Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Góc nhìn khác về danh nhân Nguyễn Thị Lộ trên sân khấu cải lương

Thứ Năm 28/11/2019 | 23:24 GMT+7

VHO-Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn Bên ánh sao Khuê (Tác giả kịch bản: Nguyễn Văn Thịnh; chuyển thể Cải lương: NSƯT Ngọc Chi; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai).

Vụ án Lệ Chi Viên gắn với số phận ba con người: Vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xảy ra cách đây đã trên năm thế kỷ (1442) nhưng cho đến nay trong lòng người Việt vẫn không nguôi trăn trở, xót xa cho cặp vợ chồng Nguyễn Trãi, Thị Lộ tài hoa và sự ra đi chất chứa đầy nỗi oan khuất của họ. Vở diễn đã tái hiện thảm án Lệ Chi Viên với một góc nhìn riêng đầy trong trẻo, nhân ái nhằm giải oan cho danh nhân Nguyễn Thị Lộ.

Cuộc chiến phe cánh trong triêu đình nhà Lê mở ra, Ức trai Nguyễn Trãi là một nạn nhân oan khiên trong lịch sử

Vụ án Lệ Chi Viên gắn với số phận ba con người: Vua Lê Thái Tông (Nghệ sĩ Lê Trung Tuấn), Nguyễn Trãi (NSƯT Mạnh Hùng) và Nguyễn Thị Lộ (Nghệ sĩ Thuỳ Dung). Ba con người ấy, một là vua, một là quan đại thần Nguyễn Trãi, một người là vợ yêu của ông, được vua phong “Lễ nghi học sĩ” và hết mực sủng ái. Ba số phận ấy ràng buộc với nhau bởi quan hệ vua - tôi, chồng - vợ. Khác với nhiều vở diễn khác, lần này ê kíp sáng tạo đặc biệt xây dựng nhân vật trung tâm là Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Thị Lộ được phong chức Lễ nghi học sĩ, cai quản việc giáo dục trong hậu cung. Bên cạnh chồng - một nhân vật nổi bật trong chính sử thì bà Lộ lại rất ít được chính sử đề cập. Xuất thân từ cô gái bán chiếu, Nguyễn Thị Lộ được Nguyễn Trãi yêu và trọng về tài, sắc. Bà cũng được vua Lê Thái Tông coi trọng và phong cho làm Lễ nghi học sĩ. Với tài năng, trí tuệ và vẻ đẹp, Nguyễn Thị Lộ trở thành một nhân vật có ảnh hưởng đối với vua Lê. Trong một lần đi tuần, vua ghé Lệ Chi Viên- nơi Nguyễn Trãi về ở ẩn- và mất tại đó. Bị giáng tội giết vua, Nguyễn Thị Lộ bị dìm nước cho đến chết và Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc, trở thành một trong những thảm án lớn trong lịch sử thời Lê.

Chiếu cói xuất hiện xuyên suốt cả vở diễn 

Ở Bên ánh sao Khuê, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã tập trung khai thác yếu tố trữ tình, diễn tả số phận, tính cách và tâm hồn nhân vật, để ngợi ca phẩm chất cao đẹp của anh hùng và liệt nữ, ca ngợi một tình yêu lớn nảy sinh và nồng thắm trong chủ nghĩa yêu nước. Chia sẻ về ý đồ dàn dựng vở diễn, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết: "Đã có nhiều vở diễn nói về bà Thị Lộ và ông Nguyễn Trãi nhưng hầu như chỉ thiên về cụ ông. Khi đưa vở diễn lên thì Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng rất áp lực vì Nhà hát đã dựng vở Vằng vặc Sao Khuê, Vua thánh Triều Lê… Bản thân tôi rất có cơ duyên với hai cụ khi tham gia Hội những người tôn kính Ức trai Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Hàng năm vào ngày giỗ của hai cụ vào 16.8 âm lịch, tôi và NSƯT Lê Chức và nhiều người đã đến đền Lệ Chi Viên để thắp hương và cùng tưởng nhớ tới họ. Với vở diễn này, tôi muốn chiêu tuyết (giải oan) đặc biệt cho cụ bà. Trong lịch sử, cụ bà ít được đề cập, mờ mờ ảo ảo về công lao của cụ. Tôi nghĩ, hai con người này, 1 người là danh nhân văn hóa thế giới, người bên cạnh cũng không kém, họ đều là những người tài năng, những nhà văn hóa lớn của Việt Nam".

Sân khấu trang trí ấn tượng

"Tôi muốn khán giả bước vào thánh đường sân khấu và không gian của vở không chỉ nhìn mà còn cảm nhận được mùi rơm rạ, của cói, rất thuần Việt. Tôi nghĩ rằng mình làm thế này không giống bất cứ một vở diễn nào về hai cụ trước đó"- đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ.  Quả thực,  thành công lớn nhất của vở diễn chính là phương diện dàn dựng nghệ thuật. Hình ảnh chiếu cói đã khắc sâu trong bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Trãi “Ghẹo cô hàng chiếu”. Từ bài thơ này và xuất thân của bà Thị Lộ là cô bán chiếu gon, đạo diễn đã thực sự tung hoành sáng tạo với chất liệu cói và hình tượng chiếc chiếu cói xuất hiện xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Có lúc cả hệ thống trang trí sân khấu được dùng bằng những dải chiếu cói dài tạo nên màu đen của quyền lực hắc ám, lúc lại trở thành vườn vải Lệ Chi Viên, lúc lại diễn tả triều đình… Có thể nói việc xử lý chiếu cói là một cách thể hiện rất đắt trong phương pháp dàn dựng và xử lý sân khấu của đạo diễn.

Vẻ đẹp và tài năng của Thị Lộ đã khiến vua Lê mê mẩn

Là một đạo diễn nữ, hơn thế lại rất tâm đắc với việc xây dựng làm sáng những nhân vật nữ trong các tác phẩm của mình, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng đã làm cho Thị Lộ của Thuỳ Dung sáng bừng lên trên sân khấu với vẻ đẹp không chỉ ở nhan sắc mà còn ở chất trí tuệ, chất văn hoá trong con người bà. Điều đó cũng đã lý giải vì sao vua Lê Thái Tông dẫu kém tới hai chục tuổi cũng mê mẩn và dùng quyền của một ông vua triệu Thị Lộ vào cung. Trong Bên ánh sao Khuê, Thị Lộ đẹp và luôn giữ khoảng cách vua tôi, cử chỉ đàng hoàng và yêu chồng rất mực nên Thái Tông chẳng thể bờm xơm. Lần đầu tiên khi xây dựng thảm án Lệ Chi Viên trên sân khấu có cảnh vua Lê Thái Tông xin lỗi Thị Lộ với nghĩa bà là thầy giáo của mình, và mong muốn có sự thay đổi, hướng thiện muốn mời ông Nguyễn Trãi từ Côn Sơn trở về giúp việc cho triều đình. Tuy nhiên lời tạ lỗi quá muộn màng nên đã xảy ra bi kịch không chỉ cho gia đình Nguyễn Trãi, Thị Lộ mà cả cho nhà vua và triều đình nhà Lê.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các đại biểu lên tặng hoa các nghệ sĩ sau buổi diễn

Điều thú vị là bên những nhân vật chính trong vở diễn thì các vai diễn phụ Thái giám của NSƯT Trọng Bình, Tuấn Thái, Văn Thuận đã rất xuất sắc dẫu chỉ xuất hiện chỉ ở một vài cảnh trong vở diễn.  Đặc biệt vai Thái giám Lương Đăng do NSƯT Trọng Bình thể hiện đã diễn rất đạt từ ánh mắt, giọng nói, cử chỉ đã làm toát lên cái ác, cái nịnh bợ, cái xoay chuyển của những kẻ gian thần đầy thâm độc.

Có thể nhìn thấy một phong cách rất Hoàng Quỳnh Mai nói riêng, Nhà hát Cải lương Việt Nam nói chung bởi sự chuẩn mực trong dàn dựng, trong thiết kế mỹ thuật và phục trang. Nhiều hình ảnh đẹp được đọng lại trong ấn tượng của khán giả như cảnh Nguyễn Trãi đơn độc giữa rừng trúc khi Thị Lộ ra đi, đặc biệt là cảnh kết cảnh Nguyễn Trãi và Thị Lộ được bao bọc bởi những cô thôn nữ gánh chiếu gon như hình ảnh quê hương, non sông ôm trọn lấy họ và ngàn đời sau, lịch sử sẽ giải oan cho họ giống như Bên ánh sao Khuê.

Thể hiện một phong cách nghệ thuật riêng

Đêm diễn ra mắt Bên ánh sao Khuê, khán giả đến xem chật kín rạp, thậm chí có không ít người phải đứng, ngồi trên dọc các bục lên xuống của Nhà hát Chèo Việt Nam. Đây đã là một thành công đáng được ghi nhận khi khán giả bị cuốn hút và kiên nhẫn ngồi hơn 2 tiếng đồng hồ để xem cải lương. Các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thêm một lần nữa khẳng định một phong cách nghệ thuật rất riêng khi mang tới  một vở diễn được dàn dựng công phu, nghiêm túc. Đặc biệt là dàn diễn viên của Nhà hát rất hùng hậu, không chỉ những nghệ sĩ đảm đương vai chính mà các vai phụ diễn cũng rất ấn tượng. Đây chính là tín hiệu đáng mừng khi nhà hát đã luôn có những thế hệ nghệ sĩ trẻ kế tiếp.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL, PGS, TS Tạ Quang Đông)

THUÝ HIỀN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top