Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thái Bình:​​​​​​​ Khai mạc hội thu chùa Keo năm 2018

Thứ Năm 18/10/2018 | 21:11 GMT+7

VHO- Ngày 18.10, tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, UBND huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc hội thu chùa Keo năm 2018.

Chùa Keo tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Chùa xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh). Vị thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học. Chùa Keo với kiến trúc cổ gần 400 năm, được đánh giá là 1 trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam. Hiện nay, khu di tích chùa Keo có diện tích 41.561,9 m2, gồm 17 công trình với 128 gian, được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “Nội công ngoại quốc”.

Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30 m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796. Đáng chú ý, tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan chạm rồng chầu - một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ XVII. Từ tam quan nội, qua một số sân nhỏ rộng ta đến khu chùa phật gồm Chùa ông Hộ, tòa thiêu hương (ống muống) và điện phật. Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát...

Năm 2012, chùa Keo được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, chùa Keo mở hai kỳ lễ hội là lễ hội mùa xuân và lễ hội mùa thu. Năm 2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài các nghi lễ truyền thống như: lễ khai chỉ, tế lễ phật thánh, lễ hội thu năm 2018 diễn ra các hoạt động: hát giao duyên, hát văn, màn trống hội. Ban tổ chức lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian độc đáo: têm trầu cánh phượng, múa võ thuật và các trò chơi dân gian: leo cầu ngô, bắt vịt, chọi gà… Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 18 - 23.10 (10 - 15.9 âm lịch).

 

Hải Đăng

 

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn:Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top