Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Cần thiết tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian với quy mô lớn

Thứ Sáu 25/10/2019 | 10:49 GMT+7

VHO- UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND về tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019. Không chỉ quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa dân gian của Thủ đô, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tại Hà Nội cần hướng tới là điểm đến của văn hóa dân gian cả nước.

 CLB Ca trù Phú Thị, Hà Nội

Khẳng định vai trò đầu tàu của Hà Nội

Theo số liệu tổng kiểm kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích. Đây là địa phương có số lượng di tích được kiểm kê, xếp hạng lớn nhất nước. Hơn thế, gần như trong lĩnh vực xếp hạng di tích ở trong nước cũng như các danh sách di sản được UNESCO vinh danh thì Hà Nội đều có di sản tiêu biểu trong các hạng mục, danh sách đó. Trong đó có nhiều di tích nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm, các di tích Tứ trấn, Phố cổ Hà Nội, làng cổ ở Đường Lâm… GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN đánh giá: “Hà Nội chiếm số lượng 1/3 tổng số danh sách di tích quốc gia và chiếm gần 1/5 trong danh sách di tích quốc gia đặc biệt…”. Chưa kể là Hà Nội cũng là miền đất nổi tiếng với nhiều ngành nghề tiêu biểu và chiếm tới gần 40% ngành nghề thủ công truyền thống ở VN.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội từ lâu đã được nhìn nhận là “đầu tàu” của cả nước. Tính đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất trên cả nước triển khai thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn thành phố. Không chỉ nhận diện, kiểm kê, xác định giá trị, đánh giá thực trạng, sức sống các di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội còn tìm ra và triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, Hà Nội đã kiểm kê và lập Bản đồ phân bố cho 1.793 di sản văn hóa phi vật thể ở thủ đô. Qua đó cung cấp cái nhìn tổng quan về di sản văn hóa phi vật thể của thủ đô ngàn năm văn hiến... Trong các Hội diễn, Liên hoan toàn quốc về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cũng là đoàn nổi bật hoặc luôn dẫn dầu. Đơn cử như Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018, Hà Nội là đoàn ca trù đông đảo nhất, chất lượng nhất và đoạt nhiều HCV, HCB nhất cả nước.

Dù vậy, năm 2019 mới chỉ là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019. Lễ hội dự kiến tổ chức tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm nhằm tôn vinh, giới thiệu về văn hóa dân gian đương đại và di sản văn hóa của thủ đô, qua đó góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại. Bên cạnh lễ khai mạc, tại Lễ hội có nhiều hoạt động hấp dẫn khác như không gian trưng bày, giới thiệu các làng nghề thủ công truyền thống và sản phẩm nghề thủ công truyền thống có thiết kế sáng tạo, đang được gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại như nghề gốm Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… Các nỗ lực bảo tồn, phục hồi di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội cũng có dịp trưng trổ trong Lễ hội này như những nỗ lực bảo tồn, phục hồi các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ; dòng tranh mới được ghép từ các mảnh lụa, vải… do các nghệ nhân, phụ nữ và trẻ em khuyết tật tái hiện lại những bức tranh dân gian, phong cảnh và di sản văn hóa Thủ đô; tranh gốm và tranh ghép gốm sứ; tranh thêu tay…

 Hát quan họ tại chợ đêm Đồng Xuân, Hà Nội

Hướng tới là điểm đến của văn hóa dân gian cả nước

Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 là hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ XV (23.11) và hưởng ứng sự kiện thành phố Hà Nội đề cử tham gia mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức sự kiện này và Hà Nội cũng chính là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại trong không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Thực tế, trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ trước đến nay đã có nhiều hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian và di sản văn hóa phi vật thể của nhiều nhóm nghệ nhân Hà Nội. Có thể kể đến hàng loạt nhóm nghệ nhân, các loại hình văn hóa dân gian và di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội thường xuyên diễn xướng trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm trong các dịp cuối tuần như: nhóm Xẩm Hà Thành, Biểu diễn bảo tồn Cây đàn bầu Việt Nam của NSƯT Hoàng Anh Tú và nhóm cộng sự; diễn xướng các trích đoạn Chèo, Cải lương của Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Cải lương Hà Nội...

Bắt đầu đưa vào thử nghiệm tổ chức phố đi bộ từ năm 2004 và đặc biệt phát triển quy mô từ năm 2016, Hà Nội vẫn luôn khuyến khích các địa phương, vùng miền trên cả nước đưa chương trình văn hóa nghệ thuật về thủ đô trình diễn. Cụ thể, liên tục từ năm 2016 đến nay Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản gửi cơ quan quản lý văn hóa các tỉnh, thành phố đưa chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc về biểu diễn tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Thực tế, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã đưa chương trình văn hóa, nghệ thuật về tổ chức tại các tuyến phố đi bộ Hà Nội. Từ năm 2016 tỉnh Hà Giang thường xuyên tổ chức “Không gian văn hóa dân tộc Mông-Hà Giang tại Hà Nội” bằng các hoạt động như khèn sáo Mông, gậy sinh tiền, kèn lá, kèn môi, trình diễn dệt lanh vải, tái hiện lễ hội Gàu Tào, trưng bày hoa tam giác mạch… Năm 2017, tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” với các hoạt động triển lãm ảnh, xây dựng không gian để du khách trải nghiệm chinh phục tuyến du lịch “Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất thế giới”, không gian văn hóa dân ca hò khoan Lệ Thủy, chương trình tìm hiểu Vương quốc hang động Quảng Bình… Gần đây, tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử và tỉnh Quảng Nam cũng đã có các chương trình biểu diễn hát Bài chòi...

Vì thế, mặc dù chỉ mới lần đầu tiên tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 nhưng Lễ hội này cần phải hướng tới quy mô và không gian tổ chức thực sự rộng mở. Không chỉ là nơi diễn xướng và quảng bá các loại hình văn hóa dân gian và di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội mà Lễ hội này còn phải hướng tới là điểm đến của văn hóa dân gian và di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội. Khu vực này tạo những không gian văn hóa giới thiệu các sản phẩm và ứng dụng của nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại của Hà Nội nhưng cần hướng tới sự giao lưu của các địa phương trên cả nước bởi Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa, kết tinh văn minh của cả nước có số lượng di sản văn hóa lớn nhất toàn quốc. 

 PHÚC NGHỆ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top