Việt Nam bị xếp hạng áp chót về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: EIU đánh giá chưa chính xác!

VHO- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) vừa lên tiếng về bảng xếp hạng Việt Nam đứng thứ 37 trong 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.

Việt Nam bị xếp hạng áp chót về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: EIU đánh giá chưa chính xác! - Anh 1

 Bốn tiêu chí mà EIU chấm điểm cho Việt Nam hiện đang đăng trên website của EIU Ảnh chụp từ màn hình 

 Trong báo cáo công bố ngày 16.1 mang tên “Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse” (tạm dịch: “Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em”) do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện cho thấy, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100. EIU là hãng nghiên cứu thuộc Economist Group, công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist. 
Bày tỏ quan ngại… 
Theo đó, Việt Nam chỉ đứng trước ba nước là Mozambique, Ai Cập và Pakistan, và đứng sau tất cả các nước cùng khu vực được khảo sát như Philippines (vị trí 16), Campuchia (23), Indonesia (32)... Trong khi đó ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada. 
Đánh giá về kết quả này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em bày tỏ quan ngại vì đơn vị thực hiện đã không công khai, minh bạch về phương pháp nghiên cứu, thông tin khảo sát, các chỉ số, phạm vi và thời gian thu thập dữ liệu. Thậm chí một số tiêu chí chưa được đánh giá chính xác. Do đó chưa có căn cứ để khẳng định bảng xếp hạng này là đúng hay sai. 
Nghiên cứu này xếp hạng các quốc gia theo thang điểm 100 và dựa trên 4 tiêu chí: Môi trường; Khuôn khổ pháp lý; Cam kết và khả năng của Chính phủ; Sự tham gia của các ngành nghề, tổ chức xã hội và truyền thông. Theo báo cáo, số điểm Việt Nam được chấm là: Môi trường là 59, khuôn khổ pháp lý là 56, cam kết và khả năng của Chính phủ đạt 38 điểm trong khi sự tham gia của các ngành nghề, tổ chức xã hội và truyền thông chỉ đạt 17 điểm, thậm chí một số tiêu chí như thu thập dữ liệu, bảo vệ trẻ em trên Internet… chỉ 0 điểm. 
“Tôi phủ nhận đánh giá này. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của EIU cũng chưa thể hiện đúng về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam. Chẳng hạn, về tiêu chí thu thập số liệu, về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đang được thực hiện qua nhiều kênh thông tin từ: Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng... nên chấm điểm 0 là chưa chính xác ”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh. 

Việt Nam bị xếp hạng áp chót về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: EIU đánh giá chưa chính xác! - Anh 2

“Tôi phủ nhận đánh giá này. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của EIU cũng chưa thể hiện đúng về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam”. 

(Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em)


Vì sao chưa yêu cầu gỡ bỏ kết quả? 

Việt Nam bị xếp hạng áp chót về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: EIU đánh giá chưa chính xác! - Anh 3

 Công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại VN đã đạt được những kết quả nhất định. Trong ảnh: Giờ học về các tình huống nguy hiểm trẻ có thể dễ bị xâm hại tình dục ở Trường Tiểu học Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội Ảnh: ĐÌNH TUỆ 

Cũng theo ông Nam, hiện nay vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang trở thành vấn đề “nóng” và nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các cơ quan của Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện tình trạng này. Pháp luật của Việt Nam không thiếu các văn bản, các khung chế tài về các hành vi xâm hại trẻ em. Từ khi ra đời Luật Trẻ em, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định, văn bản pháp luật quy định cụ thể về quy trình, thủ tục và thực hiện hỗ trợ, can thiệp với trẻ bị xâm hại, tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em… Đặc biệt, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 675 điểm cầu với 18.000 đại biểu về công tác bảo vệ trẻ em vào ngày 6.8.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt việc tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt tăng cường trách nhiệm đối với các UBND các cấp… 
Đến nay đã có 46/63 tỉnh, thành phố đã lập kế hoạch, sắp xếp nhân sự, triển khai công tác bảo vệ trẻ em. Trong vòng 1 tháng nữa nếu các tỉnh còn lại không lập kế hoạch, Bộ LĐ,TB&XH sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 
Từ những phân tích và dẫn chứng nêu trên, theo ông Đặng Hoa Nam, kết quả nghiên cứu của EIU có thể gây hiểu lầm cho người dân trong công tác bảo vệ trẻ em, đồng thời tạo ra sự hiểu lầm khác trong xã hội. Theo tìm hiểu của Cục Trẻ em, chưa có tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước nào nhận trách nhiệm cung cấp dữ liệu, thông tin cho EIU. 
Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày 21.1, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng thừa nhận chưa có động thái nào đối với đơn vị công bố, thực hiện nghiên cứu nhằm làm rõ, minh bạch về kết quả này. “Còn yêu cầu EIU gỡ bỏ kết quả đã đăng tải hay không thì phải cân nhắc thêm. Chúng tôi phải tìm hiểu họ là ai và như thế nào”, ông Đặng Hoa Nam nói. 

 Yêu cầu trả lời thỏa đáng 
“Chúng tôi chưa có nhiều thông tin liên quan đến kết quả nghiên cứu, khảo sát xếp hạng Việt Nam đứng thứ 37/40 trong việc chống xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên tôi cho rằng, đơn vị nghiên cứu, khảo sát đã đánh giá dưới góc độ, tiêu chí nào đó, còn về tổng thể Việt Nam rất quan tâm công tác phòng chống, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục. 
Có thể đưa ra ví dụ về tỷ lệ những vụ việc đã xảy ra, bị phát hiện đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý như thế nào. Bên cạnh đó, còn có một số vụ xâm hại trẻ em mà báo chí phát hiện hay những vụ mà trong quá trình xử lý còn có nhiều nguyên nhân chưa giải quyết triệt để, trong đó có cả nguyên nhân đến từ gia đình nạn nhân như không trình báo kịp thời, không muốn tố cáo; hoặc những yếu tố khác... Do đó, để đánh giá tổng thể và đưa ra bảng xếp hạng như trên theo tôi là không chính xác. 
Về mặt quản lý nhà nước, Cục Trẻ em cần yêu cầu đơn vị thực hiện, công bố nghiên cứu trả lời thỏa đáng về việc này”. 

(Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) 

 Cần cố gắng hơn nữa 
“Tôi chưa có điều kiện để nghiên cứu kỹ phương pháp thu thập thông tin cũng như cách thức để tính toán điểm của bảng xếp hạng và ai là người tham gia đánh giá. Tuy nhiên, nếu đọc qua thông tin báo chí, tôi nghĩ chấm điểm về truyền thông và sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình phòng tránh xâm hại trẻ em có vẻ chưa phản ánh được hết tình hình… 
Tuy nhiên, dù ở hạng cao hay hạng thấp, tôi cho rằng việc đánh giá này cũng cho chúng ta thấy, Việt Nam cần cố gắng hơn nữa trong công tác phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm cả phòng tránh xâm hại tình dục trẻ trên mạng. Đây cũng không chỉ là công việc của Nhà nước, mà đòi hỏi sự hợp tác, chung tay phối hợp của tất cả các bên liên quan, nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức xã hội, truyền thông, doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ mạng, gia đình và nhà trường” 

(Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững) 

 QUỲNH HOA 

Ý kiến bạn đọc