Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đau đáu... ký ức nhà chồ

Thứ Sáu 29/11/2019 | 10:34 GMT+7

VHO- Bảo tàng Đà Nẵng vừa phối hợp với GS Graeme Were, Trưởng khoa Nhân học (Đại học Bristol - Vương quốc Anh) tổ chức triển lãm tranh với chủ đề Câu chuyện bên bờ sông. Triển lãm không chỉ thu hút nhiều người dân, học sinh, sinh viên đến tham quan mà còn có cả sự góp mặt của nhiều ngư dân, những người đã từng sống trong nhà chồ, sinh kế bằng nghề chài lưới, bắt cua, đánh cá.

 Triển lãm thu hút sự quan tâm của giới trẻ

 Triển lãm là kết quả thực hiện nghiên cứu đề tài về cuộc sống mưu sinh và những người dân chài qua quá trình đô thị hóa. Xuyên suốt trong đó là câu chuyện của một số gia đình trong cộng đồng làng chài, những tâm sự của họ sau thời gian từ chính quyền thành phố Đà Nẵng đã di dời những hộ dân sống trong khu nhà chồ ven bờ đông sông Hàn đến những khu nhà ở mới vùng Nại Hiên Đông, ven đô thuộc quận Sơn Trà, giai đoạn năm 2000 đến 2005. Không chỉ tái hiện qua những bức tranh về con người, hiện vật của cộng đồng chài lưới, triển lãm còn thu hút nhiều người dân chài trực tiếp đến để chia sẻ, từ đó toát lên sự mạnh mẽ của một cộng đồng mà sinh kế bao đời của họ từng trên một dòng sông.

Đã 10 năm rời xa nhà chồ và ngư cụ, bà Phan Thị Cương (P. Nại Hiên Đông) bùi ngùi khi đến bảo tàng Đà Nẵng và nhìn thấy những hiện vật gợi nhớ đến ký ức của mình: “Ngày xưa tôi sống ở nhà chồ, chỉ cần ra khỏi nhà, bước xuống thuyền là có thể đi đánh cá, bắt cua. Gần 10 năm nay tôi không còn được làm công việc này nữa, tôi rất nhớ về những ngày tháng đó”. Bà Nguyễn Thị Liên (P. Nại Hiên Đông) hồi tưởng ký ức qua chiếc đèn dầu khi cho biết, ngày xưa đèn dầu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình ở xóm nhà chồ. Nó không chỉ gợi lại cuộc sống của ngư dân mà còn nhắc đến hành trình đi tìm con chữ của những đứa trẻ xóm chồ.

Không gian tái hiện cuộc sống của cộng đồng làng chài trong Bảo tàng Đà Nẵng

GS Graeme Were luôn có xu hướng gắn kết bảo tàng với cộng đồng, là một xu hướng mới của Bảo tàng học thế giới. Theo ông, ở Việt Nam hiện có rất ít bảo tàng thực sự chú trọng và thành công trong phát triển theo định hướng này. Những bảo tàng đã và đang thực hiện thành công tiêu biểu là Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Riêng đối với các bảo tàng địa phương, vấn đề gắn kết bảo tàng với cộng đồng chưa thực sự được chú trọng. Lần nghiên cứu này, chủ đề Câu chuyện bên bờ sông được quyết định sau khi ông đã dành nhiều thời gian cho các cuộc tiếp xúc với những ngư dân từng sống ở nhà chồ ven sông Hàn ngày xưa, khơi gợi từ họ hoài niệm của quá khứ và những tâm sự sau khi đời sống thay đổi. “Những hình ảnh chúng ta thấy trong triển lãm chỉ nói lên được một phần nhỏ trong quá trình chúng tôi nghiên cứu. Khi chúng tôi đưa những người dân chài đến Bảo tàng Đà Nẵng và cho họ nhìn lại những không gian trưng bày về nhà chồ ngày xưa của họ trong bảo tàng, những dụng cụ đã gắn bó bao đời với họ, tổ tiên, ông cha của họ, chúng tôi nhận thấy cộng đồng người dân chài mang rất nhiều tâm sự và ký ức về đời sống sông nước. Qua nghiên cứu đã chứng minh, cộng đồng là nơi luôn đem đến những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Đây là hoạt động ý nghĩa của sự hợp tác, gắn kết những người dân với chúng tôi trong dự án. Đặc biệt là thu được nhiều kiến thức quý giá về Đà Nẵng cũng như đời sống của người dân làng chài Đà Nẵng”, Graeme Were nói.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, với việc hợp tác với GS Graeme Were, bảo tàng mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ GS trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động giúp Bảo tàng trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng, và gần gũi với cộng đồng địa phương. “Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế là một trong những hướng phát triển đã và đang được Bảo tàng Đà Nẵng quan tâm nhằm tiếp cận với các xu hướng phát triển mới của các bảo tàng trên thế giới. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế của bảo tàng cũng góp phần mang lại cơ hội cho công chúng bảo tàng, nhất là người dân địa phương cơ hội để giao lưu văn hóa, chia sẻ văn hóa với bạn bè quốc tế, từ đó ngày càng nâng cao vai trò của bảo tàng trong cộng đồng”, ông Thiện cho biết. 

NGỌC HÀ

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top