Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

“Gặp lại” giọng đọc bản tin đặc biệt của 40 năm về trước

Thứ Sáu 15/02/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 5.3.1979 đã phát đi một bản tin đặc biệt: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”...

Bản tin thời sự của Đài Tiếng nói VN sáng ngày 5.3.1979 qua giọng đọc phát thanh viên Tuyết Mai vẫn còn vang mãi đến hiện tại

 Sau bốn mươi năm, thế hệ hôm nay lần giở lại “trang sử” để được nghe lại những giọng đọc nổi tiếng của NSND Tuyết Mai, NSƯT Hoàng Yến, những phát thanh viên đọc bản tin đặc biệt này qua đó được cảm nhận một cách mãnh liệt hơn sự hùng hồn của “Lời hịch” năm xưa lay động lòng người.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều qua 14.2, bằng giọng rất xúc động, NSƯT Hoàng Yến, người đọc lời dẫn trước khi NSND Tuyết Mai đọc lệnh Tổng động viên chống quân Trung Quốc xâm lược ngày 5.3.1979, chia sẻ: “Ngày 17.2.1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km biên giới. Sáng 5.3.1979, trong tình thế cấp bách chống lại hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lệnh Tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến”.

 NSND Tuyết Mai cùng đồng nghiệp khi còn công tác tại Đài Tiếng nói VN Ảnh: TƯ LIỆU

Nghẹn lại đôi chút, NSƯT Hoàng Yến nói tiếp: “Vào thời điểm đó tôi và NSND Tuyết Mai vô cùng xúc động và cũng vô cùng căng thẳng. Chúng tôi đã phải kìm nén những cảm xúc cá nhân như bất kì người dân Việt Nam đang lo lắng trước vận mệnh của đất nước để có thể đọc một cách rõ ràng, mạch lạc và lột tả được tinh thần của lời kêu gọi. Chúng tôi vô cùng ý thức về trách nhiệm của người phát thanh viên khi thay mặt Đảng, Chính phủ đọc lời hiệu triệu, kêu gọi người dân cả nước đồng lòng đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. NSƯT Hoàng Yến cho biết, những ngày này không chỉ ghi dấu ấn trong lịch sử cách mạng nước nhà mà còn ghi dấu ấn với bà. Trước khi chia sẻ với Báo Văn Hóa, mặc dù đang ở quê nhưng bà đã bật lại lời kêu gọi nghe qua điện thoại và lần nào nghe lại trong bà cũng dấy lên nhiều xúc cảm. Nói về người chị, người đồng nghiệp phát thanh viên của mình, NSƯT Hoàng Yến cho biết, trong những năm kháng chiến, giọng đọc của NSND Tuyết Mai được coi là chuẩn mực trong ngành. Chất giọng nữ trung mượt mà, không chỉ tròn vành rõ chữ mà hết sức chuẩn mực tiếng Việt, đất Bắc, âm sắc thanh thoát đầy biểu cảm.

Còn nhạc sĩ Phan Tuyết Minh, con gái của NSND Tuyết Mai thì cho biết năm nay NSND Tuyết Mai (tên thật là Bùi Thị Thái) đã 94 tuổi nên sức khỏe giảm sút nhiều. Thế nhưng, nghề phát thanh viên đã gắn bó cả đời khiến bà đôi khi vẫn đọc lại một vài đoạn trong lời kêu gọi và những bản tin thời sự mang tính trọng đại. Khi bà Tuyết Mai đọc lời kêu gọi năm 1979 thì nhạc sĩ Tuyết Minh đang học đại học. “Gia đình chúng tôi vô cùng tự hào khi mẹ mình là người được lựa chọn đọc những bản tin thời sự, chuyển tải những thông tin quan trọng của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Có những bản tin nếu đọc bằng chữ, chúng tôi sẽ không cảm nhận hết cái thần, cái ý nhưng qua giọng đọc của mẹ tôi, chúng tôi thẩm thấu hơn rất nhiều”.

 Đoàn phát thanh viên VOV thăm gia đình NSND Tuyết Mai - người thứ 2 bìa trái Ảnh: T.TUẤN

Để có được cái giọng đọc đặc sắc và đi sâu vào lòng người, NSND Tuyết Mai đã phải khổ luyện hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Chỉ riêng việc vận động tập luyện ngoài thể dục thì bà còn dành nhiều thời gian để luyện thanh, luyện giọng, tập thở... trước khi tới đài. Ngoài những “thao tác” đơn thuần thì phải có trái tim mẫn cảm, một nhận thức nhạy bén về đời sống mới tích hợp cho giọng đọc. Cứ mỗi lần đọc những bản tin quan trọng hay một bài báo hay thì bà lại về chia sẻ cho chồng và các con. Có lẽ vì vậy mà có rất nhiều nhà báo giỏi, biên tập viên tên tuổi, các con bà đều thuộc hết bởi được nghe mẹ kể lại, thậm chí đọc lại các bài viết của họ trong những bữa cơm của gia đình.

Đã 40 năm trôi qua, song mỗi khi nghe lại lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi tới đồng bào và chiến sĩ cả nước, kêu gọi toàn dân dứng lên chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ Tổ quốc, có lẽ không người Việt Nam nào không thấy trào dâng tình yêu Tổ quốc nơi trái tim mình. Và để góp phần chuyển tải nội dung, ý nghĩa lịch sử ấy không thể không nhớ tới những người phát thanh viên như NSND Tuyết Mai, NSƯT Hoàng Yến đã góp phần nhỏ bé để truyền lửa, thổi bùng lòng yêu nước của toàn dân, toàn quân Việt Nam mãi vang xa, ngân xa. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top