hơn.

Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống - ảnh 5
Bộ phận tạo ra tiếng sáo được gắn kèm với diều

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm mang những con diều hình lá muỗm ra sân, giới thiệu cho chúng tôi chi tiết từ cách làm xương diều cho đến cách làm từng bộ sáo. Ông Kiêm cho biết, để làm một con diều phải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên chọn vật liệu để làm khung là tre, buộc phải chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Mùa đông vào tháng chín tháng mười có thể bắt đầu có thể chặt tre, gác lên chỗ thoáng mát để phơi, 3 tháng sau khô rồi đem xuống để làm một bộ “xương” diều. Sở dĩ phải kỳ công chọn tre là bởi loại tre nhỏ và đặc này mới cho diều bộ khung cứng, dẻo, bền và không nặng.

Cuộc sống ngày càng phát triển, kỹ thuật làm diều cũng được cải tiến hơn. Ngày xưa, diều thường được dán bằng giấy dó nên nhanh rách. Hiện nay, người Bá Dương Nội đã cải tiến lên một bước mới. Họ dùng chất liệu vải nhằm tăng độ bền của cánh diều. Bộ khung diều cũng vậy, nếu trước đây làm bằng những thanh tre nguyên đoạn dài, thì ngày nay được cải tiến thành các khớp nối có thể gấp gọn lại, tiện mang đi.

Hà Nội: Làng diều sáo nghìn năm tuổi trước hội thi truyền thống - ảnh 6
Những công đoạn cuối cùng để chào mừng du khách và các đội thi

 Ở Bá Dương Nội, người ta không ví diều như hình ảnh mặt trăng mà thường ví như những chiếc lá cây rất gần gũi. Ví như diều cánh muỗm (lá muỗm), diều cánh chanh (lá chanh) và diều cánh mộc (lá cây mộc hương). Diều Bá Dương Nội có một đặc điểm khác với tất cả những con diều ở nơi khác là không có đuôi. Đặc biệt hơn nữa, sáo diều ở quê hương Bá Dương Nội chỉ chơi sáo đơn, sáo đôi cùng lắm là sáo ba. Thế nhưng ở các vùng quê khác thì người ta có thể chơi sáo 5, sáo 7, sáo 9,... đấy là gọi là sáo giàn.

Không sản xuất đại trà như những làng nghề khác, các nghệ nhân làng nghề diều sáo cổ lớn nhất miền Bắc chỉ làm khi vào lễ hội hoặc mang đi triển lãm quốc tế. Chính vì vậy, những con diều sao độc đáo nơi đây không hề bị cuốn vào vòng xoáy mang tên thị trường, cả nghìn năm nay vẫn giữ được hồn trong trẻo, thanh tao.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, chúng tôi luôn khuyến khích bà con nhân dân trong xã duy trì, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần; vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội. Ngày nay làng Bá Dương Nội vẫn luôn ra sức bảo tồn duy trì và phát huy ngày càng thêm phong phú diều sáo - loại hình dân gian độc đáo của xứ Đoài.

Ý kiến bạn đọc