Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hưởng ứng "Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2019”: Hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030

Thứ Hai 02/12/2019 | 10:47 GMT+7

VHO- Cuộc mít tinh và diễu hành với sự tham gia của gần 2.500 người đã được tổ chức sáng qua, 1.12 tại TP Bắc Giang là hành động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/ AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2019…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ mít tinh

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS năm 2018, đại dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc trên thế giới. Hiện có hơn 37,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống và khoảng hơn 35 triệu người đã tử vong vì AIDS. Mỗi ngày qua đi thế giới có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và như vậy mỗi năm thế giới này lại có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và khoảng 770 ngàn người tử vong do AIDS.

Năm thứ 11 liên tiếp dịch HIV/ AIDS ở Việt Nam giảm được ba tiêu chí

Năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp dịch HIV/ AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới đang được áp dụng tại Việt nam. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV và tính bền vững của chương trình…

Hiện nay, có hơn 140.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV, hơn 54 nghìn người nghiện ma túy đang được điều trị bằng thuốc Methadone. Mỗi năm chúng ta đã xét nghiệm HIV cho khoảng 3 triệu người; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm. Việt Nam là nước đứng đầu trong các nước được Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, Chống HIV/AIDS (PEPFAR) hỗ trợ đạt được tỷ lệ cao nhất về tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (trên 93%).

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, 40 năm trước, phát hiện những người nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới và tới nay đã có 72 triệu người nhiễm HIV, gần một nửa trong số đó đã chết. Việt Nam phát hiện bệnh nhân đầu tiên vào những năm 1990, đến nay đã có trên 315.000 người nhiễm HIV. Trong số đó trên 100.000 người đã chết. Nhờ sự chung tay của toàn thế giới, đại dịch đã từng bước được kiểm soát. Số người bị nhiễm mới, số người chuyển từ giai đoạn nhiễm HIV sang AIDS, số người chết đã giảm dần. Sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/ AIDS ở rất nhiều nơi đã không còn. Từ chỗ coi những người nhiễm HIV/AIDS là những người “xấu” thì bây giờ coi họ là những người bệnh bình thường cần được chăm sóc, cần được chia sẻ. Với thành tựu của khoa học, từ chỗ nhiễm HIV bị coi như lĩnh án tử hình, bây giờ những người nhiễm HIV nếu được phát hiện sớm và được điều trị có thể chung sống và có thể sinh con mà không bị nhiễm HIV.

Phó Thủ tướng cám ơn nhiều tổ chức quốc tế và các Chính phủ đã hỗ trợ, hợp tác nhờ đó ở Việt Nam, năm nay là năm thứ 11 liên tiếp, cả số người bị nhiễm mới, số người chuyển từ giai đoạn nhiễm HIV sang AIDS, số người chết do căn bệnh này đã giảm liên tục. Phó Thủ tướng cũng cám ơn các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân đã hưởng ứng các hoạt động phòng chống HIV với một nỗ lực kiên trì qua nhiều năm... Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam còn phải hết sức nỗ lực ở chặng đường cuối để cùng với thế giới chấm dứt đại dịch này vào năm 2030.

 Toàn cảnh mít tinh

Phải quyết liệt hành động nhằm ngăn chặn

“Phải quyết liệt hành động nhằm ngăn chặn cả nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây nên căn bệnh này, trong đó đặc biệt là ma túy và mại dâm. Đầu tiên là nói không với ma túy, mại dâm. Có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời để có thể tiếp tục cuộc sống không lây nhiễm người khác và vẫn có thể sinh con. Đồng thời cần sự chung tay của cộng đồng và tất cả các cấp chính quyền. Cần có hệ thống tài chính ổn định, bền vững để xây dựng chương trình đảm bảo nguồn tài chính cho công tác phòng và chống HIV”, Phó Thủ tướng nói.

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể, tập trung cả phòng và điều trị HIV-AISD nhưng chắc chắn năm 2020 phải làm được là việc 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV vì còn 1/3 số người nhiễm bệnh chưa được điều trị. Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á và Thái Bình Dương cho rằng, khó khăn, thách thức còn nhiều nhưng năm 2020 mang đến những cơ hội to lớn để Việt Nam định hình cho chặng đường tiếp theo trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.

Ông Eamonn Murphy khẳng định, với việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống HIV/AIDS và xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy và thể chế hóa những cách tiếp cận táo bạo, dựa trên bằng chứng và quyền, huy động được trí tuệ và công sức của cộng đồng và toàn xã hội, để hướng đến mục tiêu lớn lao về kết thúc dịch AIDS. Vị đại diện UNAIDS mong muốn, những văn bản mang tính chiến lược này của Việt Nam sẽ tiếp tục lấy người dân làm trung tâm, và đảm bảo được nguồn lực đầu tư thích đáng cả về tài chính và con người để có thể lấp hết các khoảng trống đang tồn tại và hiện thực hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Cũng tại buổi lễ, bà Caryn McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam cho thấy sự chỉ đạo đặc biệt trong cuộc chiến chống lại HIV. Bằng chứng là sáu năm trước, Việt Nam cam kết giảm sự phụ thuộc vào các nguồn lực từ các nhà tài trợ để kiểm soát dịch HIV. Chính phủ Việt Nam đã làm được điều mà ít Chính phủ khác có thể làm được, đó là tự chủ tài chính cho các dịch vụ điều trị HIV thông qua bảo hiểm y tế và cung cấp dịch vụ HIV có giá cả phải chăng hơn và bền vững hơn với người dân Việt Nam. 

 Bà Phó Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, Chống HIV/ AIDS (PEPFAR), cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, với các quần thể dễ bị tổn thương và các cộng đồng bị ảnh hưởng, và với tất cả các đối tác để hướng tới mục tiêu chung là chấm dứt dịch HIV ở Việt Nam.

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top