Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nếu thế sẽ rất khó hút khách quốc tế

Thứ Sáu 18/10/2019 | 10:35 GMT+7

VHO- Dự thảo lần 4 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) vừa được Bộ Công an trình Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật này trình Quốc hội.

 Chính sách thị thực thông thoáng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam Ảnh: BÙI TƯỞNG

Đây là Luật có những quy định tác động rất lớn đến chính sách thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Chẳng khác nào không miễn!

Tại Mục 8, sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật số 47 như sau: “Quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước phải có đủ các điều kiện sau đây: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.

Như vậy, với quy định đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước với điều kiện bổ sung nước đó cũng phải “Có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam” thì chẳng khác nào đòi hỏi phải miễn trên cơ sở “có đi có lại” hoặc “họ miễn thì mình mới miễn”. Nếu nội dung này được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch, làm hạn chế khả năng thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm vào Việt Nam và đi ngược với chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đảng và Chính phủ hiện nay.

Nếu xét trên quan hệ đối đẳng về chính sách thị thực cho công dân thì Việt Nam nói riêng và một số nước Đông Nam Á nói chung luôn đối mặt với chính sách hạn chế thị thực nhập cảnh do vấn đề nhập cư và lao động. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là “cú hích” để nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do đó, ngành Du lịch và nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất bỏ quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13 của Dự thảo Luật.

Trong 24 nước được Việt Nam miễn visa, có 5 nước Tây Âu (Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha) đơn phương miễn 3 năm đến 30.6.2020; 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển) và 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Nga miễn đơn phương đến 31.12.2019. Đây đều là những thị trường lớn của du lịch Việt Nam (châu Âu chiếm trên 6% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam), Nhật Bản (chiếm 5,4%), Hàn Quốc (chiếm 22%), Nga (chiếm 3,9%).

Tiếp tục đề nghị nâng thời hạn miễn thị thực đơn phương lên 30 ngày

Trong dự thảo lần 4 sửa đổi, bổ sung Luật số 47, Điều 31, Khoản 1, Điểm d quy định: “Đối với công dân nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày”. Về quy định này, Bộ VHTTDL bảo lưu ý kiến đề nghị sửa đổi, nâng thời hạn miễn thị thực đơn phương lên 30 ngày. Vì thực tế khi triển khai các quy định này đã phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt đối với chương trình du lịch dành cho đối tượng khách đi du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, nhất là khách quốc tế ở những thị trường xa như châu Âu thì chương trình kéo dài 30 ngày là bình thường.

Áp dụng việc miễn thị thực đơn phương thời hạn 15 ngày như hiện nay, với các chương trình du lịch Việt Nam trên 15 ngày, du khách phải xuất cảnh sau 15 ngày tạm trú và nhập cảnh trở lại hoặc làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua các doanh nghiệp lữ hành quốc tế giống như các trường hợp không được miễn thị thực. Quy định này không chỉ phát sinh thủ tục phiền hà, gây tâm lý không thoải mái cho khách mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... có cùng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng dài ngày. Việc chỉ miễn thị thực 15 ngày sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách miễn thị thực của Việt Nam. Bộ VHTTDL đề nghị sửa Điều 31, Khoản 1, Điểm d như sau: “Đối với công dân nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 30 ngày” nhằm thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, tăng nguồn thu từ khách du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị Phương án 2 của Mục 2 “Về việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam”, theo đó quy định theo hướng giao Chính phủ quy định cơ quan, tổ chức của Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của người nước ngoài để làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lí xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Tại mục 11, bổ sung Điều 19a vào Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 47 như sau: “Danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử”. Chính phủ sẽ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài, nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Tuy nhiên, việc quy định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 47 sẽ tạo ra sự bó buộc đối với đối tượng được áp dụng thủ tục thị thực điện tử vì ngoài công dân của các nước, còn có công dân của một số lãnh thổ có quan hệ kinh tế, xã hội, đặc biệt là trao đổi du lịch hai chiều với Việt Nam. Vì vậy, Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đề nghị mở rộng đối tượng được áp dụng thị thực điện tử bao gồm công dân của các quốc gia và vùng lãnh thổ. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top