Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Di tích Cổng Cẩm Hải nhị cung – Tam quan chùa Bà Mụ (TP Hội An): Theo tên khởi thủy hay cách gọi dân gian?

Thứ Sáu 04/01/2019 | 09:33 GMT+7

VHO- Di tích Tam quan chùa Bà Mụ (TP Hội An, Quảng Nam) vừa được đưa vào danh sách các điểm tham quan trên địa bàn, giúp du khách tìm hiểu di tích từ nhiều góc độ. Tuy nhiên, những ngày gần đây có khá nhiều ý kiến của du khách lẫn người dân địa phương về việc tấm bia đá định danh di tích dán bằng decal không phù hợp với cảnh quan di tích, và việc xác định tên gọi (định danh) của di tích cũng đang gây tranh cãi.

Di tích sau khi được trùng tu với tấm bảng khắc decal khiến nhiều du khách thắc mắc vì không hài hòa với kiến trúc, mỹ quan Ảnh: KHÁNH CHI

Nên gọi đây là di tích Tam quan chùa Bà Mụ như tấm bảng decal hiện tại hay là Cẩm Hải nhị cung theo tên gọi nguyên khởi của di tích này?

Về vấn đề tấm bảng định danh di tích “Tam quan chùa Bà Mụ” dán bằng decal, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Trung tâm) cho biết, đây là giải pháp tạm thời với thái độ thận trọng vì đến nay việc định danh chính xác cho di tích này vẫn chưa thật sự ngã ngũ, và cần phải tham khảo nhiều ý kiến chuyên môn để có sự thống nhất về tên gọi nào.

Họa sĩ Trương Bách Tường là người am hiểu khá nhiều những câu chuyện lịch sử của Hội An cho biết, khởi nguồn tên của di tích này là Cẩm Hải nhị cung. Nhưng do Cẩm Hà cung có thờ ngài Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ nên người dân địa phương thường đến lễ tự nơi đây. Lâu dần, Cẩm Hải nhị cung được người dân địa phương gọi là chùa Bà Mụ. Theo văn bia, tên gọi này ít nhất được dùng vào khoảng thời gian trước năm 1922.

Hiện phần lớn ý kiến đều cho rằng tên gọi chùa Bà Mụ đã đi vào tiềm thức của người dân Hội An. Nếu bây giờ trở lại với tên gọi ban đầu kể từ khi có di tích thì sẽ gặp ít nhiều khó khăn nhưng về lâu về dài vẫn chuẩn hơn. Đồng thời nhiều ý kiến đề nghị ngành chức năng nên mở ra diễn đàn trao đổi, tham khảo giới chuyên môn để có quyết định phù hợp.

“Về mặt bảo tồn, khi tên cũ đã được định danh trong sách vở, bia ký và vẫn còn được xác định rõ ràng thì không hà cớ gì cứ chấp nhận một tên gọi khác, dù là theo thông tục”, ông Tường chia sẻ. Thực tế ở Hội An vẫn có những di tích rơi vào tình trạng tên gốc khác với tên thông tục như hiện nay. Những di tích có tên gọi nguyên thủy là “Triều Châu Hội quán”, “Quảng Đông Hội quán”, “Trừng Hán cung”... thì dân gian lại quen gọi là chùa Âm Bổn, Quảng Triệu, chùa Ông.

 

 Cẩm Hà môn Ảnh: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG

Việc định danh cho một di tích để lại trên bia đá cho ngàn đời sau là chuyện hệ trọng. Chưa kể, di tích này được đưa vào điểm đến cho du khách thì nên sớm thống nhất định danh chính xác để tránh thắc mắc. Theo chuyên môn của ngành bảo tồn, dựa trên bia đá và sách vở như đã dẫn ở trên, đồng thời tham khảo thêm những dấu tích còn lại ở trên hai cổng lớn có hai biển hiệu được gắn chữ bằng sứ “Cẩm Hà môn” và “Hải Bình môn”, thì việc chọn tên “Di tích Cẩm Hải nhị cung” có thể là sự lựa chọn khả dĩ.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết, tên “Tam quan chùa Bà Mụ” đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương hơn nửa thế kỷ nay và nó cũng được ghi vào trong nhiều văn bản hành chính cũng như nghiên cứu. Mặt khác, xét về bảo tồn lại phải tôn trọng nguyên gốc mọi chi tiết liên quan đến di tích, theo nguyên tắc lại phải giữ tên nguyên khởi là “Cẩm Hải nhị cung”. Do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc định danh cho di tích này nên việc dán decal chỉ là tạm thời để tham khảo dư luận trước khi quyết định.

Dự kiến, Trung tâm sẽ tổ chức một cuộc trao đổi về cách định danh di tích này giữa các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, các bậc cao niên, người dân cùng các ngành chức năng để có phương án đồng thuận cao trước khi tiến hành khắc trên đá.

Văn bản hành chính vẫn ghi “Tam quan chùa Bà Mụ”

Liên quan đến vấn đề tên gọi này, Trung tâm cho biết trong các văn bản liên quan và trong dân gian cũng song hành các tên như: Cẩm Hải nhị cung (tức Cẩm Hà cung và Hải Bình cung), chùa Bà Mụ. Việc sử dụng tên cho công trình kiến trúc hiện còn, ngay từ trước 1975 đã có 2 cách gọi trong dân gian: Tam quan chùa Bà Mụ, cổng chùa Bà Mụ.

Trong “Danh mục di tích Hội An” do UBND TP Hội An, Trung tâm QLBTDSVH Hội An biên soạn và xuất bản năm 2000; “Di tích-Danh thắng Hội An” xuất bản năm 2015 đều sử dụng là Tam quan chùa Bà Mụ. Lâu nay việc lập danh sách trong danh mục, trên các văn bản giấy tờ liên quan vẫn gọi là Tam quan chùa Bà Mụ. Tuy nhiên TP Hội An, Trung tâm cũng vẫn còn băn khoăn về vấn đề tên gọi này nên mới “để ngỏ” bảng định danh bằng tấm bảng tạm thời khắc decal.

 

  Nên ghi rõ di tích “Cẩm Hải nhị cung”

Cẩm Hải nhị cung được người dân làng Minh Hương xây dựng vào năm Bính Dần đời Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế - 1626, tại vùng đất giáp ranh hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà (TP Hội An). Theo cuốn “Di sản Hán Nôm Hội An” tập I, bản khắc trên bia đá do cử nhân Thuấn Phu Trương Đồng Hiệp biên soạn, Ngô Đức Chí phiên âm, Nguyễn Bội Liên dịch nghĩa thì Cẩm Hải nhị cung là hai nơi thờ tự riêng biệt, nằm song song trên cùng một khuôn viên. Cẩm Hà cung nằm bên tả, thờ đức Bảo Sanh Đại Đế và 36 vị tướng được phong thần. Hải Bình cung nằm bên hữu, thờ ngài Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ.

Nếu cứ theo cách gọi dân gian là “Tam quan chùa Bà Mụ” thì có phần hơi cưỡng ép. Thực tế trên hai cổng vẫn còn ghi rõ ràng hai tên gọi là “Hải Bình môn” và “Cẩm Hà môn”, vì thế định danh theo bia đá để lại là di tích “Cẩm Hải nhị cung” vẫn là lựa chọn khả dĩ, phù hợp với thiết kế độc đáo của di tích này. Thêm nữa có sự khác nhau giữa tên gọi khi Chùa (Tự) - chỉ dùng cho nơi thờ Phật, trong khi nơi đây lại là Cung - nơi thờ Thần. Tại Hội An có thói quen dùng từ “chùa” để gọi hầu hết các di tích thờ phụng lâu dần thành tên thông tục như chùa Ông, chùa Phúc Kiến, chùa Cầu…

(Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trương Bách Tường)

 TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ - K.CHI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top