Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và kỷ luật HS: 30 năm đi với lạc hậu, cứng nhắc và không nhân văn

Thứ Sáu 13/12/2019 | 10:50 GMT+7

VHO- Một buổi tọa đàm vừa diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM nhằm hiến kế, tìm các giải pháp phù hợp để điều chỉnh Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.

Các giáo viên chia sẻ tại tọa đàm

Tại đây, các nhà giáo thống nhất cho rằng, nên bỏ hình thức buộc học sinh thôi học 1 năm trong Thông tư hiện hành vì đây là hình thức kỷ luật thiếu nhân văn, không phù hợp.

Kỷ luật không có nghĩa là gắn tội trạng cho học sinh

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh được ban hành cách nay đã hơn 30 năm, do đó các nội dung trong Thông tư này ít nhiều đã lạc hậu, không còn phù hợp để áp dụng.

“Thời gian qua nhiều nhà trường đau đầu, lúng túng trong việc xử lý kỷ luật học sinh, bởi nếu áp dụng đúng theo Thông tư 08 thì quá cứng nhắc, thậm chí thiếu tính nhân văn. Vì vậy cần có những quy định mang tính mềm dẻo, hợp tình hợp lý, sát thực tiễn hơn trong kỷ luật cũng như khen thưởng học sinh”, ông Phú nói. Ông cũng nhắc lại trường hợp một nam sinh bị ban giám hiệu Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình bắt xin lỗi công khai trước toàn trường và còn bị quay clip vì em này xúc phạm một nhóm nhạc Hàn Quốc. Đây chính là bài học cho tất cả các nhà trường, nhất là ban giám hiệu. “Lâu nay chúng ta suy nghĩ kỷ luật học sinh là gắn tội trạng cho các em, vậy liệu có nhân văn không, vì bản chất của kỷ luật là mong muốn các em nhận ra lỗi để điều chỉnh, hoàn thiện...”, ông Phú đặt câu hỏi.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, khen thưởng hay kỷ luật là một trong những biện pháp giáo dục hữu dụng. Trong đó bản chất của khen thưởng là để bày tỏ thái độ ghi nhận, đồng tình, ủng hộ, khen ngợi để học sinh có động lực phấn đấu ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, trách phạt hay kỷ luật là để bày tỏ thái độ phê phán, không đồng tình, không cổ súy và nhằm để nhắc nhở các em khắc phục lỗi lầm... “Tuy hai hình thức này khác biệt và trái ngược nhau nhưng bản chất đều hướng đến việc giáo dục học sinh, cảm hóa các em, khơi gợi nội lực để các em có ý chí vươn lên, ngày càng hoàn thiện trở thành công dân tốt, sống tích cực”, TS Hồng chia sẻ.

Lâu nay trong nhiều nơi, nhiều tình huống chúng ta còn làm chưa đúng dẫn đến những hướng xử lý cứng nhắc. Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong kỷ luật hay khen thưởng, đòi hỏi các nhà trường, từng nhà giáo phải hết sức cẩn trọng trong việc xử lý, bởi giáo dục là một nghệ thuật, do đó mà cần linh hoạt và sáng tạo, sâu sát trong từng tình huống.

 Theo các giáo viên việc kỷ luật hay khen thưởng học sinh cần có nghệ thuật mềm dẻo và linh hoạt chứ không thể cứng nhắc Ảnh minh họa

Phải mang hơi thở thời đại

Thông tư 08 có quy định, hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất là “đuổi học 1 năm” đối với học sinh mắc các lỗi nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật đuổi học 1 tuần mà không sửa chữa, vẫn còn tái phạm... Với quy định này, hầu hết các đại biểu đều cho rằng nếu xây dựng Thông tư mới thì quy định này cần phải bỏ vì thiếu tính nhân văn và không phù hợp với xu thế hiện nay.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trong 365 ngày bị đuổi học đó, ai là người quản lý, giáo dục các em, rồi khi hết thời hạn kỷ luật liệu các em còn đủ kiến thức để quay về trường tiếp tục việc học. Áp lực tâm lý từ bạn bè, những người xung quanh liệu các em có chịu nổi để tiếp tục làm lại cuộc đời hay bất mãn, buông xuôi, thậm chí có khả năng rơi vào con đường tiêu cực, tự hủy hoại. “Chúng ta kỷ luật học sinh nhưng với tâm thế của những người cha, người mẹ, trách phạt để giáo dục các con tốt hơn chứ không phải gắn tội danh để các con phải mang án suốt quãng đời học sinh của mình. Theo tôi, hình thức kỷ luật 1 tuần đã là nặng lắm rồi”, bà Lệ nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, ông Lữ Ngọc Đồng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải cho rằng: “Thông tư 08 nên điều chỉnh theo hướng khen nhiều hơn là kỷ luật. Trong Thông tư 08 hiện nay đang xem nặng thành tích, học lực mà thiếu quy định khen thưởng các mặt khác như hành vi ứng xử, đạo đức. Chúng ta nói nhiều đến giáo dục toàn diện nhưng khen thưởng hiện nay chưa toàn diện”. “Việc kỷ luật hình thức bêu xấu các em công khai trước toàn trường cũng cần loại bỏ vì điều này không có tác dụng tích cực, thậm chí đây là hành vi sỉ nhục các em. Nếu các em có thành tích, có cử chỉ đẹp thì cần tuyên dương càng công khai càng hay vì lan tỏa các giá trị đó. Nhưng ngược lại nếu các em có sai lầm thì nên khiển trách, giáo dục trong phạm vi nội bộ, càng ít người biết, nếu không sẽ tạo sự ức chế cho các em, đôi khi dẫn đến những hệ quả đau lòng không lường trước được”, một giáo viên bày tỏ.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, quy định đối với khen thưởng hay kỷ luật học sinh ngày nay trước hết phải phù hợp với xu thế hội nhập. “Hơi thở thời đại mà tôi muốn nói tới đó là học sinh phải có ý thức và hành động về bảo vệ môi trường, về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc... Bởi hiện nay các loại hình di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc đang có chiều hướng mai một, học sinh rất ít khi được cọ xát. Do vậy mà theo tôi nếu như cá nhân hay tập thể làm được những điều này thì phải được khen thưởng, coi đó là niềm kiêu hãnh của nhà trường để lan tỏa các giá trị này”, ông Phú gợi mở.

Các giáo viên khác cũng cho rằng, để có những hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp, trước mắt từng nhà trường cần xây dựng bộ tiêu chí trên cơ sở những quy định chung và đặc thù, mục tiêu của từng trường. Chẳng hạn nhà trường nào cần đẩy mạnh yếu tố khoa học kỹ thuật, nhà trường nào cần đề cao tính văn hóa dân tộc, nhà trường nào cần hướng đến đạo đức, tác phong, kỷ luật... Hình thức kỷ luật hay khen thưởng không nhất thiết phải đúng quy định một cách rập khuôn, cứng nhắc mà cần linh hoạt, uyển chuyển trên cơ sở kịp thời, công bằng, đảm bảo động lực phấn đấu cho học sinh.

Các nhà trường cũng cần xây dựng văn hóa trong môi trường học đường, tạo ra nhiều cơ hội, sân chơi để học sinh rèn luyện, bộc lộ tài năng nhằm có những đánh giá toàn diện cho học sinh. “Mọi hình thức kỷ luật đều nhằm cảm hóa trên cơ sở thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe để có giải pháp phù hợp, đồng thời khơi dậy khả năng tự điều chỉnh cho học sinh”, TS Nguyễn Thị Bích Hồng bày tỏ. 

 Thời gian qua nhiều nhà trường đau đầu, lúng túng trong việc xử lý kỷ luật học sinh, bởi nếu áp dụng đúng theo Thông tư 08 thì quá cứng nhắc, thậm chí thiếu tính nhân văn. Vì vậy cần có những quy định mang tính mềm dẻo, hợp tình hợp lý, sát thực tiễn hơn trong kỷ luật cũng như khen thưởng học sinh.

(Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top