Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Bản sắc dân tộc” trong phim Việt: Phải ồ à “đúng là Việt Nam”

Thứ Tư 04/12/2019 | 10:55 GMT+7

VHO- Có thể nói, một chặng đường phim truyện điện ảnh Việt Nam vừa được nhìn nhận lại trong kỳ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXI vừa qua. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong những năm gần đây phim Việt đã thể hiện được sự chuyên nghiệp, có những bước phát triển nhất định với chất lượng đáng ghi nhận.

 Cảnh trong phim "Song lang"

 Tuy nhiên, để điện ảnh Việt Nam mang tính đặc trưng và nổi bật, có chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh thế giới, cần thể hiện được yếu tố “bản sắc dân tộc” đậm nét hơn.

Điện ảnh Việt đi được bao nhiêu ki lô mét ngoài biên giới?

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, trong 3 năm trở lại đây, số lượng phim Việt sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỉ đồng trong tổng số 3.000 tỉ đồng doanh thu phim chiếu rạp).

Sản xuất phim được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó với đội ngũ sáng tác trẻ đã tạo nên nhiều màu sắc mới cho điện ảnh Việt Nam và các tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các LHP quốc tế. “Mười năm về trước đã có rất nhiều phim của Việt Nam được bán cho các Đài truyền hình nước ngoài. Đó là những phim giành các giải thưởng Bông sen vàng, Bông sen bạc tại các LHP. Số tiền bán phim không nhiều nhưng phim được mua, được phát sóng đã đến được với khán giả quốc tế để giới thiệu về nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc. Vậy tại sao giờ đây phim được sản xuất với chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật tốt hơn lại gặp khó khăn khi phát hành ở nước ngoài?”, bà Hà đặt câu hỏi.

Nhà báo - nhà biên kịch Chu Thu Hằng trăn trở, vài năm gần đây, điện ảnh Việt Nam tiếp tục có những giải thưởng tại một số LHP quốc tế. Một vài bộ phim phát hành được ở nước ngoài, thu hút được sự quan tâm của khán giả quốc tế và có thành công đáng ghi nhận về doanh thu ở ngoài biên giới quốc gia. Nhưng để trả lời cho câu hỏi, “điện ảnh Việt đi được bao nhiêu ki lô mét ngoài biên giới?” thì những người lạc quan nhất cũng còn băn khoăn. Bởi vấn đề này đã được đặt ra từ hàng chục năm qua và bây giờ nó vẫn còn... mới.

Nhà báo Việt Văn cũng cho rằng, những năm qua, số phim Việt Nam đoạt giải ở các LHP quốc tế khá đa dạng và phong phú, nhưng cũng chỉ quanh ở một số cái tên. Trong bối cảnh điện ảnh Việt còn chưa có những dấu ấn đậm nét trên bản đồ điện ảnh thế giới thì việc đem phim đi dự các LHP quốc tế nhỏ, vừa tầm là lựa chọn đúng của các nhà sản xuất phim Việt. Ít nhất nó cũng đem lại sự thắng lợi tinh thần và cả tiền bạc ở một số LHP, qua đó nó cũng giúp phim có thể được mua và phát hành ở một vài thị trường. Và đấy cũng được xem như một sự tập dượt để các đạo diễn Việt có thêm nhiều trải nghiệm để bước ra biển lớn.

Từ “cái lạ” đến “bản sắc dân tộc” còn dài lắm

Đề cập đến việc đưa các yếu tố mới lạ trong phim Việt đương thời, nhà báo, đạo diễn Tô Hoàng nói rằng, gần 10 năm trở lại đây điện ảnh Việt ghi nhận những nỗ lực của thế hệ làm phim mới hướng tới việc đưa những gì mới lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam lên màn ảnh. Những gương mặt xinh xắn, trẻ trung, hồn nhiên... của những cô gái Việt Nam đương thời được khắc họa khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh. Các nhà quay phim K’Linh, Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị... với góc máy và khuôn hình đậm chất thơ.

Đặc biệt, đáng kể tới là nỗ lực sáng tạo đầy tâm huyết của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim như: Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Song lang, Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng... giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. “Dẫu vậy, cái mới, cái lạ của quê hương đất nước Việt Nam trong phim vẫn dừng ở mức nhè nhẹ. Cha mẹ sản xuất ra những bộ phim này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng gỏi vét hòm những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh thế giới”, đạo diễn Tô Hoàng nhận định và đặt câu hỏi: Chả lẽ cái lạ, cái mới để hấp dẫn người xem của các nước về Việt Nam chỉ là những băng đảng chém giết nhau máu khô, máu tươi, máu thật máu giả nhuộm đỏ màn ảnh đến như thế? Chả lẽ cái mới, cái lạ của Việt Nam được thể hiện ở cảnh vợ lớn mách vợ bé cách làm tình để đức ông chồng được thỏa mãn? Đến đây, tự nhiên nẩy sinh vấn đề: Vậy điều gì đáng được coi là cái lạ, cái đặc trưng, cái mà thế giới chứng kiến phải ồ lên: “Đúng là Việt Nam!”, “Đó là Việt Nam”, “Việt Nam là như thế đấy!”, tức cái được gọi bằng mấy tiếng “Bản sắc dân tộc”?

Theo các chuyên gia, để có thể trở thành một nền điện ảnh chuyên nghiệp có sức cạnh tranh, giải quyết vấn đề nhân lực chưa thể coi là phương pháp tối ưu. Trong giai đoạn chuyển mình, Việt Nam khó tránh khỏi việc phải đối mặt với sự phân mảnh về thị hiếu, thiếu ổn định về chất lượng và hơn hết là vẫn còn loay hoay trong định hướng. Vì thế điều cơ bản nhất là các nhà sản xuất phim Việt cần trang bị về sự nhạy bén với xu hướng, chiến lược định hướng sản phẩm rõ ràng và sự uyển chuyển trong sáng tạo. Cần học cách dung hoà giữa cái tôi sáng tạo của bản thân và thị hiếu của khán giả.

Song song đó, những yếu tố văn hoá cần được lồng ghép một cách khéo léo thông qua ngôn ngữ điện ảnh thay vì chỉ ngôn ngữ nói. Một nền điện ảnh mạnh ngoài những yếu tố, tiêu chuẩn về rạp chiếu, về tỉ lệ người xem phim, những giải quốc tế tại các LHP danh giá thì điều then chốt phải là một nền điện ảnh có những thế hệ đạo diễn giàu tính sáng tạo với “mùi vị” riêng của mình, và tạo nên một bức tranh về lịch sử xã hội Việt Nam không đứt đoạn.

“Bản sắc dân tộc trong phim ảnh không chỉ là phương tiện biểu đạt, nó cần được đào xới, khai thông, tìm tới những góc nhìn, sự cảm nhận, đánh giá khái quát, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn...”, đạo diễn Tô Hoàng nhấn mạnh. 

  Mười năm về trước đã có rất nhiều phim của Việt Nam được bán cho các Đài truyền hình nước ngoài. Đó là những phim giành các giải thưởng Bông sen vàng, Bông sen bạc tại các LHP. Số tiền bán phim không nhiều nhưng phim được mua, được phát sóng đã đến được với khán giả quốc tế để giới thiệu về nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc. Vậy tại sao giờ đây phim được sản xuất với chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật tốt hơn lại gặp khó khăn khi phát hành ở nước ngoài?”.

(Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh)

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top