Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Đâu là “rào cản” khó nói của phụ nữ

Thứ Sáu 06/12/2019 | 11:27 GMT+7

VHO-Nhằm nhận diện những đặc điểm hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay và xu hướng biến đổi trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo “Hôn nhân và Gia đình ở Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2019 và những vấn đề chính sách đặt ra” vào 5.12 tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến được đưa ra tại Hội thảo

 Hội thảo đã đề xuất các khuyến nghị cần quan tâm về hôn nhân, gia đình, ly hôn, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người cao tuổi... Tuy nhiên, một trong những vấn đề trọng tâm mà các đại biểu đặt ra hiện nay đó là bên cạnh sự tích cực của hôn nhân gia đình thì đôi khi chính gia đình lại là rào cản lớn của phụ nữ và trẻ em gái.

Phụ nữ vẫn phải đối diện với bạo lực

Qua các kết quả nghiên của cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), TS Vũ Phương Ly cho rằng hiện nay các chỉ số cho rằng số lượng phụ nữ đang ngày càng có nhiều quyền lợi và tiếng nói trong gia đình nhiều hơn trước nhưng đó chỉ là “ảo tưởng”, thực tế không ít phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử. Cứ ba phụ nữ thì lại có một người có thể bị lạm dụng về thể xác và tình dục bởi chính người bạn tình trong cuộc đời họ. “Sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử và bất lợi mà phụ nữ và trẻ em gái có thể gặp phải trong cuộc sống gia đình và các mối quan hệ vốn không phải là lẽ tự nhiên và cũng không phải là điều không thể tránh khỏi. Do đó, thách thức cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội và người dân trong mọi tầng lớp, đó là biến gia đình thành nơi bình đẳng và công bằng, là nền tảng để phụ nữ và trẻ em gái có thể thực hiện quyền của mình”, TS Vũ Phương Ly nhận định.

Tại nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - đàn ông chính là trụ cột gia đình còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình... Chính vì suy nghĩ ấy mà không ít phụ nữ chấp nhận “an phận”. Hai từ “an phận” dường như đã hằn sâu trong tiềm thức của rất nhiều phụ nữ, ngay cả những người phụ nữ hiện đại thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 vẫn có suy nghĩ đó. Họ cho rằng bản thân cần làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, hy sinh mọi thứ để người chồng có thể phát triển và xây dựng sự nghiệp. Thế nhưng suy nghĩ ấy đã tạo nên những “rào cản” vô hình ngăn cách phụ nữ được bình đẳng, được tự tin khẳng định bản thân và phát triển tài năng của chính mình.

Theo số liệu tổng hợp của Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL), từ năm 2009 - 2017 có khoảng 292.268 vụ bạo lực gia đình, tính trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ. Điều đáng nói là phần lớn nạn nhân là phụ nữ, mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình. Nhiều người vợ vẫn cố gắng nhẫn nhịn khi thường xuyên bị chồng ngược đãi, hành hung mà không rõ nguyên nhân. Trong cơ chế kinh tế thị trường, mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại phổ biến tình trạng hầu như công việc nội trợ, chăm sóc con cái và người đau ốm trong gia đình được xác định là trách nhiệm của phụ nữ.

Vẫn còn nhiều rào cản trong bình đẳng giới

Tại Việt Nam, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, nguyên nhân chính là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường… Không hiếm gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ, lạnh nhạt với con gái. PGS, TS Trần Thị Minh Thi cho rằng vấn đề an ninh kinh tế của phụ nữ trong gia đình không được đảm bảo bởi mức độ tiếp cận tới các nguồn thu nhập độc lập bất bình đẳng, phụ nữ làm việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả lương nhiều gấp ba lần trong các gia đình, các hộ gia đình cha mẹ đơn thân tỷ lệ nghèo đói gấp nhiều lần. Hiện nay xu hướng bà mẹ đơn thân, tỷ lệ ly hôn, ly thân gia tăng nhưng vẫn chưa có những chính sách phù hợp đối với những người phụ nữ ở diện bà mẹ đơn thân. Ly hôn là mặt trái, là sự tan vỡ của gia đình tuy nhiên theo các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo thì cũng phải chấp nhận thực tế này để tìm ra những giải pháp, chính sách để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Đôi khi để bảo đảm quyền lợi cho mình và con người phụ nữ đành lòng phải chấp nhận sống cảnh bà mẹ đơn thân khi gặp phải những lý do như: Không con, bệnh tật, bạo lực gia đình, chồng ngoại tình hoặc nghiện ngập... Tuy nhiên, chúng ta chưa có những chính sách hỗ trợ cho những bà mẹ đơn thân sau khi ly hôn đặc biệt là hỗ trợ về giải pháp tháo gỡ những khó khăn về kinh tế nhất là với nhiều người phụ nữ sau khi ly hôn tay trắng rời khỏi gia đình chồng không có tài sản, công việc nội trợ khó khăn...

TS Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) nêu ra một số vấn đề chính sách cần quan tâm ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng xây dựng cuộc sống hài hòa vợ, chồng, đặc biệt quan tâm đến đời sống tình cảm; Tăng cường giáo dục trước hôn nhân với kiến thức về tình bạn, tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản, điều kiện kết hôn, quan hệ vợ chồng... Thực hiện các hoạt động nâng cao cơ hội và khả năng tiếp cận để cải thiện các nguồn lực cho phụ nữ như vấn đề có việc làm, nâng cao trình độ học vấn cho người phụ nữ; Phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống gia đình; Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình của người di cư lao động; Có biện pháp đẩy mạnh công tác PCBLGĐ với chế tài cụ thể; Hoàn thiện các mô hình PCBLGĐ... 

HIỀN LƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top